Sơ lược về tranh ukiyo-e (2)

Phần tiếp theo giới thiệu tranh ukiyo-e. Phần 1 về lịch sử hình thành xin xem tại đây.

Lan ra toàn Nhật Bản

Ukiyo-e, công cụ quảng bá

Sohitsu Gojusantsugi, một trong 53 bức về dịch trạm trên tuyến đường Đông Hải. Đây là trạm Nihonbashi. Tranh do hai họa sỹ Utagawa Toyokuni III & Utagawa Hiroshige vẽ.

Thời Edo hầu như không có phương tiện quảng cáo nào, do vậy dòng tranh ukiyo-e vốn được sử dụng để giải trí cũng có thêm vai trò thực tiễn. Ví dụ, hikifuda có vai trò như tờ rơi của báo chí ngày nay, và cũng có những bức ukiyo-e kèm tên của sản phẩm hoặc mỹ phẩm. Dòng tranh chân dung nghệ sỹ kabuki yakusha-e và dòng tranh mỹ nhân bijin-ga thường có trang phục phong cách đẹp đẽ, đóng vai trò như tạp chí thời trang hiện nay. Các bức vẽ tranh phong cảnh có vai trò như tạp chí du lịch, giới thiệu các thắng cảnh nổi tiếng, ví dụ như bộ tranh Tokaido Gojusantsuginouchi (53 dịch trạm trên tuyến Đông Hải) của Utagawa Hiroshige. Do vậy, ukiyo-e được lan truyền rộng rãi trên toàn Nhật Bản như một phương tiện quảng bá, truyền tải thông tin mới nhất của thời Edo.

Azuma Fuzoku Fukutsukushi Gofuku, bức tranh về tập quán và cách ứng xử đem lại vận may tại tiệm kimono. Tranh do Yoshu Chikanobu vẽ.

Sản xuất ukiyo-e

Tranh ukiyo-e là sản phẩm kết hợp giữa một nhà xuất bản (hanmoto), một họa sỹ (eshi), một nghệ nhân khắc mộc bản (horishi), và một nghệ nhân tô màu cho các bản khắc (surishi). Trong đó, họa sỹ giữ vai trò trung tâm, tuy nhiên, khả năng lên kế hoạch của nhà xuất bản, kỹ năng của nghệ nhân khắc và tô màu mộc bản tạo ra khác biệt rất lớn về doanh số. Do ngay từ đầu ukiyo-e được tạo ra vì lợi nhuận, cho nên hầu hết trường hợp nhà xuất bản có quyền định đoạt chủ đề bức tranh, cho đến thuê họa sỹ, nghệ nhân nào, và sử dụng kỹ thuật khắc và in ra sao. Do vậy, có thể nói ukiyo-e không chỉ đơn thuần là tác phẩm của một họa sỹ, mà là nghệ thuật được tạo ra bởi cả một quá trình thủ công.

Ezoshiya, thư quán thời Edo

Edo có dân số lên tới hơn 1 triệu người vào đầu thế kỷ 18, trở thành một trong những thành phố lớn nhất trên thế giới thời đó. Cùng với sự ra đời của tranh mộc bản ukiyo-e, giới xuất bản tại Edo, vốn kém nổi tiếng hơn Kamigata (vùng Osaka và Kyoto ngày nay), cũng bắt đầu phát triển theo hướng riêng.

Imayo Mitate Shinokosho Shonin (Tầng lớp xã hội đương thời: sỹ nông công thương) do Utagawa Toyokuni III vẽ.

Trong thời kỳ này, hầu hết các tiệm bán sách học thuật tại Edo là chi nhánh của giới xuất bản Kamigata. Mặt khác, giới xuất bản ukiyo-e được coi là nhánh chính của ezoshi tonya (jihon tonya), vốn bày bán jihon, một thể loại sách giải trí được ưa chuộng thường được in và bán tại Edo. Nihonbashi là nơi tập trung nhiều tiệm ezoshi tonya, và các tiệm ezoshiya (tiệm chỉ bán lẻ sách) nằm rải rác trong khu vực Edo. Lý do mà thường dân có thể dễ dàng mua tranh ukiyo-e một phần là nhờ các tiệm ezoshiya có mặt trong khu vực sống của họ, do vậy càng làm dòng tranh này phổ biến hơn.

Các trường phái ukiyo-e

Có thể chia tranh ukiyo-e thành 4 dòng chính tương ứng với từng giai đoạn

Phái Hishikawa

Otogibanashi Momotaro (truyện kể cho bé: Đào Thái Lang). Tranh của Hishikawa Harunobu

Hishikawa Moronobu, họa sỹ tiên phong của dòng ukiyo-e, đã vẽ tay rất nhiều bức ukiyo-e rời vào giai đoạn đầu của ukiyo-e. Những người ngưỡng mộ phong cách này lập ra phái Hishikawa.

Phái Torii

Gyokukashi no Sekigaki (Thiếu nữ có tài thư pháp). Tranh của Torii Kiyonaga

Đây là trường phái duy nhất tồn tại từ thời Genroku. Người sáng lập là Torii Kiyonobu, ông và những môn đệ thường viết chương mục cho các nhà hát kabuki và thành lập những nền món đầu tiên của dòng yakusha-e.

Phái Utagawa

Furyu Terako Kissho Hajime Keiko no Zu (Thư pháp đầu năm tại Terakoya). Tranh của Utagawa Toyokuni

Trường phái lớn nhất, được sáng lập bởi Utagawa Toyoharu, với trung tâm là dòng tranh mỹ nhân bijin-ga và dòng tranh phong cảnh uki-e, kéo dài từ cuối thời Edo đến thời Meiji.

Phái Katsukawa

Shoichii Mimeguri Inari Daimyojin (Đệ nhất đền Mimeguri Inari) của Katsukawa Shunsho

Sáng lập bởi Katsukawa Shunyo, trường phái này tạo ra dòng tranh tả thực người, khác biệt với dòng yakusha-e của phái Torii vốn vẽ người có khuôn mặt giống nhau.

Tranh ukiyo-e có giá bao nhiêu?

Vào cuối thời Edo, tranh ukiyo-e được in sẵn nên có giá thành không quá đắt. Tranh nishiki-e kích cỡ o-ban (dài 39cm rộng 26.5cm), loại tranh nhiều màu cỡ thông thường, có giá 20 mon (khoảng 400 yên hay 4 đô-la). Tranh yakusha-e cỡ hosoban (dài 33cm rộng 15cm) giá khoảng 8 mon (160 yên), sau đó khi thoái trào thì giảm còn 3 tới 6 mon (60 tới 120 yên). Rất nhiều tranh ukiyo-e được in khổ nhỏ để giảm giá thành, do vậy người dân dễ dàng mua. So với vật giá hiện nay, tranh ukiyo-e rất dễ mua và có giá thấp, tương tự như đồ ăn vặt ở cửa hàng tiện lợi.

Loại hình in ấn và kích cỡ

Tranh mộc bản ukiyo-e có kích cỡ khác nhau, tùy thuộc vào niên đại và loại giấy. Giấy o-bosho thường được sử dụng từ thời Meiwa (1764-1772) cho đến khi tranh nishiki-e ra đời.

Kích cỡ theo loại giấy

Takenaga Bosho72-77 cm (dài) x 52.5 cm (rộng)
Obiro Bosho58 cm (dài) x 44 cm (rộng)
O-Bosho39 cm (dài) x 53.5 cm (rộng)
Chu-Bosho36cm (dài) x 50cm (rộng)
Ko-Bosho33cm (dài) x 47cm (rộng)

Loại hình in ấn

Loại hìnhKích cỡĐặc điểm
O-ban39 cm (dài) x 26.5 cm (rộng)Tạo ra bằng cách cắt ngang 1 tấm o-bosho. Đây là kích cỡ phổ biến nhất cuối thời Edo. Bộ tranh đôi gồm 2 tấm o-ban được dùng để treo gọi là kakemono-e.
Chu-ban19.5 cm (dài) x 26.5 cm (rộng)Tạo ra bằng cách cắt dọc o-ban.
Sho-ban19.5 cm (dài) x 13 cm (rộng)1/4 o-ban
O-tanzaku-ban39 cm (dài) x 18cm (rộng)Cắt dọc o-bosho làm 3.
Chu-tanzaku-ban39 cm (dài) x 13cm (rộng)Cắt dọc o-bosho làm 4.
Ko-tanzaku-ban39 cm (dài) x 9 cm (rộng)Cắt dọc o-bosho làm 6.
Shikishi-ban20.5 cm (dài) x 18.5 cm (rộng)1/6 o-bosho
Cho-ban19.5 cm (dài) x 53.5 cm (rộng)Cắt chéo o-bosho làm 2.
Hashira-e (1)72-77 cm (dài) x 52.5 cm (rộng)Cắt dọc takenaga bosho làm 3
Hashira-e (2)72-77 cm (dài) x 13cm (rộng)Cắt dọc takenaga bosho làm 4
Hoso-ban (1)33 cm (dài) x 15 cm (rộng)Cắt dọc ko-bosho làm 3
Hoso-ban (2)16 cm (dài) x 47 cm (rộng)Cắt chéo ko-bosho làm 2

Ukiyo-e lan tỏa ra ngoài Nhật Bản

Ukiyo-e có ảnh hưởng đáng kể đến nghệ thuật phương Tây


Là một loại hình nghệ thuật đại diện cho Nhật Bản, ukiyo-e đã có một ảnh hưởng đáng kể lên nghệ thuật phương Tây. Khi được trưng bày tại Triển lãm Thế giới tổ chức ở Paris, Pháp, vào năm 1867, một làn sóng nghệ thuật truyền thống lớn của Nhật Bản do ukiyo-e đại diện đã lan tỏa đến châu Âu Đây là được gọi là chủ nghĩa Nhật Bản. Vào thời điểm đó ở Nhật Bản, ukiyo-e thậm chí không được coi là nghệ thuật có giá trị và nhiều tranh ukiyo-e đã được xuất khẩu, đặc biệt là vào khoảng đầu thế kỷ 20. Phong trào Nhật Bản này kéo dài từ giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, trong hơn nửa thế kỷ, và có ảnh hưởng đáng kể đến nghệ thuật và thủ công phương Tây, chẳng hạn như các tác phẩm theo trường phái Ấn tượng.

Xuất phát là giấy bọc hàng


Trên thực tế, người ta cho rằng ukiyo-e được phổ biến bên ngoài Nhật Bản trong thời kỳ nước này bế quan tỏa cảng vào thời Edo. Ukiyo-e được sử dụng để bọc đồ sơn mài, đồ gốm và sứ được xuất khẩu ra nước ngoài qua các thương nhân Hà Lan, vốn có quan hệ ngoại giao với Nhật Bản. Sau đó, loại “giấy gói” này trở nên phổ biến và một số thương nhân đã mua các bản in khắc gỗ ukiyo-e như một tác phẩm nghệ thuật.

Thu hút sự chú ý của những người theo trường phái Ấn tượng thời kỳ đầu


Đây là một câu chuyện thú vị. Một ngày nọ, một nghệ sĩ người châu Âu nhìn thấy tác phẩm của Katsushika Hokusai, được sử dụng làm giấy gói cho một bưu kiện được chuyển từ Nhật Bản. Ông đã mua lại bức tranh tương tự bằng cách bán đồ đạc giá trị của mình, sau đó cho bạn bè xem bức tranh đó. Những người bạn đó là Monet, Manet và Degas.

Van Gogh được biết đến là một người đam mê ukiyo-e và cũng là một nhà sưu tập ukiyo-e. Có 477 tranh mộc bản ukiyo-e thuộc sở hữu của Van Gogh và anh trai Theo của ông hiện đang được đặt tại Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam, Hà Lan. Ukiyo-e chiếm được cảm tình của những người theo trường phái Ấn tượng vĩ đại trong giai đoạn đầu của họ, đưa họ đến với phương pháp vẽ tranh mới qua ukiyo-e.

Thành tựu của Hayashi Tadamasa, nhà buôn tranh mộc bản ukiyo-e quốc tế


Nói đến Chủ nghĩa Nhật Bản thì không thể không nhắc đến một nhân vật quan trọng của Nhật Bản thời bấy giờ, Hayashi Tadamasa, một nhà buôn nghệ thuật ở Paris đã nỗ lực để mở rộng và lan tỏa ukiyo-e. Ông đã trải nghiệm xã hội châu Âu đầy rẫy chủ nghĩa Nhật Bản, nơi ông tiếp xúc với các nhà phê bình, nhà kinh doanh nghệ thuật và các họa sỹ Ấn tượng, chẳng hạn như Monet và Degas, và giúp đỡ họ hiểu biết thêm về Nhật Bản.


Nguồn: https://www.kumon-ukiyoe.jp/en/history.php


Discover more from Những nẻo đường Phù Tang

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply