Tòa thành ăn được ?!!

Đối với các võ sĩ thời Sengoku, thực vật không chỉ đơn thuần là thứ để thưởng lãm, mà còn có vai trò là lương thực, dược liệu, vật liệu gỗ, và đôi khi là cả vũ khí nữa. Một ví dụ tiêu biểu là cây thông (tiếng Nhật là Matsu) thường được trồng trong các tòa thành ở Nhật, để làm đẹp phong cảnh. Nhưng Matsu không được trồng chỉ để trang trí, mà còn có nhiều ứng dựng thực tiễn rất xuất sắc. Bài viết lần này là câu chuyện của nhà thực vật học Inagaki Hidehiro, tác giả cuốn sách “Tại sao gia huy của nhà Tokugawa lại là thục quỳ ba lá”, kể về cách các võ sĩ đã khéo léo sử dụng thực vật như thế nào vào thời chiến quốc.

Tòa tháp chính (Tenshukaku) tuyệt đẹp trong các thành của Nhật Bản là thành quả của rất nhiều công sức. Đặc biệt là cách sử dụng thực vật vô cùng tuyệt diệu. Đại diện tiêu biểu là cây thông Matsu, loại cây được trồng phổ biến trong thành. Các nhánh cây Matsu tráng lệ vươn ra tạo nên sự hòa hợp với khung cảnh tháp canh hùng vĩ.

Matsu trồng tại thành Maruoka

Matsu nằm trong nhóm “thực vật thường xanh”, nên ngay cả vào mùa đông lá cây vẫn xanh tốt. Khả năng sinh tồn mạnh mẽ của Matsu được xem là điềm báo cho sự tốt lành, nên loại cây này rất được yêu thích, và được trồng nhiều trong các thành của Nhật Bản. Matsu còn được nhắc tới trong các cụm từ nổi tiếng như “Shouchikubai” (Tùng Trúc Mai), “Matsu ni tsuru” (bức tranh hạc đậu trên cành cây Matsu), và được xem trọng như một chiếc bùa, hay biểu tượng tốt đẹp nhất, cầu chúc cho sự may mắn.

Bên cạnh đó, tuy Matsu là “cây thường xanh” nhưng không có nghĩa là cây hoàn toàn không rụng lá. Chỉ là tất cả lá không rụng vào cùng một thời điểm, mà lần lượt rụng dần dần từng chút một. Những lá Matsu rụng xuống, có dạng một cặp gồm hai lá dính liền với nhau, nên đây còn được xem như biểu tượng của “vợ chồng hòa hợp”.

Chúng ta có thể thấy được không có loại cây nào thích hơp hơn Matsu trong việc đại diện cho những gì may mắn, tốt đẹp và hạnh phúc. Nhưng Matsu còn được sử dụng vì những ứng dụng thực tiễn khác nữa.

Thời chiến quốc, khi kẻ địch tấn công cũng có nghĩa là trận chiến thủ thành bắt đầu. Đường vận lương vào thành sẽ bị kẻ địch cắt đứt, nên trong thành lúc nào cũng cần phải chuẩn bị sẵn lương thực và nước uống dự phòng. Đó là lí do vì sao các thành chủ luôn cho đào giếng trong thành, đồng thời tích trữ đầy đủ lương thực.

Matsu, trong những lúc cấp bách như thế này, trở thành nguồn thực phẩm dự phòng trong tình trạng khẩn cấp. Hẳn là các bạn cũng thấy rất ngạc nhiên khi biết Matsu lại có thể trở thành lương thực. Nếu bóc lớp vỏ bên ngoài của Matsu, một lớp vỏ mỏng màu trắng khác sẽ lộ ra. Lớp vỏ mỏng này có chứa chất béo và chất đạm. Cho lớp vỏ này giã trong cối, sau đó đem ngâm trong nước, lọc bỏ đi phần bọt nổi lên, rồi đem phơi khô, sẽ có được một loại bột. Đem bột này trộn với gạo sẽ thành bánh Mochi, với tên gọi “Matsukawa Mochi”.

Đến đây, chúng ta đã hiểu được Matsu là một loại cây tuyệt vời như thế nào, không chỉ để thưởng lãm mà còn có ứng dụng cả về mặt quân sự.

Tòa thành có thể ăn được, có một không hai

Khi thiên hạ bước vào thời Edo thái bình, tại Kyushu vẫn còn một mồi lửa chực chờ bùng cháy. Đó là bởi sự hiện diện của nhà Shimazu lãnh chúa của Satsuma, kẻ địch tiềm tàng của nhà Tokugawa.

Kuroda Nagamasa (con trai của thiên tài quân sự thời chiến quốc Kuroda Kanbei), vốn là cựu thần của nhà Toyotomi, trong trận Sekigahara lịch sử đã lựa chọn đi theo phe Đông quân của Tokugawa Ieyasu. Kết quả là ông được phong làm lãnh chúa của phiên Fukuoka, và trở thành phiên chủ đầu tiên của phiên này. Thành Fukuoka cũng được lựa chọn làm nơi cư trú của ông. Trong thành có tháp canh được gọi là “Tamon yagura”. Đây là nơi giữ vai trò làm kho vũ khí.

Một chi tiết nổi bật trong việc xây dựng Tamon yagura đó là tường của tháp canh được kết lại bằng tre. Vì khi xảy ra chiến tranh, tre cũng được sử dụng để làm mũi tên. Thêm vào đó, một điểm gây ngạc nhiên khác là các mũi tên được bó lại không phải bởi sợi dây thông thường mà bằng Warabi (*chú ý Warabi, chứ không phải Wasabi!!!) đã sấy khô. Warabi bởi thế cũng chính là thực phẩm dự phòng khi có tình trạng khẩn cấp.

Đỉnh cao của sự sáng tạo là thành Kumamoto. Thành được xây lên bởi Daimyo nổi tiếng Kato Kiyomasa. Ông đã tham gia vào trận Shizugatake, và nhờ thành tích có được trong trận chiến này, mà trở thành một trong “bảy ngọn giáo Shizugatake” (bảy Samurai xuất sắc của Toyotomi Hideyoshi trong trận Shizugatake).

Kiyomasa vốn là cựu thần của Toyotomi Hideyoshi, nhưng sau cái chết của chủ nhân, ông trở thành gia thần dưới trướng của Tokugawa Ieyasu. Để khống chế nhà Shimazu của Satsuma, Kiyomasa đã cho xây dựng thành Kumamoto tại nước láng giềng của Satsuma là Higo (ngày nay là tỉnh Kumamoto).

Kumamoto được biết đến là một thành trì vô cùng kiên cố. Thời Edo, thành không phải chịu bất kì một cuộc tốn công nào. Nhưng khi bước sang thời Meiji, trong cuộc chiến tranh Seinan (Tây Nam), thành Kumamoto trở thành cứ điểm phòng thủ của quân đội chính phủ trước các cuộc tấn công như bão táp của quân đội phiên Satsuma dưới sự dẫn dắt của Saigo Takamori (người mà sau này được mệnh danh là “the last samurai”). Cuối cùng, Saigo Takamori đã thất bại trong việc khuất phục thành Kumamoto. Người ta kể lại rằng, Takamori đã phải thở dài mà thốt lên rằng “ta bại trận không phải bởi quân chính phủ, mà là bại dưới tay của Kiyomasa công”.

Tranh thành Kumamoto gốc được vẽ lại sau chiến tranh Seinan

Thành Kumamoto, thật thú vị, là một tòa thành có thể ăn được. Ví dụ như các tấm chiếu Tatami được đặt trong thành, phần lõi của Tatami không sử dụng rơm rạ như bình thường, mà dùng các cọng khoai môn, trong vai trò thực phẩm dự trữ. Ngoài ra cọng khoai môn còn được độn trong các bức tường đất. Bên cạnh đó các bức tường còn được phủ bởi sợi bầu khô.

Sở dĩ Kiyomasa chuẩn bị lương thực dự phòng một cách cẩn thận như vậy là bởi vì ông đã từng phải trải qua những trận thủ thành đầy khắc nghiệt trong cuộc xâm lược Triều Tiên trước đây.

Mơ muối Umeboshi, dược phẩm vạn năng không thể thiếu được trong chiến tranh

Hàng năm, khi mùa hoa mơ đến, rất nhiều người lại ghé qua Kairakuen ở Mito. Kairakuen là khu vườn truyền thống Nhật Bản được xây dựng vào năm 1842, bởi phiên chủ phiên Mito lúc bấy giờ là Tokugawa Nariaki. Ume (cách gọi tiếng Nhật của cây mơ), cũng giống như Matsu, không đơn thuần được trồng chỉ với mục đích thưởng lãm. Thành phần muối và axit citric có trong mơ muối Umeboshi có tác dụng đánh tan sự mệt mỏi. Khi trận chiến đang diễn ra, có những lúc dù khát khô cổ họng cũng không thể uống nước. Những lúc như vậy, chỉ cần liếm một chút Umeboshi, là nước bọt sẽ được tiết ra, tạm thời làm dịu đi cái khát.

Ngoài ra Umeboshi còn có tác dụng phòng chống ngộ độc thực phẩm. Không những vậy, nước ngâm mơ còn được sử dụng để sát khuẩn, khử trùng vết thương. Quả thật, Umeboshi đúng là một loại dược phẩm vạn năng. Chính vì vậy mà các lãnh chúa thời chiến quốc mới tích cực trồng Ume trong các tòa thành của mình.

Ninja và thực vật

Nguồn gốc của Ninja được cho rằng bắt nguồn từ thời của thái tử Shotoku (574- 622). Vào thời chiến quốc, hoạt động tình báo của Ninja được xem là không thể thiếu được.

Các hoạt động du kích gián điệp của Ninja được thực hiện tại địa bàn là các ngọn núi. Chính vì thế kiến thức về thực vật là vô cùng cần thiết. Thực vật không chỉ để dùng làm thức ăn, mà còn được dùng làm thuốc, hay chiết suất độc dược để hạ gục kẻ thù.  

Trong số các Ninja, có người được gọi bằng cái tên “Kusa” (tiếng Nhật là cỏ). Những Ninja này hóa trang thành một người dân bình thường, thực hiện các hoạt động tình báo tại lãnh địa của kẻ địch. Nhưng cũng có trường hợp, việc thu thập thông tin trở nên không còn cần thiết. Khi đó, “Kusa” dưới vỏ bọc một người bình thường, cứ thế tiếp tục sống rồi khép lại cuộc đời mình như một ngọn cỏ dại không ai biết đến. Các bạn hãy nhớ rằng dưới cái bóng của lịch sử, có cả sự tồn tại của cả những Ninja thầm lặng như vậy.

Nguồn bài viết:

https://toyokeizai.net/articles/-/63918

Nguồn ảnh:

https://omatsu.club/2020/07/18/post-1610/

https://zatsugaku-company.com/castle-tree/

https://kojodan.jp/castle/92/memo/574.html

https://minabe.net/gaku/rekishi/yurai.html

https://akita-mori.com/?pid=2781160

https://tanken.com/kumamoto.html


Discover more from Những nẻo đường Phù Tang

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply