Thời Edo người ta làm thế nào để học tiếng Anh?

Cuối thời Edo, kể từ sau sự kiện hạm đội hắc thuyền của đô đốc Perry tiến vào Nhật Bản, việc đòi hỏi sử dụng tiếng Anh trong công tác ngoại giao trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Cho đến trước đó, người Nhật học hỏi những kiến thức khoa học, văn hóa, chính trị của người nước ngoài chủ yếu bằng tiếng Hà Lan, nên không có nhiều người biết tiếng Anh.

Giữa tình hình đất nước chuyển đổi từ chính sách tỏa quốc sang mở cửa, con người thời Edo đã học tiếng Anh bằng cách nào? Những nỗ lực của các học giả Lan học (Rangaku) và John Manjiro đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình này.

Tiếng Anh được biết tới đầu tiên từ thời Tokugawa Ieyasu

Hoa tiêu William Adams được cho là người Anh đầu tiên đặt chân đến Nhật Bản. Ông tham gia vào một hạm đội của Hà Lan hướng tới Châu Á, trải qua nhiều khó khăn, cuối cùng mới đến được nước Nhật.

Sự kiện này xảy ra vào năm 1600, thuyền của William cập cảng tại một khu vực thuộc tỉnh Oita ngày nay. Đương thời là thời đại của Toyotomi Hideyoshi, nhưng lần này việc xử lí được giao cho Tokugawa Ieyasu.

Từ Oita, William Adams được dẫn tới Osaka để giải trình. Ieyasu vốn cho rằng thuyền của William là thuyển hải tặc, nhưng nhờ có cấp báo của các giáo sĩ dòng Tên (Society of Jesus), ông đã lắng nghe lời giải thích của William, nhờ đó cuối cùng mọi hiểu lầm đều được gỡ bỏ.

Sau đó, bước vào thời kì Edo, Ieyasu trọng dụng William Adams, để ông làm phiên dịch trong các cuộc đàm phán với người nước ngoài, giao cho ông chỉ huy việc đóng thuyền, cho ông kết hôn với phụ nữ Nhật Bản, đồng thời cũng tặng cho William một cái tên Nhật là “Miura Anjin”.

Nhờ có Miura Anjin mà nước Nhật thời Edo dù còn nhiều khó khăn, nhưng tiếng Anh vẫn được truyền bá và duy trì đến các thế hệ kế tiếp.

Làm thế nào mà người thời Edo lại có thể hiểu được những gì William Adams nói?

William Adams đến Nhật trên một con thuyền của người Hà Lan. Thời bây giờ ở Nhật có nhiều người thông dịch Rangaku (Hà Lan học), nên có thể nói chuyện được bằng tiếng Hà Lan.

Do đó câu chuyện của William được một thuyền viên người Hà Lan dịch từ tiếng Anh sang tiếng Hà Lan, sau đó thông dịch viên người Nhật lại chuyển ngữ một lần nữa từ tiếng Hà Lan sang tiếng Nhật.

Quá trình các cuộc hội thoại diễn ra thông qua trung gian là tiếng Hà Lan có lẽ đã góp một phần nào đó trong việc bồi dưỡng những thông dịch viên trực tiếp người Nhật sau này (có thể trực tiếp hiểu được tiếng Anh).

John Manjiro trở thành giáo viên dạy tiếng Anh

Năm 1841, bốn ngư dân Nhật Bản ra khơi đánh cá, gặp phải một cơn bão và bị đắm thuyền. May mắn thay họ được một chiếc thuyền của Mỹ cứu sống. Cả bốn người được dẫn đến Mỹ, trong số đó có một người tên là Nakahama Manjiro, sau đó đã nhập học tại một trường học ở Hoa Kì. Ông học về toán học, đo lường và kĩ thuật hàng hải, rồi tốt nghiệp với vị trí đứng đầu.

Năm 1851, khi trở lại Nhật Bản, Manjiro được ban cho thân phận võ sĩ của phiên Tosa, rồi đảm nhiệm vai trò thầy giáo cho một trường học của phiên này.

Nhờ có John Manjiro mà thứ tiếng Anh gần với tiếng Anh bản xứ dần được tiếp thu rộng rãi tại Nhật Bản. Ông cũng chính là tác giả của cuốn sách giáo khoa tiếng Anh đầu tiên có tên gọi “tóm tắt hội thoại Anh Nhật”. Cuốn sách này trở thành tài liệu cơ bản trong việc giáo dục tiếng Anh thời bấy giờ.

Phương pháp học tiếng Anh cơ bản là lắng nghe và lặp lại

Thời Edo, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt như Manjijro, công việc thông dịch là công việc cha truyền con nối.

Con cái sẽ kế thừa và học hỏi ngôn ngữ từ cha mình, người làm nghề thông dịch. Phương pháp học tập cơ bản là đọc to văn bản tiếng Anh lên thành tiếng.

Khi thầy giáo đọc mẫu, học trò lắng nghe để bắt chước âm điệu cũng như cách phát âm, rồi đọc to lại những gì thầy giáo đã đọc. Bằng cách lặp đi lặp lại quá trình này, những thông dịch viên Nhật Bản đã tích lũy được khả năng ngôn ngữ đến mức có thể sử dụng được cho công tác ngoại giao.

Nguồn: http://www.edojidai.info/eigo.html


Discover more from Những nẻo đường Phù Tang

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply