Tình yêu với dòng tranh này nảy nở từ sức sáng tạo không gò bó của những nghệ nhân ukiyo-e, những người đã tạo ra những cách biểu hiện và phong cách khác nhau tùy theo sở thích cá nhân của cả hai tầng lớp thường dân và những người duy mỹ. Thêm vào đó, tranh ukiyo-e được công nhận rộng rãi cũng một phần là nhờ giá trị mỹ thuật rất lớn.
Khởi nguồn của ukiyo-e
Ukiyo-e, hình thức giải trí đại chúng được ưa chuộng
Ukiyo-e được hình thành trong thời đại Edo và trở thành hình thức giải trí đại chúng được ưa chuộng tại Edo (ngày nay là Tokyo). Người ta cho là ukiyo-e có thể bắt nguồn từ cuối thế kỷ 17. Những bức tranh ukiyo-e đầy màu sắc, cùng sự tương phản đậm nét giữa đen và trắng, mang đầy cảm giác tự do đặc trưng cho kỷ nguyên hòa bình và ổn định kéo dài hơn 260 năm, đồng thời khắc họa sống động bản tính phóng khoáng của tầng lớp bình dân dưới thời Edo và đời sống xã hội của họ lúc đó.
Chuyển mình từ thế giới u sầu sang thế giới mộng ảo
Trước thời Edo là một thời kỳ nội chiến kéo dài. Trong giai đoạn này, “ukiyo” – “phù thế” (浮世) có nghĩa là “thế giới thoảng qua”, do đồng âm với từ gốc Phật giáo là 憂き世, có nghĩa là thế giới khổ đau, bể khổ. So với Tịnh Độ (thiên đường), ukiyo (thế giới hiện tại) là khổ đau, phù du như gió thoảng. Tuy nhiên, khi Mạc phủ Tokugawa thống nhất đất nước và Edo bắt đầu phát triển ổn định, tư tưởng tận hưởng cuộc sống khoái lạc chủ yếu nảy sinh trong giới thương nhân giàu sang. Kết quả là ý nghĩa của ukiyo cũng thay đổi, thành “thế giới mộng ảo” mang ý nghĩa hưởng lạc.
Ukiyo dần dần mang ý nghĩa “phong cách tân thời, hiện tại”, là dấu hiệu của việc chấp nhận xã hội hiện tại, đặc trưng đời sống xã hội, phong tục tập quán và lối suy nghĩ theo hướng tích cực, có tác động đáng kể đến sức sáng tạo của nghệ sĩ. Các họa sĩ chuyên nghiệp trước đây chỉ vẽ cho những người giàu có, chẳng hạn như quý tộc triều đình và samurai, thì bây giờ bắt đầu vẽ cuộc sống xã hội của thời kỳ đầu hiện đại, trong đó khắc họa cuộc sống hàng ngày của người dân thường. Cuối cùng, ukiyo-e được tạo ra, phản ánh tâm trạng hưởng lạc thời bấy giờ.
Văn hào Asai Ryoi từng ca ngợi tinh thần này trong tiểu thuyết Ukiyo Monogarari (Truyện kể Phù Thế)
sống cho hiện tại, thưởng trăng, ngắm tuyết, ngắm hoa anh đào, lá phong, ca hát, uống sake, giải sầu cho bản thân trong thế giới giới nổi trôi, không bận tâm đến viễn cảnh nghèo đói sắp tới, sống nông nổi và vô lo, như một quả bầu trôi theo dòng nước: đây là cái ta gọi là ukiyo
Ukiyo-e thời Edo
Chủ đề của ukiyo-e là vẽ về hiện tại (thế giới này) thay vì quá khứ hay tương lai. Vì vậy, các họa sĩ ukiyo-e đã chọn những chủ đề tiêu biểu trong đời sống xã hội và những chủ đề hợp thời, và không ngừng làm nức lòng tầng lớp bình dân bằng những bức tranh công phu của mình. Giải trí đối với hầu hết mọi người trong thời kỳ Edo có nghĩa là “tiêu khiển” và “ca kịch.” Điều này phản ánh qua thể loại tranh bijin-ga (tranh về phụ nữ xinh đẹp) và yakusha-e (tranh về diễn viên kabuki), có chức năng như các tạp chí thời trang ngày nay hay áp phích và ảnh của các diễn viên kabuki, và chúng ngay lập tức lan truyền trong cộng đồng.
Với những người dân bên ngoài Edo, ukiyo-e còn được gọi là Edo-e. Du khách đến Edo ưa chuộng các bức ukiyo-e đẹp, nhẹ làm quà lưu niệm khi trở về nhà, do vậy ukiyo-e cũng đã được mang đến các khu vực khác Edo. Về phần mình, người dân ở Edo gọi là ukiyo-e beni-e* và nishiki-e **
*Beni-e: Bản in khắc gỗ đơn giản, được tô màu bằng bút lông với màu đỏ và một số màu phụ, trên bản in khắc gỗ chỉ dùng mực đen.
** Nishiki-e: Một thuật ngữ chung cho các bản in khắc gỗ ukiyo-e được thực hiện sau năm 1765. Bản in màu khắc gỗ với nhiều màu sắc khác nhau.
Phát triển của ukiyo-e
Hishikawa Moronobu, họa sỹ ukiyo-e tiên phong
Giới học giả ngày nay cho rằng họa sỹ ukiyo-e đầu tiên là Hishikawa Moronobu, với danh tác mikaeri bijin (người đẹp nhìn ra sau lưng). Moronobu sinh ra ở Boshu (tỉnh Chiba ngày nay) và chuyển tới Edo khi còn trẻ. Tại đây ông học hỏi từ những họa sỹ chuyên vẽ cho Mạc phủ Tokugawa và Hoàng tộc. Vào giai đoạn ông mới trở thành họa sỹ độc lập, các tác phẩm của ông chủ yếu là tranh minh họa cho các cuốn khắc mộc bản chỉ in bằng màu đen, và ông không ký tên các bức tranh này. Dần dần, ông trở thành một họa sỹ giỏi và chăm chỉ cho ra đời tranh in mộc bản chỉ dùng mực đen, và các bức vẽ được thực hiện bằng tay. Điều này đã đặt nền móng cho sự phát triển của ukiyo-e sau này.
Từ tranh đen trắng đến tranh màu
Đầu thời kỳ Edo, ukiyo-e là tranh mộc bản và đơn bản, chỉ có màu đen, được tách ra từ loạt tranh minh họa cho sách. Các bức vẽ được truyền tay trong thành phố và được tầng lớp bình dân yêu thích. Dần dà mọi người không còn thỏa mãn với màu đen trắng đơn điệu, và đòi hỏi nhiều màu sắc hơn. Kết quả là các họa sỹ đã phát minh ra cách thêm màu thủ công vào các bức vẽ đen trắng, tuy nhiên do làm bằng tay từng bức nên không thể sản xuất số lượng lớn.
Phải đến giữa thời kỳ Edo, tranh mộc bản màu mới khởi sắc. Các bức khắc gỗ được đánh dấu để đảm bảo màu sắc ở đúng vị trí, do vậy tranh ukiyo-e màu bắt đầu được sản xuất hàng loạt. Thời kỳ này cũng xuất hiện các bản in nhiều màu phức tạp, được thực hiện bằng cách in nhiều lớp từ hơn mười khối in màu. Chúng được gọi là azuma nishiki-e vì chúng đẹp như nishiki, một loại vải lụa, và nhanh chóng tạo nên cơn sốt ở Edo.
(còn tiếp)
Discover more from Những nẻo đường Phù Tang
Subscribe to get the latest posts sent to your email.
1 Comment