Animal Crossing là cuốn sách giáo khoa tốt nhất để học hỏi về cơ chế của tiền tệ

Ngày 7 tháng 6 năm 2020

Animal Crossing, trò chơi dành cho Nintendo Switch, đang ngày một gia tăng doanh số bán hàng. Theo báo cáo tài chính được công bố vào tháng 5 của Nintendo, chỉ trong vòng 6 tuần kể từ ngày phát hành, Animal Crossing đã bán được 13 triệu 410 nghìn bản. Đây là kỉ lục về khởi đầu thành công nhất trong các trò chơi được viết cho hệ máy Nintendo Switch.

Do ảnh hưởng của virus Corona, tình trạng hạn chế đi lại lan rộng ra khắp cả nước. Trong bối cảnh đó, Animal Crossing, trò chơi tạo ra cảm giác giúp người chơi tận hưởng cuộc sống chậm, thư giãn trên một hòn đảo yên tĩnh, bao phủ bởi thiên nhiên, đã trở thành động lực cho rất nhiều người trong những ngày phải giam mình ở nhà. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân quan trọng đem tới sự khởi đầu tuyệt vời cho doanh số bán hàng.

Nhưng tôi muốn đề cập đến một mặt khác của trò chơi trong bài viết lần này. Đó là sự tái hiện một cách tinh tế sự chuyển động của xã hội bên trong game xoay quanh vấn đề “tiền tệ”, tương tự như những gì đã xảy ra với xã hội trong thế giới thực. Có thế nói Animal Crossing đã vượt lên trên giới hạn của một trò chơi thông thường, trở thành một tài liệu có ý nghĩa cho việc giáo dục tài chính.

Ngân hàng trung ương tuyên bố giảm lãi suất khẩn cấp, gây chấn động cho các dân cư trên đảo

Trong trò chơi, trên hòn đảo mà người chơi sinh sống tồn tại rất nhiều cơ sở hạ tầng khác nhau phục vụ cho sinh hoạt. Trong số đó, có một cơ quan tài chính được gọi là “ngân hàng Tom Nook”.

Tiền sử dụng trong game được gọi là bell. Khi đem gửi bell tại ngân hàng Tom Nook, cũng giống như ngân hàng trong thế giới thực, người chơi có thể nhận được tiền lãi tương ứng với mức lãi suất tiền gửi. Lãi suất do ngân hàng Tom Nook qui định. Vai trò của ngân hàng trung ương Nhật Bản trong thế giới thực được thực hiện bởi ngân hàng Tom Nook trong thế giới của Animal Crossing.

Trong vai trò ngân hàng trung ương của hòn đảo, ngân hàng Tom Nook vào ngày 23 tháng 4 đột nhiên ra quyết định hạ lãi suất tiền gửi, từ 0,5% xuống còn 0.05%. Sự kiện này đã gây ra chấn động đối với người chơi.

Nguyên nhân là do một bộ phận người chơi đã sử dụng thủ thuật chỉnh sửa thời gian của máy chơi game Nintendo Switch lệch về tương lai, để trong khoảnh khắc có thể thu được số tiền lãi khổng lồ từ tiền gửi tiết kiệm. Lo ngại hành vi này gây ra sự mất cân bằng nghiêm trọng cho trò chơi, ngân hàng Tom Nook (được nhà phát triển game chỉnh sửa) đã tiến hành giảm lãi suất với quy mô lớn nhằm giảm bớt hiệu quả của thủ thuật được người chơi sử dụng.

Bằng cách điều chỉnh lãi suất, ngân hàng Tom Nook đã khống chế được hành động của một nhóm người chơi. Tương tự như vậy, trong thực tế, ngân hàng trung ương Nhật Bản điều chỉnh chính sách về lãi suất để đảm bảo sự cân bằng cho thị trường tài chính.

Nói một cách cụ thể thì để giảm thiểu gánh nặng cho doanh nghiệp khi cần huy động vốn, ngân hàng trung ương Nhật Bản đã hạ thấp lãi suất, kích thích nền kinh tế. Khi có dấu hiệu nền kinh tế phát triển quá nóng, ngân hàng lại thi hành chính sách nâng lãi suất để khiến việc vay tiền trở nên khó khăn hơn.

Lãi suất gửi tiết kiệm của ngân hàng Tom Nook vào thời điểm hiện tại là 0.05% 1 tháng, chỉ bằng 1/10 mức lãi suất từ trước đến nay, đang ở trong tình trạng lãi suất vô cùng thấp. Thật trùng hợp là trong thực tế, Nhật Bản cũng đang thi hành chính sách lãi suất tương tự. Lãi suất tiền gửi của các ngân hàng trực tuyến có trụ sở ở thành phố hiện vào khoảng 0.02% một năm, còn các ngân hàng hàng đầu, có thế lực tại Nhật Bản có mức lãi suất là 0.001% một năm. Đây là một mức lãi suất tiền gửi vô cùng khắc nghiệt.

Trong bối cảnh lãi suất thấp như thế này, thông thường các nhà đầu tư sẽ có xu hướng yêu thích các sản phẩm tài chính khác đem lại lãi suất cao hơn như chứng khoán. Không rõ là những người chơi của Animal Crossing có biết đến nguyên lý này không, nhưng hiện nay họ đang dồn tất cả sự tập trung của mình vào thị trường “củ cải” (*) trong trò chơi. (*trong bản tiếng Nhật là カブ, bản tiếng Anh là turnip)

Củ cải trong Animal Crossing là một loại vật phẩm có tính chất rất gần với cổ phiếu. Giá của củ cải biến động theo ngày, và hoạt động mua bán củ cải có thể quy đổi bằng tiền trong game. Khi củ cải có giá rẻ thì mua vào, và bán ra khi giá cao, tối đa người chơi có thể thu được gấp 5 lần số tiền bỏ ra để mua củ cải ban đầu.

Có thể nói việc ưa thích giao dịch những vật phẩm như củ cải khi lãi suất tiền gửi đi xuống là khuynh hướng tương đồng với thị trường tài chính trong thực tế. Sự biến động của giá cổ phiếu đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng lãi suất đi xuống là được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng thúc đẩy việc giá cổ phiếu đi lên.

Đối với những người chơi thất vọng với mức lãi suất thấp của ngân hàng Tom Nook, thứ tiếp theo có thể kì vọng đem lại một khoản lợi nhuận nhất định chính là củ cải. Đến đây, chúng ta không thể bỏ qua mà không nhắc đến môi trường giao dịch củ cải của người chơi ở một mức độ cao hơn, đó chính là thị trường “giao dịch chênh lệch giá” củ cải.

Người chơi có hành vi tương tự với những nhà đầu tư chuyên nghiệp

Giao dịch chênh lệch giá là giao dịch thu lợi bằng cách lợi dụng sự chênh lệch giá cả của cùng một loại sản phẩm. Ví dụ như, tại một hiệu sách cũ, một cuốn truyện tranh được bán với giá 100 yên. Trong khi đó tại hiệu sách cũ bên cạnh, cũng cuốn truyện tranh đó được thu mua với giá 150 yên. Nếu chúng ta mua cuốn sách ở hiệu sách ban đầu với giá 100 yên rồi đem bán lại cho hiệu sách kế bên với giá 150 yên, lợi nhuận thu được là 50 yên, trong khi không phải chịu bất cứ rủi ro nào.

Hiện tượng giống với câu chuyện này hiện đang xảy ra trong trò chơi Animal Crossing. Người chơi thông qua mạng Internet, có thể đi lại giữa các hòn đảo khác nhau của bạn bè hoặc người quen của mình. Giá củ cải lại khác nhau tùy theo hòn đảo mà người chơi đang sinh sống. Do đó, người chơi có thể bán những củ cải mà mình thu mua với giá rẻ, với mức giá cao tại hòn đảo của bạn bè quen biết thông qua mạng xã hội, nhờ vậy mà không phải chịu rủi ro vẫn có thể thu được một khoản tiền lớn.

Mang những củ cải thu được với giá rẻ từ hòn đảo của mình, vượt biển, đến một hòn đảo khác, bán với giá cao hơn, rồi thu lấy lợi nhuận là hành vi rất giống những gì đã xảy ra với “giao dịch chênh lệch giá” của thị trường vàng vào thời Edo.

Năm 1854, theo hiệp ước Kanagawa, Nhật Bản mở cửa thông thương với nước ngoài. Bấy giờ, theo giá tiêu chuẩn của thị trường, 1 gram vàng tương đương với 15 gram bạc. Nhưng do chính sách tỏa quốc từ trước đến nay của Nhật Bản mà thị trường vàng trong nước không hề biết đến giá tiêu chuẩn của thế giới, nên giá 1 gram vàng chỉ bằng 5 gram bạc.

Điều này có nghĩa là giá vàng tại thị trường nước ngoài có giá trị gấp ba lần giá vàng tại Nhật. Cũng vì thế mà các thương nhân đem “koban”, một loại tiền làm từ vàng được lưu hành tại Nhật vào thời Edo, đổi lấy bạc tại nước ngoài, rồi sau đó sử dụng lượng bạc thu được đem đổi thành vàng tại Nhật Bản. Giao dịch đơn giản này đã đem lại số tiền bằng ba lần số vốn ban đầu.

Môi trường có thể thực hiện các giao dịch như thế này còn được gọi với một cái tên chuyên dụng khác là “cơ hội kinh doanh chênh lệch giá”. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể nhìn vào đây và học hỏi từ những người chơi Animal Crossing, những người đã không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh dựa trên chênh lệch giá cả tại từng hòn đảo.

Sự tiến hóa của hệ thống tài chính trên đảo

Một điều gây ngạc nhiên hơn nữa là những người chơi Animal Crossing, thông qua mạng xã hội, cùng với việc đưa ra lời kêu gọi những người chơi khác bán củ cải với giá cao tại hòn đảo của mình, đã tiến hành thông lệ thu thêm một khoản lệ phí nhỏ nhất định từ các giao dịch bán củ cải, có thể là tiền trong game, hoặc một loại vật phẩm nào đó. Nói một cách khác đây là một hình thức thu thuế từ việc cho phép người chơi khác bán củ cải trên hòn đảo của mình. Đây không khác nào sự tồn tại của của sàn giao dịch chứng khoán trong thế giới thực.

Như chúng ta đã từng đề cập ở phần trước, giao dịch chênh lệch giá hầu như chắc chắn đem lại lợi nhuận. Do đó theo cách nghĩ thông thường mọi người sẽ cho rằng dù có phải trả một phần lệ phí nhỏ, đổi lại bán được củ cải với giá cao thì cũng không thành vấn đề. Nhận ra điều này, nhiều người chơi đã biến hòn đảo của mình thành một sàn giao dịch khi củ cải được giá, từ đó mà thu được lợi nhuận.

Những người chơi nắm giữ sàn giao dịch, chỉ cần đơn giản thu lệ phí ứng với từng giao dịch, không cần phải nhận lấy rủi ro trong việc lưu giữ củ cải, mà vẫn có thể hưởng lợi từ giá củ cải cao.

Ngân hàng Tom Nook, giao dịch chênh lệch giá củ cải là những hệ thống tài chính được cơ cấu ở bên trong trò chơi từ trước. Nhưng việc người chơi kiếm tiền từ việc biến chính hòn đảo của mình thành sàn giao dịch có vẻ là tiến hóa nằm ngoài dự liệu của nhà phát triển game.

Những người chơi của Animal Crossing, từ việc điều chỉnh để tìm kiếm lợi nhuận với những người chơi khác, đã khai sinh ra một hệ thống tài chính mới bên trong game. Nếu vận dụng hệ thống có sẵn, việc tạo ra sản phẩm phái sinh như hợp đồng quyền chọn “trả một khoản lệ phí để đổi lại quyền lợi mua củ cải với mức giá nhất định tại một thời điểm trong tương lai”, cũng hoàn toàn khả thi.

Quả thật Animal Crossing, trò chơi có khả năng tạo ra trải nghiệm quá trình hình thành của hệ thống tài chính trong xã hội hiện đại, chính là cuốn sách giáo khoa thích hợp nhất cho việc giáo dục tài chính.

Takuya Furuta, báo Toyokeizai

Nguồn: https://toyokeizai.net/articles/-/354790


Discover more from Những nẻo đường Phù Tang

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply