Câu hỏi của Soichiro cho cuộc khởi nghiệp lần thứ hai của Honda, loại bỏ hoàn toàn động cơ đốt trong

Honda tuyên bố loại bỏ động cơ đốt trong. Đến năm 2040, toàn bộ các dòng xe mới của hãng sẽ chuyển thành xe điện không sử dụng động cơ đốt trong (EV), hoặc xe chạy bằng pin nhiêu liệu (FCV). Việc ngừng sử dụng động cơ đốt trong, công nghệ đóng vai trò khai sinh ra Honda, sẽ là một thử thách to lớn, trong bối cảnh những nỗ lực để thoát khỏi tình trạng đình trệ của hãng trong nhiều năm gần đây chưa đạt được hiệu quả như kì vọng.

Tuyên bố loại bỏ động cơ đốt trong vào năm 2040 là phép tính ngược từ mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Tuy số liệu có thể khác nhau tùy vào quốc gia, nhưng thời gian sở hữu xe hơi trung bình vào khoảng 10 năm. Chính vì thế, đến năm 2040, việc chuyển hoàn toàn sang sản xuất EV và FCV, những loại xe không phát thải carbon, là việc bắt buộc.

Lịch sử phát triển động cơ đốt trong

Nỗ lực vì mục tiêu trung hòa carbon là đòi hỏi chung đối với tất cả các hãng xe, nhưng đối với Honda, công ty trưởng thành từ một hãng sản xuất động cơ, việc tuyên bố loại bỏ động cơ đốt trong mang một ý nghĩa khác biệt.

Nhà sáng lập của Honda, Honda Soichiro, trước chiến tranh thế giới thứ hai, đã thành lập công ty sửa chữa xe hơi, rồi kế đến là công ty sản xuất vòng găng (piston ring), một bộ phân liên quan đến phần phun nhiêu liệu của động cơ. Sau chiến tranh, ông bán công ty này đi và sử dụng số tiền thu được làm tiền vốn để thành lập một công ty mới, đó chính là Honda của ngày hôm nay.

Honda xuất phát từ việc sản xuất xe hai bánh, nhưng xe mô tô vào thời điểm bấy giờ mới chỉ là một loại xe được cải tiến từ xe đạp. Động cơ xe được tạo ra bằng cách cải tạo lại máy phát động không dây cỡ nhỏ dùng cho lực lượng lục quân cũ của đế quốc Nhật, bình đựng nước nóng được sử dụng làm bình chứa nhiên liệu. Tên gọi của động cơ là “bata bata”, được lấy từ tiếng ồn mà nó gây ra. Đây cũng chính là xuất phát điểm của Honda.

Xe mô tô hai bánh được cải tiến từ xe đạp thời kì đầu thành lập tập đoàn Honda

Sự phát triển của Honda sau này cũng gắn chặt với những nỗ lực nghiên cứu phát triển động cơ một cách độc lập. Từ đề xuất của Soichiro, Honda đã hiện thực hóa thành công loại động cơ có van được đặt phía trên piston và buồng đốt nhiên liệu, được gọi là “overhead valve engine”. Thành công này đã góp phần xây dựng vị thế vững chắc của Honda trong vai trò nhà sản xuất xe hai bánh. Đến năm 1960, Honda trở thành nhà sản xuất nội địa sau cùng tham gia vào lĩnh vực sản xuất xe bốn bánh. Kể từ đó, hãng vẫn tiếp tục cạnh tranh về kĩ thuật động cơ đốt trong với các nhà sản xuất ô tô đã tham gia vào thị trường trước đó như Toyota hay Nissan.

Năm 1970, đạo luật làm sạch không khí được ban hành tại Mỹ, đặt ra những tiêu chuẩn được xem là khó mà đạt được cho các nhà sản xuất xe hơi thời bấy giờ. Soichiro khích lệ các kĩ sư tại nhà máy của Honda rằng “đây là cơ hội trời cho”, để rồi động cơ giảm phát thải CVCC ra đời, trở thành bước ngoặt giúp cho Honda trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới. Sau đó VTEC, loại động cơ có khả năng thay đổi quá trình phun nhiên liệu tùy theo trạng thái vận hành của xe hơi, được hiện thực hóa vào năm 1989, góp phần củng cố vững chắc vị trí của Honda cho đến thời điểm hiện tại.

Phát triển cả trong lĩnh vực hàng không

Một trong những biểu tượng cho văn hóa doanh nghiệp thoát khỏi sự phụ thuộc vào động cơ đốt trong là động cơ phản lực không khí dùng cho máy bay Honda Jet vào năm 2015. Không nhiều người trong tập đoàn biết tới việc này nhưng thời điểm Honda gia nhập thị trường xe bốn bánh, để tạo ra sự khác biệt với các nhà sản xuất khác, hãng đã tiến hành những nghiên cứu về việc sử dụng động cơ phản lực không khí cho xe ô tô. Giám đốc đời thứ năm của Honda, Yoshino Hiroyuki, sau khi gia nhập công ty đã tham gia vào một kế hoạch tuyệt mật nhằm tạo ra một loại xe ô tô sử dụng động cơ phản lực. Kĩ thuật này tiếp tục được thừa kế và phát triển bởi các thế hệ sau này, nhờ đó mà chiếc máy bay ngày nay của tập đoàn mới được ra đời.

Động cơ phản lực được lắp bên trên cánh của Honda Jet có lịch sử phát triển rất nhiều năm

Những tranh cãi xung quanh vấn đề phương hướng phát triển động cơ đốt trong giữa Honda Soichiro và các kĩ sư ở hiện trường thường được biết đến là nguyên nhân dẫn tới việc ông từ nhiệm. Soichiro ưu tiên việc phát triển động cơ làm nguội bằng không khí, dù việc chế tạo động cơ này rất khó khăn và đòi hỏi kĩ thuật cao, với lập luận rằng nhờ có động cơ làm nguội bằng không khí mà tướng Erwin Rommel của Đức đã giành chiến thắng trước nước Anh vào thời điểm đầu của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Cuối cùng Soichiro cũng chấp nhận quan điểm của các kĩ sư trẻ, chủ trương chế tạo động cơ sử dụng phương thức làm nguội bằng nước, vì có tính thực dụng cao hơn, nhưng chuyện này vẫn được xem là nguyên nhân dẫn đến việc ông từ nhiệm.

Trong số ít các nhà sản xuất xe hơi có quy mô lớn, có lẽ hiếm có nhà sản xuất nào có nhiều câu chuyện gắn liền với động cơ đốt trong như Honda. Vậy mà cũng chính Honda lại đưa ra quyết định vứt bỏ tất cả những kĩ thuật về động cơ mà các thế hệ kĩ sư của tập đoàn đã vun đắp trong suốt hơn 70 năm. Có thể nói đây là một quyết định vô cùng khó khăn, chẳng khác nào việc khởi nghiệp lần thứ hai vậy.

Làm thế nào để tạo ra phong cách mới cho Honda

Câu hỏi được đặt ra cho Honda, vốn từ trước đến nay tạo ra khác biệt nhờ động cơ, là hãng sẽ thể hiện phong cách riêng của mình như thế nào trong thời đại loại bỏ động cơ đốt trong. Giám đốc Mibe Toshihiro cũng thừa nhận “EV khó cho thấy sự khác biệt từ góc nhìn của khách hàng”.

Loại bỏ động cơ đốt trong là kế hoạch dài hạn, kéo dài đến 20 năm, nên câu trả lời cho câu hỏi được đặt ra ờ phía trên hiện vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng giám đốc Mibe Toshihiro thể hiện quyết tâm cho thấy Honda sẽ theo đuổi khái niệm “Software Defined Vehicle”. Không phải những bộ phận như là động cơ, hay bánh xe, mà chính phần mềm mới giữ vai trò quyết định giá trị của chiếc xe. Đây được xem là khái niệm cơ bản của việc sản xuất xe hơi trong thời đại CASE (C- Connected, A- Autonomous, S- Shared, E- Electric).

Xe điện Honda E

Nhưng những đòi hỏi để hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon không chỉ dừng lại ở việc chế tạo xe hơi. Còn một vấn đề nữa mà Honda cần phải giải quyết. Tuyên bố loại bỏ động cơ đốt trong lần này của Honda là nhằm mục đích tiến tới trung hòa carbon trong quá trình Tank To Wheel (thước đo lượng carbon phát thải ra môi trường khi xe chạy trong trạng thái có đầy nhiên liệu trong bình chứa. Đối với xe sử dụng động cơ đốt trong thì nhiên liệu ở đây là xăng dầu, EV là pin có tích điện, FCV là Hydro. Vì EV sử dụng năng lượng điện nên không có chất thải, FCV sử dụng Hydro nên chỉ thải ra nước trong quá trình vận hành, chính vì thế mà hai loại xe này được xem là trung hòa carbon trong quá trình Tank To Wheel). Đúng là chỉ nhìn nhận vấn đề gói gọn xung quanh một chiếc xe thì có vẻ như lượng phát thải bằng không, nhưng ở một quốc gia có sự phụ thuộc lớn vào các nhà máy nhiệt điện như Nhật Bản, nếu xem xét vấn đề từ góc nhìn phát điện, EV không hoàn toàn là lựa chọn thân thiện với môi trường. Trong khi đó đối với FCV, loại xe sử dụng Hydro làm nhiên liệu, lại gặp phải nhiều trở ngại trong vấn đề chuẩn bị cơ sở hạ tầng.

Điều quan trọng vượt trên cả việc sản xuất xe hơi

Honda trong vai trò một nhà sản xuất xe hơi trước tiên cần phải hướng tới việc tạo ra những chiếc xe được khách hàng đón nhận. Nhưng không chỉ dừng lại ở đơn vị một chiếc xe, để đạt được mục tiêu trung hòa carbon đối với toàn thể hệ sinh thái xe hơi, làm sao để kết hợp một cách hợp lí các nguồn năng lượng khác nhau trên quy mô quốc gia là câu hỏi cần được đặt ra. (nguyên văn từ được sử dụng là energy mix, chỉ nguồn năng lượng được tạo ra từ các nguồn khác nhau như nhiệt điện, thủy điện, điện hạt nhân, địa nhiệt điện…vv)

Honda vào năm 1960, bất chấp sự phản đối của bộ công nghiệp thông thương thời bấy giờ, đã tham gia vào lĩnh vực chế tạo xe bốn bánh. Do đó từ trước đến nay hãng luôn tạo ra ấn tượng giữ một khoảng cách nhất định đối với những nghị luận liên quan đến các chính sách mang tầm quốc gia. Nhưng thử thách trung hòa phát thải carbon nếu chỉ dừng lại ở việc chế tạo xe hơi thì sẽ không thể thành công. Điều Honda cần làm là vượt lên trên giới hạn của ngành công nghiệp ô tô, tích cực góp tiếng nói trực tiếp vào những chính sách năng lượng của quốc gia.

Honda Soichiro đã viết những dòng như sau.

“Điều mà công ty của chúng ta coi trọng nhất không phải là kĩ thuật. Vượt trên cả kĩ thuật, điều mà chúng ta phải coi trọng hơn cả là suy nghĩ của con người. Kĩ thuật mà không lấy con người làm gốc rễ thì chẳng có ý nghĩa gì cả. ” (trích từ cuốn sách “suy nghĩ của tôi” của Honda Soichiro)

Kĩ thuật được tạo ra mà không vì con người thì không có giá trị. Đó một lần nữa cũng chính là câu hỏi được đặt ra cho thử thách trung hòa carbon, vấn đề chi phối tương lai của nhân loại.

Nguồn: https://www.nikkei.com/article/DGXZQODK295P3029042021000000/?unlock=1


Discover more from Những nẻo đường Phù Tang

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply