Bữa cơm thường nhật theo giai cấp thời Edo

Ở bài trước chúng ta đã biết về bữa cơm hằng ngày thời Showa được đánh giá là lành mạnh nhất. Vậy trước khi Cải cách Minh Trị Duy Tân được tiến hành, người dân Nhật Bản ăn uống như thế nào?

Trái với suy nghĩ thông thường của người nước ngoài rằng người Nhật từ xa xưa đã luôn có sushi, sashimi hay mì ramen trong bữa ăn. Thực tế thì thực phẩm thời cổ đại không phong phú như hiện nay, và sản lượng thấp cũng như thịt cá đắt đỏ khiến những hộ gia đình bình thường nếu được mùa thì mới có cơm trắng ăn với rau củ quả muối.

Trước khi đi sâu hơn vào bữa ăn thời Edo, hãy cùng nhìn lại hệ thống giai tầng của Nhật Bản dưới thời Edo. Cũng như các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, Nhật Bản thời Edo cũng thịnh hành việc phân chia làm 4 giai cấp theo thứ tự được kính trọng từ cao đến thấp: sĩ-nông-công-thương.

Nông – được coi là tầng lớp cao quý thứ 2 trong xã hội, trên thực tế không chỉ bao gồm nông dân. Tầng lớp này được cho là gồm toàn bộ những người sinh sống ngoài thành Edo, tức là ở khu vực nông thôn. Họ có thể là nông dân, ngư dân, thợ thủ công thậm chí làm nghề vận tải trên bộ hoặc trên biển.

Công – tầng lớp xếp sau nông, được biểu thị bằng chữ Hán「工」trong công nghiệp. Tuy nhiên vào thời cổ đại không có khái niệm công nghiệp. Chỉ duy nhất có một ngành tạm được gọi là “công nghiệp” thời Edo là xây dựng nhà cửa. Thợ thủ công ở khu vực thành thị được gọi là “thị dân”. Trên thực tế, không có khác biệt nào về mặt giai cấp xã hội giữa “nông” và “công”.

Thương – tầng lớp được cho là thấp kém nhất trong xã hội, thực chất lại nắm giữ nền kinh tế của cả đất nước. Rất nhiều thương nhân do buôn bán tốt mà trở thành người giàu có, có địa vị xã hội và đôi khi còn có thể sai khiến cả tầng lớp cao quý nhất – sĩ (võ sĩ, samurai). Mặc dù nhiều của cải, tầng lớp này vẫn bị khinh thường và được cho là không có văn hóa.

Cuối cùng tôi muốn nói đến tầng lớp võ sĩ. Tuy là tầng lớp cao quý nhất trong giai tầng, nhưng võ sĩ có thực sự đứng đầu trong xã hội không thì đó là một câu chuyện khác. Những samurai vị trí thấp kém nhất vừa không có tiền vừa không có quyền, thậm chí họ còn không được những thương nhân coi trọng. Đáng buồn là con số này không nhỏ, trong khi những samurai thực sự có quyền lực và được kính trọng như các lãnh chúa (daimyo) thì lại rất ít. Do vậy, có thể nói nhiều lúc tầng lớp thương nhân vẫn có thể đứng trên tầng lớp võ sĩ.

Vậy lang y (bác sỹ cổ đại) thì xếp vào tầng lớp nào? Tuy không được phân chia rõ ràng nhưng lang y từ xưa đến nay vẫn luôn được kính trọng. Những vị lang y xuất sắc còn có thể nhận được đãi ngộ như được ngồi kiệu giống các samurai cấp cao.

Quay trở lại với những bữa ăn thường ngày thời Edo. Như đã giới thiệu ở trên, các giai cấp khác nhau sẽ có tài chính và thói quen khác nhau. Những gia đình giàu có thường ăn cơm trắng với nhiều loại thức ăn ngon mỗi ngày, trong khi gia đình nghèo thường không có món phụ. Tuy nhiên có đặc điểm chung là người dân thời Edo không có thói quen ăn thịt nhiều như người hiện đại. Nguồn đạm chủ yếu đến từ cá và các loại đậu.

Gạo là trung tâm của ẩm thực Nhật Bản. Tuy nhiên với samurai cấp thấp thì đó có thể là thực phẩm duy nhất của họ. Với tiền lương ít ỏi từ việc phục vụ lãnh chúa, nhiều samurai cấp thấp phải tự trồng rau để bổ sung vào bữa ăn. Cá cũng chỉ góp mặt vài lần mỗi tháng. Nhà thơ Meisetsu Naito, con của một gia đình samurai cấp thấp miêu tả rằng mình chỉ được ăn cá vào các ngày mồng 1, 15 và 28 mỗi tháng. Do vậy, món ăn chủ yếu của gia đình samurai cấp thấp là gạo và rau.

Tầng lớp thương nhân tập sự cũng không khá hơn là mấy. Quyển “Bakumatsu Hyakuwa” viết thời Edo có ghi chép về bữa ăn của một thương nhân tập sự, trong đó người nọ ngày nào cũng chỉ ăn cơm với canh miso để tiết kiệm tiền, thi thoảng có thể bắt được cá thì ăn vào ban ngày còn bữa tối chỉ ăn với đồ muối chua. Mì soba hay udon được cho là “cực kỳ xa xỉ”, và những dịp hiếm hoi ăn mì ở quán có thể được cho là một sự kiện hạnh phúc.

Còn tầng lớp nông dân, những người thực sự sản xuất lúa gạo thì sao? Thời cổ đại kỹ thuật canh tác hết sức thô sơ, sản lượng thấp và phụ thuộc vào thiên nhiên. Đáng buồn là đa số nông dân không có gạo trắng để ăn, chỉ có thể thưởng thức vào các dịp lễ lạt. Nguyên nhân là do họ phải nộp lúa làm tô thuế, hoặc bán đi để trang trải chi phí sinh hoạt nên không còn nhiều để gia đình sử dụng. Người nông dân cho rằng người dân phố thị ở Edo rất giàu có khi có cơm trắng ăn hằng ngày.

Do vậy, “cơm trắng” trở thành câu an ủi có sức mạnh to lớn. Người ta thường mua những bé gái xinh xắn của các hộ gia đình nghèo, và để an ủi đứa nhỏ đang đau buồn không muốn xa nhà họ thường nói “sẽ được ăn cơm trắng mỗi ngày”.

Sự thiếu hụt gạo trong bữa ăn của người dân thời Edo cũng dẫn đến bệnh thiếu vitamin B1, vốn được cho là một căn bệnh nặng dưới thời Edo mà không tìm ra nguyên nhân.


Nguồn:

http://edojidai.info/syokuji.html | http://edojidai.info/mibunnseido.html


Discover more from Những nẻo đường Phù Tang

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply