Lời nói như chiếc lá xanh

Vì sao lại có lá 葉 trong từ ngữ 言葉?

Ngôn ngữ rất thú vị, nếu tìm hiểu sâu về nguồn gốc của các từ, thi thoảng ta sẽ nhận ra người xưa có cách suy nghĩ như thế nào. Lấy từ “language” trong tiếng Anh làm ví dụ, từ này có gốc là từ Pháp cổ “langage” nghĩa là nói, hoặc tộc người, lại có gốc từ “lingua” của tiếng Latin nghĩa là “lưỡi” hoặc “trò chuyện”. Rồi đó, sử dụng “lưỡi” để “trò chuyện” với “người cùng tộc”, thế là thành “ngôn ngữ”.

Ngôn ngữ tượng hình thì lại càng có tầng lớp nghĩa sâu xa hơn. Tiếng Nhật sử dụng kanji tức Hán Tự có nguồn gốc Trung Quốc, mỗi chữ kanji đều gợi hình và ẩn chứa ý nghĩa, khi ghép lại có thể dùng cả một đoạn dài để giải thích ấy chứ. Cho nên là hôm nay mình cũng sẽ thử dùng một đoạn dài để giải thích từ 言葉 nhé!

Nguồn gốc 言葉

言葉 có nghĩa là lời nói, từ ngữ – hình thành từ hai chữ Hán là “ngôn” và “diệp”. Ngôn trong ngôn ngữ, là nói, còn diệp, chính là lá trong kim chi ngọc diệp (lá ngọc cành vàng), chất diệp lục (chất làm lá có màu xanh). Vậy tại sao người Nhật lại sử dụng hình tượng chiếc lá để chỉ từ ngữ?

Theo một giáo sư ngôn ngữ, từ thời Nara người Nhật sử dụng 事 và 言 để chỉ lời nói, về sau 事 dùng cho “sự việc” nhiều hơn. Đến thời Heian người ta bắt đầu sử dụng cụm “kotonoha” hoặc “kotoba”, với “koto 言” nghĩa là câu nói, ngôn ngữ, còn “ha端 (hoặc 葉)” là “cuống” hoặc “đầu cành cây”. Cách sử dụng này là ví “từ ngữ” là “cuống”, là “cuối” của ngôn ngữ (phát ra từ miệng), giống như “lá” là điểm cuối cùng của cây vậy.

Tuy nhiên việc chính thức sử dụng chữ Hán 葉 thì người ta nói rằng lý do xuất phát từ một nhà thơ, học giả nổi tiếng thời Heian là  Ki no Tsurayuki, người đã biên soạn và viết đề từ cho tập thơ 古今和歌集 (tạm dịch là “tuyển tập thơ kim cổ Nhật Bản”). Đây là tập thơ theo thể thơ cổ Nhật Bản gọi là “waka” (Hòa ca, hay yamato no uta lời ca của dân tộc Yamato).

Phần đề từ có câu:

「やまとうたは、人の心を種として、万の言の葉とぞなれりける」 

tạm dịch:

Nhân tâm là hạt giống, mọc ra những chiếc lá ngôn từ chính là waka (lời ca của dân tộc Nhật Bản).

Phần sau tác giả có viết (tạm dịch)

“Từ ngữ là cách thể hiện những gì con người nghĩ khi họ nhìn thấy và nghe thấy, họ cất tiếng ca hòa cùng chim oanh hót giữa những bông hoa, cùng tiếng ếch kêu trong hồ nước.

Đó là lời ca có thể lay động trời đất mà không cần dùng đến sức mạnh, an ủi linh hồn vô hình của người đã khuất, xoa dịu mối quan hệ nam nữ và làm dịu trái tim hung dữ của một samurai.”

Như vậy, nếu coi con người là một cái cây, thì phần tâm hồn là hạt giống, nảy mầm sinh ra gốc rễ là “lý trí”, thân cây là thể xác còn cành lá là cách chúng ta giao tiếp với thế giới bên ngoài. Ta nhận nắng gió cuộc đời qua chiếc lá, diễn tả vui buồn bằng màu lá, cho ra quả ngọt trên cành.

Cũng như một cái cây, chúng ta “mọc thêm lá”, hay “thay lá” như cách thay đổi, mở rộng vốn từ, ngày càng nắm vững “sức mạnh” ngôn ngữ của chúng ta.

Ngôn từ có sức mạnh vô hình, như cây cối có trăm ngàn kiểu lá để giúp chúng phát triển tốt cũng như bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, khác với cây cối, chúng ta hoàn toàn có thể chọn kiểu “lá” mà mình muốn.

Bạn muốn là chiếc lá xanh thắm to như chiếc ô, hay là chiếc lá dày mọng nước, hay thậm chí là chiếc lá gai góc như xương rồng? Còn mình, muốn muốn làm lá trà, khi còn tươi thì xanh thắm đẹp đẽ, nhiều tác dụng, vị đắng nhưng hậu vị ngọt lại có ích cho đời 🙂

Nguồn:

https://j-town.net/tokyo/news/localtv/303310.html


Discover more from Những nẻo đường Phù Tang

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply