Nhật Bản trước đây cũng là một trong nhiều nước phương Đông sử dụng Âm Lịch để tính toán lịch nông nghiệp và hệ thống hóa các mùa. Mặc dù bây giờ Nhật Bản đã chuyển hẳn sang Dương Lịch, nhưng vẫn còn nhiều dấu vết của lịch xưa còn tồn tại, như một nét văn hóa đặc sắc, hay nhiều khi chỉ đơn giản là một cái cớ hay ho cho ngày nghỉ lễ, hoặc có khi chỉ để ăn một món đặc biệt.
Cũng giống như các nước Trung Quốc, Việt Nam… Nhật Bản vẫn còn khái niệm 24 tiết khí. Nếu bạn để ý ở những cuốn lịch xé của Việt Nam, thi thoảng sẽ có chú thích như “tiết Thanh Minh”, “Lập Xuân”, vân vân, chính là tên gọi của các tiết khí trong năm. Các tiết khí là 24 điểm đặc biệt trên quỹ đạo Trái Đất xoay quanh Mặt Trời, mỗi điểm cách nhau 15 độ, tượng trưng cho thay đổi giữa các mùa. Mỗi tiết khí kéo dài khoảng 14-16 ngày, mỗi năm lại khác nhau do quỹ đạo Trái Đất quanh Mặt Trời là hình ê-líp chứ không phải là tròn tuyệt đối.
Mỗi tiết lại chia ra làm 3 hậu (hậu trong khí hậu) nhỏ, kéo dài vài ngày mỗi hậu.
Tiết khí đầu tiên của năm Dương Lịch là tiết Tiểu Hàn, khi Mặt Trời ở xích kinh 285 độ. Tiết Tiểu Hàn năm 2021 kéo dài từ ngày 5 đến 19/1.
Tiểu Hàn có nghĩa là “rét nhẹ”, đánh dấu khởi đầu những ngày tháng rét mướt phía trước.
Tiết Tiểu Hàn bắt đầu với hậu “芹乃栄”, có nghĩa là “rau cần phát triển mạnh mẽ”. Rau cần nước là một trong 7 loại rau được sử dụng để nấu cháo Thất Thảo vào ngày 7/1.
Kế đến là hậu “水泉動” bắt đầu từ khoảng ngày 10/1. Vào thời gian này, các mạch nước ngầm bị đóng băng trước đó bắt đầu tan chảy từ từ, có thể cảm nhận được không khí có ấm lên một chút.
Cuối cùng là hậu “雉始雊” bắt đầu từ khoảng ngày 15/1, là khi chim trĩ lục Nhật Bản bắt đầu cất tiếng kêu. Chim đực có giọng cao the thé.
Tóm lại, tiết Tiểu Hàn là khi rau cần bắt đầu mọc xum xuê, suối nước bắt đầu tan chảy và chim trĩ xuất hiện. Sản vật tiêu biểu trong thời gian này có táo, quýt, khoai lang và củ cải. Hoa trà cũng nở rộ trong thời gian này.
Thế thì ăn gì trong tiết Tiểu Hàn?
Mọi thông tin về thời tiết đều nhạt nhẽo nếu không đi kèm đồ ăn 😂Tiểu Hàn đến khi Nhật Bản vừa đón Tết xong, các món ăn thường chú trọng thanh đạm và giản dị, có thể là những món từ đồ bày ngày Tết.
Trong đó nổi tiếng có món cháo Thất Thảo nấu từ 7 lại rau theo mùa, và các món làm từ bánh dày từ bánh dày Kagami-mochi bày trong ngày Tết. Tất nhiên, cả khoai nướng và oden củ cải nữa chứ! Chúng mình sẽ giới thiệu những món cổ truyền này trong các bài tới đây nhé!
Vậy là những tháng ngày rét buốt nhất trong năm đang đến gần. Tớ chỉ thích ôm một củ khoai lang nướng chảy mật nóng phỏng tay, vừa hít hà vừa co mình trong kotatsu thì đúng là lạnh nào cũng không sợ. Còn bạn thì sao?
Nguồn tham khảo:
http://chugokugo-script.net/koyomi/shoukan.html
https://www.i-nekko.jp/meguritokoyomi/shichijyuunikou/
Discover more from Những nẻo đường Phù Tang
Subscribe to get the latest posts sent to your email.