19/11/2019
Thủ tướng Abe Shinzo tính đến ngày 20 tháng 11 năm 2019, đã vượt qua cố thủ tướng Katsura Tarō, trở thành người có thời gian đảm nhận chức vụ thủ tướng dài nhất trong lịch sử, cùng với cố thủ tướng Satō Eisaku và cố thủ tướng Itō Hirobumi, là bốn người đứng đầu về thời gian tại chức. Trùng hợp thay, cả bốn đều xuất thân từ tỉnh Yamaguchi.
Từ Tokyo đến ga Shin-Yamaguchi mất 4 tiếng rưỡi đi bằng tàu tốc hành Shinkansen. Nếu lấy Tokyo làm trung tâm, tỉnh Yamaguchi là vùng đất nằm ở phía cực Tây của đảo chính Honshu. Kể từ thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản Itō Hirobumi, cho đến nay Yamaguchi đã sản sinh ra 8 vị thủ tướng, nhiều nhất cả nước. Tổng thời gian đảm nhận chức vụ của 8 người cộng lại tính đến thời điểm ngày 20 tháng 11 năm 2019 là 15268 ngày, chiếm 31.2% trong tổng số 48911 ngày tính từ ngày thủ tưởng đầu tiên Itō Hirobumi nhậm chức. Tỉ lệ này hoàn toàn áp đảo so với Tokyo.
Những thủ tướng có xuất thân từ tỉnh Yamaguchi
Tên | Ngày nhậm chức thủ tướng lần đầu tiên | Số ngày tại nhiệm |
---|---|---|
Itō Hirobumi | 22/12/1885 | 2720 |
Yamagata Aritomo | 24/12/1889 | 1210 |
Katsura Tarō | 2/6/1901 | 2886 |
Terauchi Masatake | 9/10/1916 | 721 |
Tanaka Giichi | 20/4/1927 | 805 |
Kishi Nobusuke | 25/2/1957 | 1241 |
Satō Eisaku | 9/11/1964 | 2798 |
Abe Shinzo | 26/9/2006 | 2887 |
Tầm ảnh hưởng lớn đến mức này của tỉnh Yamaguchi có liên quan sâu xa đến cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân. Yamaguchi vào thời kì Edo được gọi là phiên Chōshū. Phiên sĩ của phiên Chōshū, đồng thời cũng là nhà tư tưởng Yoshida Shōin, trong vòng hai năm rưỡi kể từ năm 1857, đã mở trường tư Shōka Sonjuku, giáo dục và bồi dưỡng con em của dân thường và tầng lớp võ sĩ cấp thấp. Yoshida Shōin vốn là người nêu cao tư tưởng lật đổ Mạc Phủ, đã bị xử tử trong cuộc thanh trừng An Chính vào năm 1859. Nhưng ý chí của ông đã được các học trò tại Shōka Sonjuku như Takasugi Shinsaku, Itō Hirobumi, Yamagata Aritomo kế thừa, và trở thành động lực chính cho cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân.
Sau cuộc cải cách, quyền lực của chính phủ mới thời Minh Trị nằm trong tay Ito và Yamagata. Cho đến tận thời Đại Chính (Taishō), những người có xuất thân từ hai phiên Chōshū và Satsuma (tỉnh Kagoshima ngày nay) vẫn thay nhau nắm giữ chính quyền.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, thủ tướng đầu tiên có xuất thân từ tỉnh Yamaguchi là Kishi Nobusuke. Ông chính là ông ngoại của thủ tưởng Abe Shinzo. Cố thủ tướng Satō Eisaku, người được trao giải Nobel hoà bình nhờ những nỗ lực yêu cầu Mỹ trao trả quần đảo Okinawa cho Nhật Bản, cũng như đề xuất ba nguyên tắc phi hạt nhân, là em ruột của Kishi Nobusuke (Nobusuke được nhận làm con nuôi của một người thân thích bên nội nên họ của ông đã đổi thành Kishi).Vì thế Satō Eisaku cũng chính là ông trẻ của thủ tướng Abe Shinzo. Nguồn gốc của gia đình nhà cố thủ tướng Satō Eisaku cũng bắt nguồn từ phiên sĩ của phiên Chōshū. Thủ tướng Abe Shinzo, người luôn tôn kính Yoshida Shōin, vẫn thường nhắc đến ông trong những bài diễn thuyết hay trên blog cá nhân. Đã 160 năm kể từ ngày Yoshida Shōin ra đi, tư tưởng của ông vẫn có sức ảnh hưởng cho tới tận ngày hôm nay.
Tỉnh Yamaguchi không chỉ gắn kết với những thay đổi lịch sử của thời đại nhờ cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân. Thời kì Heian, tại thành phố Shimonoseki thuộc tỉnh Yamaguchi, đã diễn ra trận Dan-no-ura, trận chiến đặt dấu chấm hết cho nhà Taira, mở đường cho thời đại mà xã hội thuộc về tầng lớp võ sĩ thay vì tầng lớp quý tộc.
Hiện tại, Shimonoseki là địa danh nổi tiếng với lượng tiêu thụ cá nóc (tiếng Nhật là fugu) nhiều nhất cả nước. Lệnh cấm ăn thịt cá nóc vì đây là một loại cá có độc đã được ban bố từ thời Toyotomi Hideyoshi còn nắm quyền, nên loại cá này được biết đến là một loại cá rất nguy hiểm. Năm 1888, thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản, Itō Hirobumi, trong lần ghé thăm Shimonoseki, cảm động bởi vị ngon của món cá nóc được yêu thích bởi người dân địa phương, đã thúc đẩy người đứng đầu tỉnh Yamaguchi dỡ bỏ lệch cấm. Nhờ đó món cá nóc được biết đến rộng rãi trên toàn quốc. Qua đó chúng ta có thể thấy được ngay cả văn hoá ẩm thực cũng gắn liền với những biến chuyển của thời đại.
Bức ảnh ở đầu bài viết là ảnh chụp Shōka Sonjuku vào năm 2015, năm mà nơi đây được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, trở thành một trong ba di sản cấu thành “di sản của cuộc cách mạng công nghiệp Minh Trị Nhật Bản”.
Discover more from Những nẻo đường Phù Tang
Subscribe to get the latest posts sent to your email.