Huy chương đầu tiên của Nhật Bản là ở bộ môn nào? Những điều có thể bạn chưa biết về Olympic và Paralympic

Tokyo Olympic, kì thế vận hội diễn ra trong bối cảnh thế giới đang nghiêng ngả giữa đại dịch COVID- 19. Những kì đại hội trong quá khứ cũng gắn với rất nhiều kí ức khó phai. Nhân dịp này, chúng tôi đã đặt ra thử thách cho 1000 người với những câu hỏi về thế vận hội mùa hè bao gồm cả Paralympic, và sau đây là bảng xếp hạng các câu hỏi dựa theo độ khó (được tính bằng phần trăm số người trả lời đúng).

1. Vận động viên Nhật Bản giành được huy chương Olympic đầu tiên ở bộ môn thi đấu nào?

  1. Marathon
  2. Bơi lội
  3. Tennis
  4. Judo

<Tỉ lệ trả lời đúng 12.8%> Kumagae Ichiya là vận động viên đầu tiên của Nhật Bản giành được huy chương Olympic. Đó là huy chương bạc nội dung Tennis đơn nam vào kì thế vận hội diễn ra năm 1920 tại Antwerp, vương quốc Bỉ. Kumagae Ichiya còn tiếp tục cùng với vận động viên Kashio Seiichiro giành được huy chương bạc nội dung đánh đôi. Sau đó Nhật Bản không duy trì được thành tích của bộ môn Tennis, để rồi phải đến Rio Olympic 2016 diễn ra tại Brazil, sau 96 năm chờ đợi, Nishikori Kei mới đem về huy chương đồng Tennis cho đoàn thể thao Nhật Bản.

Đáp án đúng (3)

2. Nhân vật nào sau đây chưa từng tham gia một kì thế vận hội dưới tư cách tuyển thủ?

  1. Quốc vương
  2. Tổng thống Hoa Kì
  3. Thủ tướng Nhật Bản
  4. Người từng đạt giải Nobel

<Tỉ lệ trả lời đúng 15%> (1) Quốc vương Tây Ban Nha Juan Carlos I (trị vì trong giai đoạn từ 1975 đến 2014), và Felipe VI (trị vì từ năm 2014 cho đến nay) là hai quốc vương đã trực tiếp tham dự một kì thế vận hội. Quốc vương Juan Carlos I tham dự bộ môn đua thuyền buồm tại Munich Olympic 1972. Quốc vương Felipe VI cũng là thành viên của đội đua thuyền Tây Ban Nha tại Barcelona Olympic 1992. (3) Phó thủ tướng đương nhiệm của Nhật Bản Aso Taro, từng giữ chức thủ tướng nhiệm kì 2008- 2009. Ông đã từng tham dự nội dung bắn bồ câu đất sét (Clay pigeon shooting) tại Montreal Olympic 1976. (4) Philip John Noel-Baker là vận động viên người Anh giành huy chương bạc nội dung chạy 1500m tại thế vận hội mùa hè Antwerp 1920. Sau này ông trở thành chính trị gia, nhà vận động nổi tiếng về giải trừ quân bị. Năm 1959, ông nhận được giải Nobel vì hòa bình.

Đáp án đúng (2)

3. Bộ môn thi đấu nào của thế vận hội mùa hè mà các vận động viên Nhật Bản giành được nhiều huy chương nhất?

  1. Judo
  2. Thể dục dụng cụ
  3. Bơi lội
  4. Đấu vật

<Tỉ lệ trả lời đúng 18.6%> Thể dục dụng cụ là bộ môn mà các vận động viên Nhật Bản giành được nhiều huy chương nhất vào Olympic mùa hè (98 huy chương tất cả, trong số đó có 31 huy chương vàng). Bơi lội (bao gồm cả nội dung bơi nghệ thuật) đóng góp 94 huy chương các loại (22 huy chương vàng). Judo 84 huy chương (39 huy chương vàng) xếp vị trí tiếp theo. Nếu chỉ tính riêng huy chương vàng, Judo là bộ môn đứng đầu. Nhân tiện, nếu thống kê về thế vận hội mùa đông, trượt băng tốc độ là bộ môn đóng góp nhiều huy chương nhất với 21 huy chương tất cả (trong đó có 4 huy chương vàng).

Nếu tính theo các kì đại hội, Rio Olympic 2016 là kì đại hội mà đoàn thể thao Nhật Bản giành được nhiều huy chương nhất với 41 huy chương. Đứng vị trí thứ hai là London Olympic 2012 với 38 huy chương. Nếu chỉ tính số lượng huy chương vàng, Tokyo Olympic 1964 và Athens Olympic 2004 là hai kì đại hội Nhật Bản giành được nhiều huy chương vàng nhất, với 16 huy chương.

Đáp án đúng (2)

4. Tên gọi Paralympic được đặt ra vào kì đại hội nào?

  1. Tokyo Olympic 1964
  2. Munich Olympic 1972
  3. Los Angeles Olympic 1984
  4. Barcelona Olympic 1992

<Tỉ lệ trả lời đúng 20%> Dấu mốc đầu tiền có thể kể đến là Rome Olympic 1960. Đây là kì thế vận hội dành cho người bị liệt nửa người, nên còn được biết đến với tên gọi Paraplegic Olympic. Tên gọi này được rút ngắn lại thành “Paralympic” vào Tokyo Olympic 1964. Năm 1985, “Paralympic” trở thành tên gọi chính thức cho thế vận hội dành cho người khuyết tật. Paralympic được diễn giải là một kì thế vận hội khác, diễn ra song song với Olympic, bắt nguồn từ việc từ Para có ý nghĩa là song hành). Kể từ Seoul Olympic 1988, Paralympic được diễn ra cùng địa điểm với Olympic.

Đáp án đúng (1)

5. Bóng chày và bóng mềm là hai bộ môn được xuất hiện trở lại sau ba kì thế vận hội. Đáp án nào sau đây không đúng khi nói về sự khác biệt giữa hai bộ môn này?

  1. Bóng được sử dụng trong bóng chày nhỏ hơn
  2. Gậy đánh bóng chày mảnh hơn so với bóng mềm
  3. Độ lớn first base của bóng mềm gấp đôi bóng chày
  4. Bóng mềm qui định ném dưới tay

<Tỉ lệ trả lời đúng 23.3%> Tại Tokyo Olympic 2021, bóng chày và bóng mềm là hai bộ môn được quay trở lại sau ba kì thế vận hội. Bóng được sử dụng trong môn bóng mềm lớn hơn so với bóng dùng cho môn bóng chày. Thông thường, gậy đánh bóng trong môn bóng mềm có thể là gậy bằng kim loại hoặc gậy làm từ carbon, mảnh hơn so với gậy được sử dụng trong môn bóng chày. Firstbase (hay còn gọi là gôn một), trong bóng mềm, là một tấm hình chữ nhật, được chia làm hai phần có màu trắng và màu da cam, gọi là double base. Mục đích của việc chia firstbase làm hai phần với hai màu khác biệt là để hạn chế những tai nạn đáng tiếc do va chạm giữa runner và cầu thủ phòng ngự (theo nguyên tắc runner sẽ tiếp xúc với phần màu cam, còn cầu thủ phòng ngự sử dụng phần màu trắng). Cầu thủ ném bóng trong bộ môn bóng mềm phải tuần thủ qui tắc ném dưới tay. Tay và cổ tay bắt buộc phải di chuyển qua phần ngang thân người. Cánh tay cũng không được phép quay từ hai vòng trở lên.

Đáp án đúng (2)

6. Nội dung thi đấu nào của Rio Paralympic 2016 đã phá kỉ lục của Olympic diễn ra cùng năm?

  1. Chạy 200m
  2. Chạy 1500m
  3. Nhảy xa
  4. Nhảy cao

<Tỉ lệ trả lời đúng 24.4%> Rio Paralympic 2016, tại nội dung chạy 1500m dành cho người gặp chướng ngại về thị giác (T13), vận động viên Abdellatif Baka đã lập kỉ lục thế giới với thành tích 3 phút 48 giây 29. Không những thế bốn người về đầu đều phá kỉ lục 3 phút 50 giây của người giành huy chương vàng Olympic cùng nội dung. Điều này xảy ra một phần do chiến thuật chạy khác biệt giữa các vận động viên tham dự Olympic và Paralympic. Ngoài kỉ lục xuất sắc của nội dung chạy 1500m được lập tại Paralympic kể trên, năm nay tại vòng loại châu Âu ở nội dung nhảy xa (với chân giả) dành cho người khuyết tật, vận động viên người Đức, Markus Rehm đã phá kỉ lục thế giới với thành tích 8m62. Người giành chiến thắng nội dung nhảy xa tại Rio Olympic 2016 chỉ đạt được thành tích 8m38.

Đáp án đúng (2)

7. Môn thi đấu nào không được duy trì liên tục kể từ kì đại hội đầu tiên diễn ra tại Athens?

  1. Bơi lội
  2. Điền kinh
  3. Đấu vật
  4. Đấu kiếm

<Tỉ lệ trả lời đúng 27.3%> Năm 1896, kì thế vận hội đầu tiên được tổ chức với tám môn thi đấu, bao gồm điền kinh, bơi lội, đấu vật, thể dục dụng cụ, bắn súng, đấu kiếm, tennis, đua xe đạp. Trong số này điền kinh, bơi lội, thể dụng dục cụ, đua xe đạp, đấu kiếm là năm bộ môn tiếp tục được đưa vào danh sách thi đấu trong các kì thế vận hội mùa hè diễn ra sau này. Trong khi đó môn đấu vật không được tổ chức duy nhất vào kì thế vận hội thứ hai diễn ra tại Paris vào năm 1900. Người giành được chiến thắng tại Athens Olympic nhận được phần thưởng là tấm huy chương bạc và một cành Olive, người giành vị trí thứ hai nhận được huy chương đồng và một vòng nguyệt quế. Người giành vị trí thứ ba không nhận được huy chương. Các vận động viên tất cả đều là nam giới. Nhân tiện, môn thi đấu diễn ra đầu tiên là điền kinh, vòng loại nội dung chạy 100m. Những kì thế vận hội mùa hè thời kì đầu đôi khi đưa vào thi đấu những môn thể thao rất hiếm gặp trong các kì đại hội ngày nay như kéo co, bắn chim bồ câu, hay nghệ thuật.

Đáp án đúng (3)

8. Bao nhiều lần thế vận hội mùa hè được tổ chức tại các quốc gia thuộc Nam Bán Cầu?

  1. 1 lần
  2. 2 lần
  3. 3 lần
  4. 4 lần

<Tỉ lệ trả lời đúng 29.2%> Trong số các kì thế vận hội mùa hè đã diễn ra, có 3 lần Olympic được tổ chức tại các quốc gia tại Nam Bán Cầu, đó là Melbourne 1956, Sydney 2000 (cả hai thành phố đều thuộc Úc), Rio de Janeiro 2016 (Brazil). Thế vận hội Melbourne 1956 được diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 12. Do những qui định kiểm dịch khắt khe tại Úc, riêng bộ môn cưỡi ngựa được tổ chức tại Stockholm Thụy Điển vào tháng 6. Nếu thống kê dựa theo châu lục, châu Âu là địa điểm tổ chức Olympic nhiều nhất. Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Á đều đã từng có kinh nghiệm tổ chức thế vận hội mùa hè, nhưng riêng châu Phi thì chưa. Các ứng viên chạy đua đăng cai Olympic là các thành phố của một quốc gia.

Đáp án đúng (3)

9. Hình ảnh nào được khắc lên các tấm huy chương của thế vận hội mùa hè?

  1. Thần Zeus, vị thần tối cao trong thần thoại Hy Lạp
  2. Núi Olympus
  3. Đền Parthenon
  4. Nữ thần Nike, vị thần tượng trưng cho chiến thắng

<Tỉ lệ trả lời đúng 29.4%> Kể từ thế vận hội mùa hè Amsterdam 1928, huy chương Olympic được khắc hình nữ thần tượng trưng cho chiến thắng, Nike. Huy chương vàng, bạc đều được làm từ bạc. Huy chương vàng được mạ thêm từ 6 gram vàng trở lên. Kì thế vận hội Tokyo lần này, chất liệu làm huy chương được lấy từ việc tái chế các thiết bị điện tử cỡ nhỏ như điện thoại di động đã qua sử dụng. Nhờ quá trình tái chế này, người ta đã thu gom được khoảng 32kg vàng, 3500kg bạc, 2200kg đồng. Huy chương của thế vận hội mùa đông có thiết kế khác so với mùa hè. Điểm nổi bật là tùy từng kì đại hội mà huy chương thể hiện những cá tính khác nhau. Phong cảnh hay văn hóa của địa điểm đăng cai là những yếu tố được tận dụng. Ví dụ như vào Olympic mùa đông năm 1998 được tổ chức tại Nagano Nhật Bản, kĩ thuật sơn mài truyền thống Kiso đã được sử dụng trong việc làm huy chương.

Đáp án đúng (4)

10. Người cao tuổi nhất thế giới từng giành được huy chương Olympic ở độ tuổi?

  1. 62 tuổi
  2. 68 tuổi
  3. 72 tuổi
  4. 75 tuổi

<Tỉ lệ trả lời đúng 29.9%> Xạ thủ người Thụy Điển Oscar Swahn đã giành được huy chương bạc vào thời điểm 72 tuổi 280 ngày vào kì thế vận hội diễn ra tại Antwerp năm 1920. Ông được ghi nhận kỉ lục là người lớn tuổi nhất giành được huy chương Olympic. Ông cũng đồng thời nắm giữ kỉ lục là người lớn tuổi nhất giành được huy chương vàng Olympic, ở tuổi 64. Kamachi Takeo là vận động viên Nhật Bản lớn tuổi nhất giành được huy chương vàng. Ông giành huy chương vàng ở tuổi 48, vào kì thế vận hội diễn ra tại Los Angeles năm 1984. Vận động viên trẻ tuổi nhất từng giành huy chương là một cậu bé khoảng chừng 10 tuổi. Cậu giữ vai trò người chỉ hướng trong đội Rowing của tuyển Hà Lan tại kì thế vận hội diễn ra tại Paris năm 1900. Sau khi nội dung thi đấu kết thúc, cậu bé biến mất không để lại dấu vết, khiến ngay cả tên gọi của cậu cũng không được biết đến.

Đáp án đúng (3)

Cuộc chạy tiếp sức rước đuốc có từ bao giờ

Nam tước Pierre Frèdy de Coubertin là người đề xướng thế vận hội hiện đại. Kì thế vận hội đầu tiên năm 1896 diễn ra tại Athens được quyết định tổ chức vào hai năm trước đó. Các vận động viên từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ tập trung lại, và tham dự đại hội dưới tư cách cá nhân. Các kì đại hội thứ hai (diễn ra năm 1900 tại Paris), thứ ba (diễn ra năm 1904 tại St. Louis Missouri), được tổ chức như một phần của Hội chợ thế giới (World’s Fair). Thời gian diễn ra đại hội kéo dài khoảng 5 tháng.

5 màu sắc tượng trưng cho 5 châu lục được sử dụng từ thế vận hội Antwerp 1920. Còn hành trình chạy tiếp sức rước đuốc bắt đầu kể từ thế vận hội Berlin 1936. Linh vật chính thức đầu tiên của một kì thế vận hội xuất hiện tại Munich Olympic 1972, có tên gọi Waldi, được lấy cảm hứng từ giống chó dachshund nổi tiếng của Bavaria. Linh vật của kì đại hội lần này được tổ chức tại Tokyo là Miraitowa.

Mặt khác, Berlin Olympic 1916, Tokyo/Helsinki Olympic 1940, Londo Olympic 1940 là các kì đại hội bị hủy bỏ do ảnh hưởng của chiến tranh. Bao gồm cả sự kiện tẩy chay tập thể Moscom Olympic 1980 dưới tình trạng chiến tranh lạnh, thế vận hội cũng đã từng trải qua nhiều gian nan bởi tình trạng thế giới.

Tokyo Olympic bị hoãn lại một năm do đại dịch COVID-19. Kì đại hội lần này diễn ra mà không có khán giả. Gánh nặng tài chính ngày một lớn của thành phố đăng cai, cũng như khả năng tiếp tục duy trì thế vận hội là những đề tài được bàn luận trong những năm gần đây.

Dưới đây là ba câu hỏi có tỉ lệ trả lời đúng cao nhất

1. Bộ môn thi đấu nào của Olympic không phân biệt nam nữ?

  1. Lướt sóng
  2. Trượt ván
  3. Cưỡi ngựa
  4. Bắn súng

Đáp án đúng (3), tỉ lệ trả lời đúng 58.6%

2. Kì thế vận hội Atalanta diễn ra tại Mỹ vào năm 1996, đội tuyển bóng đá nam Nhật Bản đã giành thắng lợi trước đội tuyển Brazil. Sự kiện này được gọi với cái tên nào sau đây?

  1. Phép màu Berlin
  2. Phép màu Miami
  3. Niềm hạnh phúc Johor Bahru
  4. Phép màu Riazor

Đáp án đúng (2), tỉ lệ trả lời đúng 58.5%

3. Chất liệu làm huy chương của thế vận hội Tokyo lần này được lấy từ đâu?

  1. Đường ray
  2. Dụng cụ nhà bếp
  3. Thiết bị điện tử gia dụng cỡ nhỏ
  4. Kim loại từ quá trình đúc tiền

Đáp án đúng là (3), tỉ lệ trả lời đúng là 56.5%

Tác giả 砂山絵理子, báo Nikkei Plus, đăng ngày 24 tháng 7 năm 2021

Nguồn: https://www.nikkei.com/article/DGXMZO74052520Q1A720C2W01000/?unlock=1


Discover more from Những nẻo đường Phù Tang

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply