Cải cách để ổn định xã hội của Toyotomi Hideyoshi, người hoàn thành đại nghiệp thống nhất nước Nhật.

Tác giả: Kawai Atsushi

Tiếp nối câu chuyện lần trước về Oda Nobunaga, lần này tôi muốn hướng lăng kính của mình tới Toyotomi Hideyoshi. Hideyoshi, người tiếp bước sự nghiệp còn dang dở của chủ nhân cũ của mình Oda Nobunaga, hoàn thành việc thống nhất Nhật Bản, đã tiến hành thống nhất đơn vị đo lường trên toàn quốc, sau đó cử những viên chức của chính quyền đến khắp các vùng trên cả nước để tính toán lại sản lượng gạo của từng nơi, từ đó ổn định hóa việc trưng thu thuế. Ngoài ra Hideyoshi còn thực hiện nhiều cải cách để biến xã hội loạn lạc thời chiến quốc thành một xã hội trật tự, như phân chia rõ ràng thân phận của tầng lớp võ sĩ và nông dân, hay tịch thu toàn bộ vũ khí của nông dân, buộc họ tập trung vào công việc đồng áng, nhờ đó mà ngăn chặn sự phản loạn.

Thống nhất đất nước

Ngày 2 tháng 6 năm Thiên Chính thứ mười (1582), lãnh chúa Oda Nobunaga, người đã sắp sửa thống nhất hoàn toàn nước Nhật, bị chính gia thần của mình Akechi Mitsuhide hạ sát tại chùa Honnoji ở Kyoto. Sau đó người đã tiêu diệt Mitsuhide lại chính là một trọng thần khác của nhà Oda, Hashiba Hideyoshi (sau này được biết đến với tên gọi Toyotomi Hideyoshi).

Hideyoshi sinh ra trong gia đình của một người lính Ashigaru, một dạng lính bộ binh trang bị nhẹ (tồn tại cả những giả thuyết khác về xuất thân). Ông là một nhân vật nổi bật trong những người đi theo Oda Nobunaga, và đạt được vai trò trọng thần của nhà Oda. Thời điểm xảy ra biến cố chùa Honnoji, Hideyoshi đang dùng kế thủy công vây chặt thành Takamatsu của nhà Mori tại vùng Chugoku trong biển nước. Ông đã ngay lập tức ép Mori đồng ý một thỏa thuận đình chiến có lợi cho mình rồi tức tốc quay lại Kyoto (đây là cuộc hành quân vĩ đại nổi tiếng trong lịch sử được biết đến với cái tên Chugoku Ogaeshi). Chỉ trong vòng 11 ngày ngắn ngủi từ khi sự kiện tại chùa Honnoji xảy ra, Hideyoshi đã tiêu diệt được Akechi Mitsuhide trong trận Yamazaki ở ngoại thành Kyoto. Sau đó ông đánh bại một trọng thần khác của nhà Oda, Shibata Katsuie trong trận Shizugatake vào năm 1583, cùng năm ông cho khởi công xây dựng thành Osaka tại vị trí của chùa Ishiyama Hongan-ji, chứng tỏ cho thiên hạ mình chính là người kế tục đích thực của Oda Nobunaga. Năm 1585, ông khuất phục Chosakabe Motochika, bình định Shikoku, cũng vào năm này ông nhận chức Quan Bạch, tước hiệu quan nhiếp chính với vai trò cố vấn cho thiên hoàng, nhưng thực tế nắm trong tay thực quyền. Năm tiếp theo ông nhận được họ Toyotomi từ thiên hoàng Ogimachi, rồi đảm nhiệm chức Thái Chính Đại Thần (vị trí có quyền lực cao nhất trong triều đình).

Tượng của một vị tướng trên đỉnh núi Shizugatake, thành phố Nagahama tỉnh Shiga

Tạo dựng được chính quyền của mình dựa trên tầm ảnh hưởng của triều đình, Hideyoshi ban bố sắc lệnh nghiêm cấm xung đột giữa các lãnh chúa với mục đích cá nhân. Năm 1587, ông thảo phạt nhà Shimazu của Satsuma, những người công khai chống lại sắc lệnh này, từ đó bình định được Kyushu. Năm 1590, ông tiêu diệt nhà Hojo bá chủ của vùng Kanto, đồng thời trấn áp hoàn toàn các lãnh chúa của vùng Tohoku, hoàn thành công cuộc thống nhất nước Nhật. Tất cả được thực hiện chỉ vòn vẻn trong vòng 8 năm kể từ biến cố chùa Honnoji.

Nền chính trị độc tài

Nền tảng tài chính của chính quyền Toyotomi là nguồn thu nhập đến từ lãnh địa trực thuộc với 200 vạn thạch (2 triệu koku, 1koku = 150kg gạo). Ngoài ra chính quyền còn kiểm soát các mỏ khoáng sản trọng yếu, đặt những thành phố lớn như Kyoto, Osaka, Sakai, Fushimi, Nagasaki dưới sự cai trị trực tiếp, và chủ động điều phối cung ứng tiền tài và vật tư thiết yếu từ các thương nhân.

Hideyoshi điều hành chính quyền dưới chế độ độc tài với cố vấn của hai bộ não nổi tiếng là em trai Hidenaga và người được mệnh danh là bậc thầy trà đạo Sen no Rikyu. Sau khi nhường lại chức Quan Bạch cho con nuôi Hidetsugu (vốn là cháu trai), Hideyoshi tự xưng là Thái Cáp (tên gọi của Quan Bạch sau khi từ nhiệm) và vẫn tự mình nắm trong tay thực quyền. Nhưng vào những năm cuối đời, ông đã tạo ra chế độ mới, trong đó phân chia nhiệm vụ quản lí hành chính cho năm bề tôi thân tín gọi là ngũ phụng hành, còn những công việc nghị sự quan trọng sẽ được bàn bạc và giải quyết bởi một hội đồng gồm năm lãnh chúa có thế lực gọi là ngũ đại lão.

Bên cạnh đó, kể từ năm 1582, Hideyoshi đã cho tiến hành đo đạc lại lãnh địa mà mình đoạt được và lãnh địa của các lãnh chúa chư hầu. Trước đó những vùng đất thuộc sở hữu và sản lượng thu hoạch của các gia thần và nông dân được kê khai với lãnh chúa dưới hình thức tự giác, tức là tự đo đạc tự kê khai. Hideyoshi không chấp nhận hình thức này và cử những viên chức phụ trách đo lường trực tiếp tới các địa phương, thực hiện điều tra đo đạc lại một cách chi tiết các thông số như thứ bậc, diện tích dinh thự, ruộng vườn. Ông đã thống nhất đơn vị đo lường trên toàn quốc như dưới đây để tiến hành công việc đo đạc.

Chu vi 6 xích 3 thốn (191cm) bằng 1 bộ. 30 bộ bằng 1 mẫu. 10 mẫu bằng một đoạn. 10 đoạn bằng 1 đinh.

Những người được cử đi thực hiện công tác đo đạc chia ruộng làm bốn bậc (thượng điền, trung điền, hạ điền, và mức dưới hạ điền), sau đó nhân với diện tích, từ đó tính ra sản lượng gạo có thể thu được.

Cho đến trước sự kiện đo đạc ruộng đất này, tồn tại thực trạng trên một mảnh ruộng có quyền lợi đan xen của rất nhiều người. Hideyoshi cho nông dân, những người trực tiếp canh tác, đăng kí vào sổ đất đai, và bảo hộ quyền canh tác của họ. Đồng thời gắn họ với nghĩa vụ nộp thuế và phu dịch (bị tổng động viên khi xảy ra chiến tranh, và phải thực hiện những công việc được yêu cầu). Nguyên tắc này được gọi là “nhất địa nhất tác nhân”. Có nghĩa là trên một mảnh ruộng chỉ thừa nhận quyền canh tác của một người duy nhất, người đó phải có trách nhiệm nộp thuế, điều này cũng đồng nghĩa với việc bãi bỏ hoàn toàn các hình thức bóc lột của các tầng lớp trung gian khác. Sổ đất đai được tạo ra tương ứng với từng làng một, do đó tiền thuế được quản lí theo đơn vị làng. Tiền thuế được thu theo công thức “nhị công nhất dân”. Tức là 2/3 những gì thu hoạch được sẽ thuộc về lãnh chúa, còn 1/3 còn lại thuộc về người canh tác. Đây là chế độ thu thuế rất nặng nề.

Hideyoshi, người đã bình định được cả thiên hạ, ra lệnh cho các lãnh chúa giao nộp bản đồ lãnh địa và số đất đai vào năm 1591. Dựa vào những tài liệu này, sản lượng gạo của các vùng đất của các lãnh chúa chính thức được quyết định. Trên cơ sở sản lượng này, Hideyoshi đã giao phó nghĩa vụ quân dịch tương ứng cho các lãnh chúa. Chế độ này được tiếp bước sau này bởi Mạc phủ Edo.

Tịch thu vũ khí và xác lập chế độ đẳng cấp

Năm 1588, Hideyoshi tịch thu các loại vũ khí (đao, cung, thương, súng) từ nông dân. Đương thời, nông dân thường sử dụng vũ khí để bảo vệ đất đai của họ trước kẻ địch hoặc khi được các lãnh chúa huy động làm binh lính. Nhưng Hideyoshi bằng việc tước đi vũ khí từ tay những người nông dân, vừa ngăn chặn những mầm mống của phản loạn, vừa khiến cho họ tập trung vào việc canh tác.

Năm 1591, Hideyoshi ra lệnh cấm những người làm công, phụng sự cho các gia đình võ sĩ trở thành “chonin” (thương nhân, thợ thủ công), hoặc dân thường (nông dân). Những người dân thường cũng bị cấm tham gia vào hoạt động buôn bán hay những nghề thủ công. Năm tiếp theo, trên danh nghĩa của cháu mình là Quan Bạch Toyotomi Hidetsugu, Hideyoshi một lần nữa ra lệnh tiến hành điều tra trên cả nước để xác định số hộ và số người cụ thể ứng với từng tầng lớp kể trên.

Từ việc tiến hành đo đạc lại ruộng đất, tịch thu vũ khí, và xác lập đẳng cấp của từng tầng lớp, một chế độ xã hội được sinh ra trong đó thân phận của từng người được qui định dựa trên nghề nghiệp của họ, và việc thay đổi thân phận giữa các tầng lớp trên nguyên tắc không được phép xảy ra. Điều này góp phần hình thành cơ cấu trong đó thương nhân, thợ thủ công, võ sĩ tập trung sinh sống tại các khu vực đô thị, xung quanh các lâu đài, còn nông dân ở lại các làng xã. Xã hội “Sĩ Nông Công Thương” được xác lập.

Chính sách ngoại giao, khủng bố cơ đốc giáo và xâm lược Triều Tiên

Về chính sách đối ngoại, ban đầu Hideyoshi vẫn tiếp tục duy trì chính sách bảo hộ cơ đốc giáo của Nobunaga. Nhưng khi hay tin lãnh chúa của Hizen, Omura Sumitada nhượng lại Nagasaki cho dòng Tên (một dòng tu của giáo hội công giáo Roma) làm đất giáo đường, người Nhật bị bán làm nô lệ ra nước ngoài, những tín đồ thiên chúa giáo phá hoại đền thờ của đạo Shinto, Hideyoshi đã ra lệnh trục xuất các giáo sĩ và người truyền giáo ra nước ngoài. Nhưng sau khi lệnh được ban bố, việc giao thương với người châu Âu vẫn được khuyến khích nên lệnh trục xuất không được thi hành một cách triệt để, dẫn đến hoạt động truyền giáo lại được bắt đầu trở lại trong một thời gian. Thế nhưng vào năm 1596, “Tây Ban Nha sử dụng những giáo sĩ truyền giáo để mở rộng lãnh thổ”, lời nói của một thủy thủ tàu San Felipe của Tây Ban Nha dạt vào bờ biển Tosa đã lọt đến tai của Hideyoshi, dẫn đến 26 giáo sĩ và tín đồ cơ đốc giáo bị bắt và bị hành hình tại Nagasaki vào năm tiếp theo. Từ sự kiện này, Nhật Bản và Tây Ban Nha đã đoạt tuyệt hoàn toàn quan hệ ngoại giao.

Bia tưởng niệm 26 tín đồ thiên chúa giáo tại thành phố Nagasaki

Thời bấy giờ, trong nước nhiều lãnh chúa và thương nhân đã hướng tới Đông Nam Á để thực hiện các giao dịch thương mại. Năm 1588, Hideyoshi đã ban bố lệnh cấm các hành vi cướp biển, bảo vệ sự an toàn cho các tàu buôn trên biển. Nhưng ông dần hình dung ra viễn cảnh tạo ra một trật tự quốc tế mới với Nhật Bản làm trung tâm của châu Á, bằng cách chinh phục một Trung Quốc suy yếu dưới sự cai trị của nhà Minh. Đồng thời ông cũng yêu cầu các vùng đất khác phải triều cống Nhật Bản như Triều Tiên, Goa của Ấn Độ dưới sự cai trị của Bồ Đào Nha, Philippin dưới sự cai trị của Tây Ban Nha, hay đảo Kozankoku (nay là đảo Đài Loan). Đặc biệt đối với Triều Tiên, thông qua gia tộc So của đảo Đối Mã, Hideyoshi đã lệnh cho Triều Tiên dẫn đường cho quân đội Nhật Bản tiến vào xâm lược nhà Minh Trung Quốc. Nhưng Triều Tiên đã cự tuyệt yêu cầu này. Dẫn tới việc năm 1592, Hideyoshi đã cho 15 vạn đại quân đổ bộ vào Busan, chính thức tiến hành xâm lược bán đảo Triều Tiên.

Ban đầu quân Nhật thắng như chẻ tre, nhưng sau đó đường tiếp tế bị đô đốc thủy quân của Hàn Quốc Yi Sunsin, sử dụng Quy thuyền cắt đứt. Đường tiến quân cũng bị chặn lại bởi các đội nghĩa binh với thành phần chủ yếu là dân chúng. Quân tiếp viện của nhà Minh tới từ Trung Quốc càng khiến cho quân Nhật phải khổ chiến, và tình hình chiến trận rơi vào bế tắc. Sau đó hai bên tạm thời đình chiến, nhưng những nỗ lực đàm phán hòa bình đã thất bại, và năm 1597, Hideyoshi một lần nữa cho 14 vạn đại quân đổ bộ vào Triều Tiên, với mục tiêu chiếm cho được phần phía Nam của bán đảo. Nhưng lần này, một trận chiến giằng co lại diễn ra giữa đôi bên, cuối cùng cái chết của Hideyoshi tại Nhật Bản đã dẫn đến kết cục Nhật phải rút quân khỏi Triều Tiên. Hai cuộc xâm lược đã gây cho Triều Tiên những tổn thất to lớn, nhưng tại Nhật Bản việc tiêu tốn binh lực và chi phí quân sự một cách lãng phí đã làm chính quyền Toyotomi ngày một rệu rã.

Bức tranh Kato Kiyomasa xuất quân đến Triều Tiên

Văn hóa Momoyama hoa lệ và sự gia đời của Kabuki

Thời kì này văn hóa Momoyama nở hoa rực rỡ. Tên gọi “Momoyama” bắt nguồn từ thành Fushimi tại Kyoto, nơi Hideyoshi phần lớn thời gian vào những năm cuối đời. Tại Fushimi, rất nhiều những cây đào (tiếng Nhật là momo), được trồng trên núi (tiếng Nhật là yama), từ đó mà từ “momoyama” được ra đời. Nét đặc biệt của văn hóa này là rất nhiều tác phẩm mang tính hiện thực được tạo ra, trong khi đó màu sắc tôn giáo rất mờ nhạt, bởi trước đó Nobunaga đã làm suy yếu sức mạnh các thế lực chùa chiền. Thêm vào đó, sau khi nước Nhật được thống nhất bởi Hideyoshi, các thương nhân giàu có nắm giữ nhiều quyền lực, lại có thêm sự góp mặt của người châu Âu, góp phần làm cho văn hóa Momoyama tràn ngập những nét tươi mới, hào hoa và tráng lệ.

Những tiến bộ trong nghệ thuật xây dưng lâu đài thành quách thời chiến quốc cũng là một trong những nét đặc trưng của nền văn hóa này. Thành Himeji, thành Matsumoto, thành Inuyama, thành Hikone và một số thành khác vẫn được bảo tồn nguyên trạng cho đến ngày nay. Trà đạo cũng rất thịnh hành vào thời điểm đó. Các lãnh chúa cạnh tranh để giành được những dụng cụ tốt nhất, theo học các bậc thầy về Trà Đạo, và yêu thích việc tổ chức các buổi tiệc trà. Năm 1587, Hideyoshi tổ chức một buổi tiệc trà tại đền Kitano với sự tham dự của hơn 1000 người. Bậc thầy trà đạo nổi tiếng nhất bấy giờ là Sen no Rikyu đến từ Sakai. Gian phòng chuyên dùng cho việc pha trà “Myokian ChaShitsu” được xây dựng bởi Rikyu vẫn còn được lưu lại cho đến hiện tại.

Sen no Rikyu

Thời kì này, phong thái đặc trưng của Hideyoshi cũng gây ảnh hướng tới hội họa, với rất nhiều những bức tranh tráng lệ. Những bức họa trên những bức bình phong, cửa trượt, trên tường trong các ngồi chùa hay lâu đài, thường được tạo ra bởi chất liệu sơn mài có phủ bột vàng kết hợp với những màu sắc tươi sáng như màu xanh lá.

Họa sĩ nổi tiếng Kano Eitoku đã dung hòa thành công hai dòng tranh thủy mặc và tranh truyền thống (yamato-e), tạo ra những bức chướng bích với kết cấu táo bạo (chướng bích chỉ những bức tranh được vẽ trên những tấm dùng để ngăn cách không gian như bình phong, cửa trượt). Tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kế đến như “Karajishizu byobu”, “Rakuchu Rakugaizu byobu”. Các học trò của ông như Kano Sanraku, Hasegawa Tohaku, Kaiho Yusho là những họa sĩ đáng chú ý.

Trong lĩnh vực nghề thủ công, vợ chính thất của Hideyoshi, Kitanomandokoro (còn được biết đến với tên gọi Nene), yêu thích các đồ thủ công sơn mài theo phong cách Kodaiji Makie và sưu tầm rất nhiều đồ vật theo phong cách này.

Trong lĩnh vực nghệ thuật, một đoàn biểu với trung tâm là một cô gái được biết đến với tên gọi Oni của Izumo (Miko của đền Izumo), đã trình diễn ở Kyoto. Điệu nhảy Kabuki thể hiện lại khung cảnh một nhóm những Samurai xấu xa trêu chọc phụ nữ với những cử chỉ và tư thế kì quặc, bỗng trở nên nổi tiếng. Kể từ đó những vở Kabuki được trình diễn bởi nữ nhân trở thành một trào lưu thịnh hành. Thể loại kịch rối Bunraku (còn được gọi là Ningyou jururi), cũng rất được yêu mến, vở kịch được đệm nhạc bởi đàn Shamisen, một loại đàn được cải tiến từ đàn Sanshin (3 dây) của Lưu Cầu (Okinawa ngày nay). Ngoài ra, bài hát ca dao được bổ sung tiết tấu bởi thương gia của Sakai, Takasabu Ryutatsu, được gọi là Ryutatsubushi cũng được đánh giá cao.

Trong lĩnh vực thời trang, Kosode vốn được dùng làm quần áo lót trước đây, nay được sử dụng phổ biến làm trang phục bên ngoài, phụ nữ không còn mặc Hakama nữa. Việc cả nam nữ đều búi tóc trở thành xu hướng, vì thói quen mang vác đồ vật bằng cách để lên đầu đã biến mất. Bữa ăn cũng được thực hiện thành ba lần thay vì hai lần một ngày như trước, gia đình võ sĩ dần dần sử dụng gạo làm thức ăn chính nhưng tầng lớp nông dân vẫn chủ yếu dùng ngũ cốc.

Dù thế nào đi nữa, nhờ có công cuộc thống nhất nước Nhật của Toyotomi Hideyoshi, thời đại chiến quốc kéo dài gần một thế kỉ đã khép lại, mang lại hòa bình cho đất nước Nhật Bản.

Nguồn: https://www.nippon.com/ja/japan-topics/b06906/?cx_recs_click=true


Discover more from Những nẻo đường Phù Tang

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply