Đến hẹn lại lên, xuân về hoa nở cũng là lúc cái tên quốc thụ sugi của Nhật Bản bị người dân réo gọi trong nước mắt, nước mũi và rất nhiều tâm tư tình cảm không hề tích cực khác. Trong bài trước chúng ta đã biết vì sao cây thiêng sugi lại trở thành đầu sỏ cho căn bệnh quốc dân 花粉症 (dị ứng phấn hoa tuyết tùng). Bài lần này sẽ giới thiệu một phương pháp điều trị đang được tiến hành nghiên cứu, với nguyên liệu chính là “gạo”.
Nhiệt độ tăng cao, phấn hoa sugi xin chào
Phấn hoa sugi: Hêlô các bạn, các bạn có nhớ mình không?
Người sống ở Nhật Bản *mắt sưng húp, nước mũi ròng ròng, hắt xì đau cả xương sườn*: Biến đi!!!
Mùa phấn hoa sugi năm 2024 đến sớm hơn mọi năm do nền nhiệt ấm khiến phấn hoa bắt đầu phát tán mạnh từ giữa tháng Hai, đồng thời lượng phấn hoa cũng được dự kiến là tăng vọt.
Triệu chứng thường thấy khi dị ứng phấn hoa là ngứa mắt, tắc mũi và/hoặc chảy nước mũi. Những người có tình trạng nặng hơn, thậm chí xuất hiện đau đầu, phù mặt và khó thở.
Theo một cuộc khảo sát toàn quốc 5 năm trước, tỷ lệ mắc bệnh dị ứng phấn hoa sugi là 38.8%, tức là 4 trong số 10 người được cho là mắc bệnh này. Con số này tăng 10 điểm phần trăm mỗi thập kỷ.
Ngoài ra, điều đáng ngạc nhiên là tổn thất kinh tế do dị ứng phấn hoa gây ra. Tổn thất kinh tế do giảm sức lao động từ dị ứng phấn hoa được ước tính là khoảng 221.5 tỷ yên mỗi ngày.
Ví dụ như công việc sáng tạo hoặc phát triển sản phẩm. Đây là công việc cần sử dụng trí tưởng tượng, nhưng các triệu chứng dị ứng sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc, tác dụng phụ thường thấy lại là gây buồn ngủ. Kết quả là người dân có lẽ dành khoảng một nửa thời gian để lơ mơ.
Trong bối cảnh đó, hiện tại, việc phát triển một loại thuốc mới để điều trị dị ứng phấn hoa đang được tiến hành. Nguyên liệu chính là…
Giám đốc Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Tokyo Kyosai, Bác sĩ Endo Asanori cho biết: “Gạo phấn hoa sugi, nói một cách đơn giản, là cố gắng giảm nhẹ các triệu chứng dị ứng phấn hoa chỉ bằng cách ăn cơm. Đó là ý tưởng cho sự ra đời của biện pháp này.”
Nghiên cứu sử dụng thuốc từ “gạo” đang tiến triển
Thủ tướng Fumio Kishida (tháng 10 năm 2023) cho biết: “Chúng tôi sẽ mạnh mẽ thúc đẩy các biện pháp chống dị ứng phấn hoa để đảm bảo sự an toàn và an tâm cho người dân.”
Chính phủ cũng đã bắt đầu tham gia vào việc đối phó với dị ứng phấn hoa, có thể được coi là một căn bệnh quốc dân. Tháng Một năm 2024, một hội thảo liên kết giữa chính phủ và doanh nghiệp đã được thành lập để phát triển một loại thuốc mới điều trị dị ứng phấn hoa.
Nguyên liệu cho thuốc là gạo, được gọi là “gạo phấn hoa sugi”. Cơ chế hoạt động của nó là gì? Bác sĩ chuyên khoa dị ứng Endo là người đang tiến hành phát triển, cho biết: “Biện pháp này không phải là điều trị triệu chứng, mà nhờ hấp thụ để có thể điều trị dị ứng phấn hoa lâu dài. Đó là loại gạo mà chúng tôi kỳ vọng có thể làm được điều này.”
“Gạo phấn hoa sugi” là loại gạo từ cây lúa có gen được tích hợp chất gây dị ứng của phấn hoa sugi sau khi biến đổi, nói nôm na là lúa biến đổi gen có thêm tác nhân dị ứng.
Bằng cách hấp thụ dần dần qua đường miệng, cơ thể sẽ quen với phấn hoa sugi, và hệ miễn dịch sẽ không phản ứng quá mức. Nói cách khác, điều này giúp ngăn chặn xuất hiện triệu chứng dị ứng.
Tuy nhiên, có một vấn đề khi hấp thụ qua đường miệng, đó là làm thế nào để đưa đến ruột, nơi có vai trò quan trọng trong chức năng miễn dịch.
Bác sĩ Endo: “Khi sử dụng protein dị nguyên thông thường, hầu hết chúng đều bị phân hủy và không đến được ruột.”
Vì vậy, bằng cách tích lũy chất gây dị ứng đã được biến đổi vào trong protein đặc biệt khó tiêu hóa của gạo, các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc đưa chúng đến ruột mà không bị tiêu hóa trong dạ dày.
Protein đặc biệt này chỉ tồn tại trong gạo, một trong những loại ngũ cốc phổ biến của Nhật Bản.
Vẫn còn thách thức khi hướng tới ứng dụng “gạo phấn hoa sugi” làm thuốc điều trị
Có vẻ như vẫn còn nhiều rào cản lớn để sử dụng ” gạo phấn hoa sugi ” làm thuốc điều trị dị ứng phấn hoa.
Ban đầu, Tổ chức Nghiên cứu Nông nghiệp dự định tạo ra thuốc trị liệu từ ” gạo phấn hoa sugi” dưới dạng cơm nấu sẵn đóng gói.
Tuy nhiên, thuốc phải tuân thủ tiêu chuẩn quản lý sản xuất và chất lượng ngay từ nguyên liệu, trong trường hợp này, cần áp dụng tiêu chuẩn trong quá trình trồng lúa, điều này khá khó khăn khi làm việc với người canh tác.
Ngoài ra, cần phải kiểm định và xác nhận rằng cho dù hấp thụ lượng gấp 10 lần liều lượng dự kiến không gây độc tính cho động vật.
Tuy nhiên, thông thường thì cũng khó có thể ăn 10 gói cơm một lúc.
Ngay cả khi vượt qua những điều kiện này, việc kê đơn một tháng, mỗi ngày một gói, tức là 30 gói.
Nếu tính theo số lượng bệnh nhân, cần có không gian để lưu trữ hàng trăm kilogram “gói cơm”, điều này không thực tế.
Do đó, hiện tại các nhà nghiên cứu chủ yếu xem xét phát triển dưới dạng viên nén từ các thành phần cần thiết được chiết xuất từ ” gạo phấn hoa sugi “.
Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này, việc đưa chất dị ứng đến ruột để ngăn chặn phản ứng dị ứng là một cơ chế thuốc mà chưa từng có trước đây, do vậy vẫn chưa đủ thử nghiệm chứng minh hiệu quả của phương pháp này.
Cơ hội điều trị dị ứng trong tương lai
Mặt khác, nếu thuốc điều trị từ ” gạo phấn hoa sugi ” thành công, đây sẽ là một bước tiến lớn cho điều trị dị ứng.
Theo bác sĩ Endo, người tham gia phát triển ” gạo phấn hoa sugi” tại Bệnh viện Tokyo Kyosai, công nghệ gạo phấn hoa sugi có thể được áp dụng cho việc điều trị nhiều loại dị ứng thực phẩm khác.
Bác sĩ Endo cho biết, thay thế phấn hoa sugi bằng các dị nguyên khác cũng có thể đạt được hiệu quả tương tự, và thậm chí có thể điều trị được cả ba loại dị ứng thực phẩm chính bao gồm trứng gà, sữa bò, và lúa mì.
Chương trình 「大下容子ワイド!スクランブル」của đài Asahi phát sóng 13/2/2024
Discover more from Những nẻo đường Phù Tang
Subscribe to get the latest posts sent to your email.