Lí do Saigo Takamori và Okubo Toshimichi, hai người bạn thân thiết trong bộ ba Duy Tân Tam Kiệt, ngoảnh mặt lại với nhau là gì?

Bộ phim truyền hình lịch sử dài tập năm 2018 của đài NHK, “Segodon”, nói về cuộc đời của một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của cuộc cách mạng Minh Trị Duy Tân, Saigo Takamori. Khi sự kiện “chính biến Minh Trị năm thứ sáu” xảy ra, Saigo Takamori đã đoạn tuyệt với một trong những người bạn, người đồng chí thân thiết nhất của mình, Okubo Toshimichi, để rồi sau này dẫn đến xung đột trong cuộc chiến tranh Tây Nam giữa phiên Satsuma và quân đội của chính phủ. Nguyên nhân của mọi chuyện được cho là bắt nguồn từ những tranh cãi xung quanh vấn đề “Chinh Hàn luận”. Nhưng giả thuyết này còn có nhiều điểm không thể lí giải được. Rút cục Saigo đã có suy nghĩ như thế nào khi quyết ý từ bỏ mọi chức vụ trong chính phủ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu dựa trên những ghi chép trong cuốn sách “Mạc Mạt, Duy Tân, 100 năm song hành của lịch sử Nhật Bản và thế giới, cuốn sách giúp cho việc thưởng thức phim truyền hình lịch sử còn thú vị hơn nữa” của tác giả Yamamoto Hirofumi, được xuất bản bởi đài NHK.

Saigo không hề có ý định chinh phạt Triều Tiên bằng vũ lực

Ngày 23 tháng 10 năm Minh Trị thứ sáu (1873), Saigo Takamori lấy chứng đau tức ở ngực làm lý do từ bỏ vị trí tham nghị (chức vụ đảm nhiệm vị trí đầu não trong chính phủ thời bấy giờ), đại tướng lục quân, đô đốc cận vệ (sĩ quan chỉ huy quân đội trực thuộc Thiên Hoàng). Ông thậm chí còn mong muốn trả lại cả quan vị. Cuối cùng, việc từ bỏ vị trí tham nghị và đô đốc cận vệ được phê chuẩn, nhưng chức vụ đại tướng lục quân và quan vị thì không.

Lúc này, Itagaki Taisuke, Soejima Taneomi, Goto Shojiro, Eto Shinpei, những người cũng giữ chức tham nghị trong chính phủ như Saigo, cộng thêm khoảng 600 người khác bao gồm các quan chức, quân nhân, chính trị gia ngưỡng mộ ông, cùng với phe ủng hộ việc chinh phạt Triều Tiên, đều nhất loạt từ nhiệm. Biến cố này được gọi là “chính biến Minh Trị năm thứ sáu”. Cũng từ đây, hai người bạn, đồng chí, cùng chia sẻ lý tưởng từ những ngày Mạc Mạt, Saigo Takamori và Okubo Toshimichi chính thức ngoảnh mặt lại với nhau.

Một chuỗi những biến cố chính trị xảy ra trong khoảng thời gian này đều bắt nguồn từ vấn đề tranh cãi nên hay không nên khuất phục Triều Tiên bằng vũ lực, hay còn được biết đến với cái tên “Chinh Hàn luận”. Okubo Toshimichi và Iwakura Tomomi, những người chủ trương ưu tiên xử lí những vấn đề nội bộ trong nước trước, đã ngăn cản nỗ lực đến Triều Tiên trong vai trò đại sứ toàn quyền của Saigo Takamori, dẫn đến việc Saigo đệ đơn xin từ nhiệm.

Nhưng thực sự thì ngay từ đầu, dường như Saigo không hề có ý định chinh phục Triều Tiền bằng vũ lực.

Mọi chuyện bắt đầu từ thời điểm tháng 6 năm 1873, báo cáo của Kagenori Ueno, người giữ trọng trách trong bộ ngoại giao thời bấy giờ có đoạn “chính phủ Triều Tiên đã cự tuyệt quốc thư của Nhật Bản, lăng mạ đại sứ, sự an toàn của những người Nhật sống ở Triều Tiên đang bị đe dọa. Tôi muốn xin chỉ thỉ của chính phủ về việc chúng ta nên đưa những người dân này ra khỏi Triều Tiên, hay dùng vũ lực đe dọa để bắt chính phủ Triều Tiên chấp nhận một hiệp ước có lợi cho Nhật Bản”. Lúc này, nhóm Iwakura, Okubo, và Kido Takayoshi đang trên hành trình thị sát Âu Mỹ, nên Saigo tạm thời giữ vai trò dẫn dắt chính phủ.

Khi nhận được báo cáo của Ueno, các thành viên trong chính phủ vô cùng phẫn nộ. Bởi ai cũng cho rằng Triều Tiên có tư tưởng tự cho mình là nước được hấp thụ văn hóa Đại Trung Hoa, nên có địa vị cao hơn so với một nước phải mở cửa khai quốc, tiếp nhận văn hóa phương Tây như Nhật Bản. Thậm chí, những dòng như sau còn được viết trước cổng sứ quán Nhật tại Busan “người Nhật nên biết hổ thẹn vì bắt chước những con khỉ Tây Dương”.

Trong cuộc họp hội đồng chính phủ, tham nghị Itagaki Taisuke chủ trương cứng rắn “để bảo vệ cho những người dân Nhật Bản tại Triều Tiên, chúng ta nên xuất quân”. Chủ trương này nhận được sự đồng tình của các tham nghị khác. Nhưng Saigo đã phản đối đề nghị này. Ông chủ trương cử một sứ đoàn ngoại giao đến Triều Tiên, trong đó bản thân giữ vai trò đại sứ toàn quyền. Kết quả của cuộc nghị luận là Saigo được chấp nhận giữ chức đại sứ trong phái đoàn đến Triều Tiên, khởi hành vào ngày 17 tháng 8. Chờ đến khi phái đoàn Iwakura, đang thị sát Âu Mỹ trở về, quyết định sẽ chính thức được phê chuẩn.

Saigo đã dự định xây dựng mối quan hệ với Triều Tiên bằng những nỗ lực ngoại giao

Từ trước đến nay giả thuyết cho rằng Saigo tự nguyện đến Triều Tiên trong vai trò đại sứ, để nếu bị giết tại đây, Nhật Bản sẽ có cớ để xuất quân đến Triều Tiên, khá phổ biến. Nhưng thực tế Saigo dường như hoàn toàn không có suy nghĩ dùng vũ lực để khuất phục Triều Tiên, trái lại còn mong muốn dùng phương thức hòa bình để khôi phục lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Nhân tiện, nói thêm về “Chinh Hàn luận”, đây không phải là vấn đề mới phát sinh, mà đã từng được đề xuất bởi Kido Takayoshi vào năm Minh Trị thứ nhất. Trong quá trình chuyển giao từ thời Mạc Mạt sang thời Minh Trị, chính phủ Nhật Bản đã thiết lập quan hệ ngoại giao với các cường quốc Âu Mỹ, nhà Thanh của Trung Quốc, đồng thời cố gắng xây dựng quan hệ với cả Triều Tiên. Nhưng Triều Tiên vẫn như trước đây, duy trì chính sách tỏa quốc, nên ý tưởng “đã như vậy thì chỉ còn cách dùng vũ lực chinh phục Triều Tiên” mới nhiều lần được nhắc tới.

Trong bản kiến nghị mà Saigo gửi đến Sanjo Sanetomi, người giữ chức Thái Chính Đại Thần, đứng đầu chính phủ Nhật về mặt danh nghĩa, có đoạn như sau:

“Triều Tiên nhiều lần có hành vi thất lễ với nước ta, việc thông thương không được diễn ra thuận lợi, những người dân Nhật Bản sống ở Busan cũng không tránh khỏi áp bức. Cho dù là như vậy chúng ta cũng không nên vì thế mà tùy tiện xuất binh. Trước tiên, tốt nhất là nên cử một phái đoàn ngoại giao đại diện cho nước ta đến Triều Tiên trước. Không thể chỉ vì lo ngại bạo loạn xảy ra mà chuẩn bị cho chiến tranh rồi mới phái đi sứ giả. Làm như vậy là không hợp với đạo lí thường tình. Do đó, nước ta trước nhất cần thể hiển được thái độ thân thiện, hữu hảo. Nếu Triều Tiên vẫn ngoan cố kích động bạo lực, thì lúc đó mới là lúc chúng ta hỏi tội vô đạo”.

Từ bản kiến nghị này chúng ta có thể thấy được Saigo không hề mong muốn sử dụng phương thức bạo lực để giải quyết vấn đề, mà định xây dựng mối quan hệ với Triều Tiên bằng con đường ngoại giao.

Nhưng người đồng chí thân thiết của Saigo, Okubo Toshimichi lại có suy nghĩ khác. Quan nhiếp chính Đại Viện Quân, cha đẻ của quốc vương Triều Tiên lúc bấy giờ, là người rất ghét Nhật Bản, nên Okubo lo sợ Saigo sẽ bị hạ sát nếu đến Triều Tiên.

Cho dù không bị giết, nếu những nỗ lực ngoại giao không đem lại hiệu quả thì chỉ có một con đường là chiến tranh. Okubo, trong vai trò một thành viên của phái đoàn Iwakura, đã tận mắt chứng kiến sức mạnh của của các quốc gia Âu Mỹ, có suy nghĩ “để biến Nhật Bản thành một cường quốc, trước tiên cần ưu tiên cho việc tăng cường quốc lực”. Do đó, nhất quyết phải tránh một cuộc chiến tranh ở nước ngoài với chi phí khổng lồ bằng mọi giá. Hoặc có lẽ Okubo đã tính toán đến mức “nếu đối thủ chỉ là Triều Tiên, thì cũng dễ đối phó bằng cách này hay cách khác, nhưng sau lưng Triều Tiên còn có cả Thanh Quốc lẫn nước Nga. Nếu hai nước lớn này hậu thuẫn Triều Tiên rồi nhảy vào tham chiến, thì chắc chắn Nhật Bản sẽ phải đối mặt với nguy cơ liên quan đến sự tồn vong của đất nước”.

Có thể thấy Saigo và Okubo có cùng quan điểm muốn tránh một cuộc chiến tranh với Triều Tiên. Nhưng Saigo thì cho rằng nếu bản thân trực tiếp đi thì nhất định sẽ thuyết phục được chính quyền Triều Tiên, trong khi đó Okubo lại nghĩ những nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên sẽ chẳng đi đến đâu cả. Đây là điểm khác biệt trong suy nghĩ của hai người.

Bên cạnh đó, vào năm Minh Trị thứ tư (1871), khi phái đoàn đại sứ Iwakura xuất phát đi thị sát Âu Mỹ, nhóm những thành viên của sứ đoàn bao gồm Iwakura, Okubo và nhóm nắm giữ chính phủ tạm thời bao gồm Saigo, Itagaki, đã thống nhất về việc cho đến khi đoàn đại sứ trở về, chính phủ sẽ hạn chế việc đưa ra những quyết sách cải cách ngoại trừ những trường hợp bắt buộc. Nhưng Saigo đã không giữ lời hứa, mà thực hiện một loạt thay đổi như cải cách hệ thống giáo dục, thông báo tuyển mộ binh lính, cải chính thuế đất, cải cách về hệ thống thân phận trong xã hội, cũng như cải cách hệ thống tư pháp mang tính cận đại. Chính phủ Minh Trị chỉ vừa mới được thành lập nên những cải cách này ít nhiều là không thể tránh khỏi, nhưng có lẽ cũng vì chuyện này mà Okubo dần dần có những suy nghĩ phức tạp về Saigo.

Okubo không dễ dàng nhượng bộ

Okubo mong muốn hủy bỏ việc đi sứ Triều Tiên của Saigo, nhưng lúc này ông không phải là một tham nghị, nên không có tiếng nói trong việc quyết định chính sách. Hơn nữa, hơn một nửa trong số những tham nghị thời bấy giờ đều là người ủng hộ Saigo, nên việc lật ngược quyết sách không hề dễ dàng. Okubo mượn sự trợ giúp của Iwakura Tomomi, người có cùng quan điểm phủ định việc đi sứ Triều Tiên của Saigo, đoạt lấy chức vụ tham nghị.

Cứ như vậy, Okubo người luôn giữ lập trường đối đầu với Saigo Takamori, đã lôi kéo được nhiều tham nghị khác có cùng suy nghĩ tiêu cực về việc chinh phạt Triều Tiên làm đồng minh. Để rồi vào ngày 14 tháng 10 năm Minh Trị thứ sáu (1873), trong cuộc họp của hội đồng chính phủ, số người phản đối đã cân bằng với số người ủng hộ khi bàn thảo về vấn đề Triều Tiên. Nhưng vào ngày tiếp theo, trước áp lực và uy thế của Saigo Takamori, người đứng đầu chính phủ trên danh nghĩa thời điểm bấy giờ, thái chính đại thần Sanjo Sanetomi, đã một lần nữa quyết định cử phái đoán ngoại giao do Saigo dẫn đầu đến Triều Tiên. Đến đây, Saigo chỉ còn cần nhận được sự phê chuẩn của Thiên Hoàng Minh Trị, mọi việc sẽ chính thức được quyết định.

Nhưng Okubo không dễ dàng lùi bước như vậy. Ngày 17 tháng 10, Sanjo Sanetomi ngã quỵ vì căng thẳng cực độ. Okubo nhân cơ hội này lên kế hoạch để Iwakura Tomomi thay thế tạm quyền nắm giữ vị trí thái chính đại thần. Thêm vào đó, do biết rõ Thiên Hoàng rất yêu mến Saigo, nên thông qua Iwakura, Okubo đã chuyển lời nhằm lung lạc quyết định của Thiên Hoàng “nếu để Saigo đi Triều Tiên, tính mạng của ngài ấy chắc chắn sẽ gặp nguy hiểm”.

Bằng phương thức bất chấp các quy tắc như thế này, cuối cùng Okubo đã thành công trong việc hủy bỏ quyết định đi sứ Triều Tiền của Saigo. Bị đối thủ lật ngược thế cờ trong thời khắc quyết định, Saigo quyết định từ bỏ mọi chức vụ, kéo theo quyết định tương tự của nhiều thành viên tham nghị khác trong hội đồng chính phủ.

Saigo từ quan quay trở lại quê hương Satsuma (tỉnh Kagoshima ngày nay), sống cuộc đời tự do tự tại cho đến ngày buộc phải tham gia cuộc khởi binh của phiên Satsuma trong chiến tranh Seinan (Tây Nam). Còn Okubo thành lập phủ nội vụ, cơ quan đảm trách quá nửa công việc hành chính đối nội thời bấy giờ, trở thành bộ trưởng bộ nội vụ đầu tiên, đồng thời là người đứng đầu của chính quyền. Ông lấy “phú quốc cường binh” làm khẩu hiểu, cho thi hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp.

Mặt khác, vào năm Minh Trị thứ bảy (1874), Okubo tiến hành đưa quân đến đảo Đài Loan, vào năm tiếp theo, lại điều tàu quân sự đi vào vùng biển của bản đảo Triều Tiên, tạo ra xung đột vũ lực (sự kiện đảo Ganghwa). Phía Nhật Bản ngang nhiên thực hiện việc khảo sát trong vùng lãnh hải của Triều Tiên, để rồi khi bị phía Triều Tiên pháo kích thì lấy đó làm lí do để tạo ra xung đột. Cuối cùng, Nhật Bản đã thành công trong việc ép Triều Tiên kí vào bản hiệp ước có lợi cho Nhật Bản (còn gọi là điều ước bất bình đẳng Nhật- Triều 1876). Dù nhìn nhận thế nào đi nữa chúng ta cũng có thể thấy được những mâu thuẫn rõ ràng trong chính sách đối ngoại của Okubo. Khi Saigo muốn cử phái đoàn đi sứ Triều Tiên thì Okubo chủ trương nhất quyết phải tránh phát động một cuộc chiến tranh. Nhưng chẳng bao lâu sau, ông lại phái binh đến Đài Loan và Triều Tiên. Kido Takayoshi cũng vì thế mà đưa ra kháng nghị “phủ định Chinh Hàn luận mà lại phái binh đến Đài Loan là rất mâu thuẫn”, rồi từ nhiệm khỏi chính phủ (sau này có phục chức trở lại).

Okubo gây ra chính biến để lật đổ Eto Shinpei?

Từ mẫu thuẫn giữa tranh cãi trong vấn đề Chinh Hàn luận với việc phái binh ra nước ngoài, có thể thấy Okubo không gây ra chính biến với mục đích chỉ để tránh một cuộc chiến tranh. Vậy tại sao ông luôn giữ lập trường đối lập trong vấn đề Chinh Hàn luận? Bối cảnh lí giải cho vấn đề này nằm ở sự xuất hiện của những nhân vật chủ chốt trong chính phủ có xuất thân từ phiên Tosa và phiên Hizen, trong khi Okubo đang giữ vai trò là một thành viên của phái đoàn Iwakura đi thị sát Âu Mỹ.

Khi những thành viên của phái đoàn Iwakura đi vắng, Saigo giữ vai trò người lãnh đạo, nhưng thực tế những người trực tiếp điều hành chính phủ lúc này là Itagaki Taisuke (phiên Tosa), Eto Shinpei (phiên Hizen), Sonejima Taneomi (phiên Hizen). Ban đầu chính phủ Minh Trị bao gồm chủ yếu là các thành viên đến từ phiên Satsuma và Choshu, những người đã trực tiếp hi sinh xương máu cho cuộc vận động đảo Mạc. Nhưng Saigo quyết định trọng dụng những người có tài năng, bất kể xuất thân, nên những người theo chủ nghĩa cơ hội đến từ phiên Tosa và Hizen, chờ đến khi cục diện gần ngã ngũ với tham gia vào cuộc vận động lật đổ Mạc phủ, lại được trao cơ hội tham gia vào đầu não chính phủ. Đặc biệt, Eto Shinpei đã công kích scandal tiền bạc của những thành viên đến từ phiên Choshu như Yamagata Aritomo, Inoue Kaoru, khiến họ bị mất chức. Hơn nữa Edo còn có vai trò rất nổi bật trong chính phủ khi ông là người thực hiện cuộc cải cách hệ thống tư pháp.

Hoàn cảnh này đối với một người xuất thân từ phiên Satsuma như Okubo mà nói, chẳng hề thú vị một chút nào. Eto lại là một người có tài năng hiếm có, có khả năng vận hành chính phủ, nên tương lai nhiều khả năng sẽ trở thành đối thủ chính trị của Okubo. Nếu quyết định đi sứ Triều Tiên của Saigo được thông qua thì vai trò của những thành viên thuộc phe tán thành bao gồm Eto sẽ ngày một quan trọng hơn trong chính phủ. Vì thế có lẽ đây là lí do mà Okubo lợi dụng Iwakura để hủy bỏ quyết định cử phái đoàn ngoại giao đến Triều Tiên.

Tất nhiên đây cũng chỉ là một trong những giả thuyết được đặt ra mà thôi. Buổi đầu của chính phủ Minh Trị, những cuộc đấu đá chính trị nội bộ như thế này diễn ra như cơm bữa. Do đó nếu Okubo quả có lòng muốn lật đổ Eto thì cũng không phải chuyện gì đáng ngạc nhiên.

Nhân tiện nhắc đến sự kiện “chính biến Minh Trị năm thứ sáu”, Saigo, người bạn, người đồng chí thân thiết của Okubo, đã từ chức rồi khỏi chính phủ nhưng vẫn được giữ lại quan vị và chức đại tướng lục quân. Sở dĩ có chuyện này có lẽ là bởi sự quan tâm và tình cảm của Okubo, mong muốn đợi cơn giận của Saigo lắng xuống, rồi mời ông quay trở lại chính phủ.

Nhưng Saigo vẫn tiếp tục ở lại quê hương Kagoshima, cuối cùng không bao giờ quay lại chính phủ nữa. Có lẽ vì thất vọng về cách mà Iwakura và Okubo điều hành chính phủ, Saigo chọn con đường sống một cuộc sống thầm lặng yên bình ở làng quê. Trong khi đó, Okubo sau khi khiến Saigo và Eto phải từ nhiệm, đã nắm lấy thực quyền, trở thành bộ trưởng bộ Nội Vụ đầu tiên (chức vụ thời đó tương đương với chức thủ tướng ngày nay, giữ vai trò người đứng đầu chính phủ). Từ đó ông xây dựng đất nước mà ông hướng đến theo cách riêng của mình. Hai người bạn một thời cùng chí hướng, từng cùng nhau lật đổ Mạc phủ, cuối cùng lại đi theo hai con đường riêng biệt, để rồi sau này chẳng mấy chốc phải đối đầu trực tiếp với nhau (trong cuộc chiến tranh Tây Nam).

Nguồn: https://toyokeizai.net/articles/-/244522


Discover more from Những nẻo đường Phù Tang

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply