Bí ẩn lớn nhất thời Sengoku! Tại sao Toyotomi Hideyoshi lại xâm lược Triều Tiên?

Bộ phim truyền hình dài tập “Kirin ga kuru” của đài NHK một lần nữa thu hút sự quan tâm của khán giả tới lịch sử Nhật Bản thời chiến quốc. Sau cái chết của Oda Nobunaga dưới tay Akechi Mitsuhide tại chùa Honnoji, thiên hạ cuối cùng đã rơi vào tay Toyotomi Hideyoshi. Hideyoshi không chỉ dừng lại ở việc thống nhất nước Nhật, mà còn đem quân đến bán đảo Triều Tiên. Rút cục vì sao ông lại đưa ra quyết định như vậy? Trong bài viết lần này tác giả Hongo Kazuto sẽ đưa ra câu trả lời được trích và biên soạn lại một phần từ cuốn sách “Nhật Bản của những thất bại”.

Đây là một vấn đề nan giải trong lịch sử Nhật Bản. Hideyoshi đã suy nghĩ gì để rồi quyết định đưa quân đến Triều Tiên? Trước hết, một trong những giả thuyết được đưa ra từ xưa có thể kể đến là “sự ngạo mạn”. Hideyoshi, người đã thống nhất toàn bộ nước Nhật, có thể đã trở nên kiêu ngạo. Nắm trong tay quyền lực tuyệt đối, và bị nó làm cho mê hoặc, Hideyoshi sau khi thuần phục được nước Nhật đã nghĩ mình có thể thống trị được cả Trung Quốc. Do đó mà ông đã hướng tầm mắt của mình đến đại lục.

Ban đầu Hideyoshi vốn không có ý định thâu tóm Triều Tiên. Mục tiêu thực sự của ông là Trung Quốc. Ông dự định chinh phục đại lục, rồi đem cả Thiên Hoàng đến đó. Mấu chốt của giả thuyết này là Hideyoshi đã trở nên ngạo mạn tới mức nghĩ ra một kế hoạch ngông cuồng đến như vậy.

Bên cạnh đó, còn một giả thuyết khác cũng thường được nhắc đến đó là “việc thiếu đất đai”. Sau khi giành được toàn bộ Nhật Bản, Hideyoshi lại phải đối mặt với vấn đề không đủ đất đai để ban thưởng cho các gia thần của mình. Để không làm họ thất vọng, ông đã quyết định xâm chiếm một vùng đất mới.

Ngay đến đối phó với chỉ một Ieyasu còn khó khăn huống hồ...

Giả thuyết đầu tiên về sự ngạo mạn của Hideyoshi xem ra có vẻ không thực tế. Liệu con người thực sự có thể trở nên ngông cuồng đến như vậy? Liệu Hideyoshi có thực đã từng nghĩ rằng bản thân có thể bình định được Nhật Bản thì cũng có thể thâu tóm được Trung Quốc đại lục?

Nhưng như những gì được đề cập đến trong cuốn “Nhật Bản của những thất bại”, Hideyoshi thậm chí còn không thể khuất phục được Tokugawa Ieyasu. Trước đó, ông cũng gặp phải vô vàn khó khăn trong nỗ lực khiến cho Ieyasu phải về dưới trướng của mình.

Trong trận Komaki Nagakute giữa Toyotomi Hideyoshi với liên minh của Oda Nobukatsu (con trai thứ hai của Oda Nobunaga) và Tokugawa Ieyasu, nếu Hideyoshi dồn toàn lực, không chừng có thể giành được chiến thắng. Nhưng kể cả trong trường hợp có thắng lợi đi nữa, tổn thất to lớn sau trận chiến sẽ đẩy Hideyoshi vào một vị trí vô cùng mong manh. Chắc chắn ông đã có suy nghĩ “trận chiến này nếu không cẩn thận, những kẻ tạm thời đang đi theo ta sẽ nhất loạt nhân cơ hội này mà làm phản. Phải gấp rút xử lí xong Ieyasu”.

Thực tế, sau khi nhanh chóng giảng hòa, Hideyoshi đã tìm ra được cách để khiến Ieyasu phải phục tùng, đó là lợi dùng uy quyền của Thiên Hoàng. Trước đó vốn là người chẳng có hứng thú gì với Thiên Hoàng hay quan tước, nhưng để đối phó với Ieyasu, Hideyoshi nhận ra đây là cách có thể dùng được.

Thế rồi Hideyoshi phá bỏ hết các quy tắc truyền thống của triều đình, giành lấy quan vị với một tốc độ chóng mặt. Từ trước đến nay triều đình có những quy định trong việc ban chức quan một cách có trật tự. Nói một cách đơn giản thì nó cũng tương tự như các bậc thang trong ngành giáo dục, hết tiểu học thì tiếp theo sẽ là trung học, sau đó tới cấp ba, rồi mới đến đại học.

Nhưng ở đây Hideyoshi đã cưỡng ép chỉnh sửa lại các ghi chép của triều đình. Theo thông lệ từ xưa, triều đình luôn lưu lại các sử liệu về quan lại, như ai giữ chức vụ gì vào năm nào. Hideyoshi giả mạo các ghi chép này, sửa lại sự thật về lí lịch đã được ghi lại trong quá khứ, rồi từ đó trở thành Quan Bạch, Thái Chính Đại Thần người nắm quyền lực tuyệt đối trong triều đình. Lợi dụng uy quyền của Thiên Hoàng, cuối cùng Hideyoshi đã thành công trong việc ép Ieyasu phải phục tùng.

Nói một cách khác, chỉ riêng việc khuất phục một mình Tokugawa Ieyasu đã khiến cho Hideyoshi phải vô cùng lao tâm khổ tứ. Tất nhiên ngoài Ieyasu, những trận chiến với Chosokabe hay Shimazu cũng không hề dễ dàng. Hơn ai hết Hideyoshi hiểu rõ việc bình định và hàng phục một thế lực khó khăn đến nhường nào.

Một người làm việc gì cũng cẩn trọng như Hideyoshi, liệu có chỉ vì tham vọng cá nhân nhất thời mà vươn tay đến tận Trung Quốc đại lục hay không? Đây là một điểm trong giả thuyết mà tôi không đồng tình. Giả sử như có một kẻ với diện mạo giống hệt, được bí mật đưa vào thay thế cho Hideyoshi thì phần nào còn có thể lí giải được.

Suy đoán thứ nhất “có lẽ là bởi không hiểu gì về thế giới”

Tồn tại cả những giả thuyết hài hước như Hideyoshi chưa từng nhìn thấy bản đồ thế giới, nên tưởng Trung Quốc cũng chỉ to ngang cỡ đảo Shikoku. Nhưng sự thật là Hideyoshi hẳn đã thấy bản đồ mà những người truyền giáo mang tới Nhật Bản, mà kể cả không phải như vậy thì việc Trung Quốc rộng lớn đến mức nào thì chắc chắn ai cũng biết.  

Thực tế, Hideyoshi có vẻ đã tưởng rằng Trung Quốc là đất nước mà Hoàng đế và quan lại nắm quyền cai trị, nên đa phần chỉ toàn là tầng lớp quý tộc. Quan điểm đó cũng không hẳn là sai lầm, nhưng có vẻ bao gồm hàm ý cho rằng đây là đất nước có năng lực quân sự yếu kém. Cho dù có suy nghĩ như vậy nhưng ông cũng hiểu rõ lãnh thổ Trung Quốc rộng lớn đến mức không tưởng nên khuất phục đất nước này nhất quyết không phải là một việc dễ dàng.

Do đó, tôi cho rằng giả thuyết về sự ngạo mạn của Hideyoshi, dẫn đến việc xâm lược Triều Tiên và Trung Quốc mà không toan tính kĩ là không hợp lí.

Suy đoán thứ hai “có lẽ bởi vì thiếu đất đai”

Một giả thuyết khác được đề cập đến là vì Hideyoshi muốn có thêm đất đai để ban thưởng cho các gia thần nên mới đem quân ra nước ngoài. Tôi thì không cho rằng Hideyoshi là người quan tâm đến gia thần của mình đến mức như vậy.

Đúng là nếu không ban thưởng một cách công bằng cho các gia thần thì chính quyền của Hideyoshi cũng có khó lòng mà yên ổn được. Nhưng nếu đã như vậy thì chẳng thà ngay từ đầu, dồn toàn lực khuất phục Tokugawa Ieyasu. Vừa tiêu diệt được kẻ thù, lại ổn định được chính quyền, một mũi tên trúng hai đích.

Thêm vào đó, tầng lớp võ sĩ Nhật Bản không có bất kì kiến thức lẫn kinh nghiệm nào trong việc bình định và thống trị một vùng đất mà họ không hiểu được tiếng nói của người bản địa. Cho dù ban thưởng cho họ một lãnh thổ nằm ở bên kia của biển Nhật Bản, họ cũng không biết phải cai trị như thế nào. Đa phần đội bóng chày của những trường cấp ba lần đầu dự Koshien đều thất bại ở trận mở màn. Không phải là do thực lực yếu kém, mà bởi vì khác với những trường thường xuyên dự giải, họ chưa có kinh nghiệm tích lũy tại đấu trường Koshien.

Sở dĩ các dân tộc phương Bắc như Mông Cổ hay Mãn Châu thống trị được Trung Quốc là nhờ những kinh nghiệm chinh chiến và kiến thức học hỏi được trong suốt chiều dài lịch sử. Trong khi đó tầng lớp võ sĩ Nhật Bản, không những không có đủ kiến thức cai trị, mà còn chưa từng có kinh nghiệm chiến đấu ở nước ngoài. Những người như vậy, lại muốn vượt biển, xâm chiếm lãnh thổ Trung Quốc? Việc Hideyoshi ấp ủ một kế hoạch viển vông như vậy là hoàn toàn không thể tưởng tượng được.

Suy đoán thứ ba “có lẽ là vì muốn chiếm đoạt những lợi ích giao thương trên biển Hoa Đông”

Rút cục thì tại sao Hideyoshi lại đem quân xâm lược Triều Tiên? Câu trả lời có lẽ vì những lợi ích giao thương trên biển Hoa Đông. Đây là kết luận của giáo sư Hirakawa Arata, nhà nghiên cứu sử học, giáo sư danh dự của đại học Tohoku. Đây cũng là lời giải thích mà tôi thấy đồng tình nhất.

Thời bấy giờ cũng chính là “thời đại khám phá”. Tàu thuyền từ các quốc gia châu Âu đã đến tận biển Hoa Đông, thực hiện các giao dịch buôn bán. Hideyoshi có lẽ cũng có cùng quan điểm với chủ nhân cũ của mình là Oda Nobunaga, đó chính là mong muốn giành lấy quyền chủ đạo trong các giao dịch này.

Một trong những bằng chứng để củng cố giả thuyết này có thể kể đến là Hideyoshi vốn là người coi trọng kinh tế hơn đất đai. Hideyoshi đã ban cho Ieyasu lãnh thổ với 250 vạn thạch nhưng bản thân lãnh thổ của mình chỉ có 220 vạn thạch. Đổi lại, ông sỡ hửu toàn bộ các hải cảng, mỏ vàng, mỏ bạc trên toàn nước Nhật. Hideyoshi hiểu rõ được tầm quan trọng của đồng tiền. Nói cách khác, ông có tầm nhìn kinh tế cũng giống như cách mà Mạc phủ Muromachi đã từng thực hiện giao dịch với nước Minh trước đây.

Từ đó có thể thấy được Hideyoshi rất quan tâm đến việc giao dịch với người Nam Man cũng như người Châu Âu. Và ông muốn nắm được quyền chủ đạo trong các giao dịch này. Nhưng sự thất bại ngay từ đầu trong việc đàm phán với các đối tác ngoại quốc cuối cùng đã dẫn đến kết quả là việc xuất quân đến Triều Tiên.

Vượt biển Genkai, với các yếu tố bất ngờ, quân Nhật dễ dàng tiến được tới tận phía Bắc của bán đảo Triều Tiên. Nhưng cũng tại đó, viện quân của nhà Minh tới từ Trung Quốc bắt đầu xuất hiện. Những tưởng quân đội của của đất nước toàn những gã quý tộc sẽ rất yếu đuối nhưng không ngờ đội quân được cử tới giúp Triều Tiên lại là lực lượng hùng mạnh từng có kinh nghiệm chinh chiến với các dân tộc phương Bắc.

Quân Nhật không còn dễ dàng thắng thế như trước, và rơi vào tình trạng giằng co. Cùng lúc đó, dân chúng Triều Tiên đồng loạt nổi dậy, khiến Nhật Bản không thể duy trì được đường tiếp vận lương thực. Cứ như thế quân Nhật như thể bị lún sâu vào đầm lầy, mà không thoát ra được. Cuộc chiến tranh bắt đầu trong tình thế quân Nhật phải chinh phục một vùng đất họ không hề nắm rõ, lại không có một chút kinh nghiệm nào, nên những thiếu sót trong yếu tố hậu cần xuất hiện là điều không tránh khỏi.

Mục đích không rõ ràng

Xâm lược Triều Tiên hoàn toàn khác với việc bình định Kyushu và Kanto. Việc khai chiến mà không xem xét kĩ hoàn cảnh khi đó là thất bại toàn diện của Hideyoshi.

Ngay từ đầu Hiyoshi đã không thể nêu lên được mục đích rõ ràng, cuộc chiến tranh với Triều Tiên là vì lẽ gì. Các vị tướng dẫn quân vượt biển tấn công bán đảo Triều Tiên có lẽ trong lòng cũng tự hỏi rút cục thì mình phải làm gì mới đúng.

Nếu là Hideyoshi của trước đây, ngay khi nhận ra những dấu hiệu không ổn, sẽ ngay lập tức cho rút quân. Nhưng Hideyoshi của hiện tại, có lẽ là bởi sự ngạo mạn và cái tôi quá lớn của người nắm quyền tối cao, đã không cho phép bản thân mình đưa ra quyết định như vậy.

Ngay cả khi tiến hành giảng hòa với nước Minh, Hideyoshi tưởng rằng sẽ nhận được quyền lợi nào đó, nhưng những gì nhận lại từ phía nhà Minh chỉ là chỉ dụ “phong cho nhà người làm quốc vương của Nhật Bản”. Cho rằng vị trí của mình hiện tại đương nhiên chẳng khác gì Thiên Hoàng, nên phong thưởng như vậy cũng bằng không, Hideyoshi nổi cơn thịnh nộ, để rồi một lần nữa lại ra lệnh xuất quân đến Triều Tiên. Lúc này, Hideyoshi cư xử như thể ông đã trở thành một con người hoàn toàn khác.

Kết cục là cho đến tận ngày nay chúng ta vẫn chưa có được câu trả lời rõ ràng về lí do của sự kiện xâm lược Triều Tiên. Những nghiên cứu vẫn tiếp tục được tiến hành, nhưng còn gặp nhiều khó khăn do sự nhạy cảm trong các vấn đề chính trị giữa hai nước trong thời điểm hiện tại.

Nguồn: https://toyokeizai.net/articles/-/417735


Discover more from Những nẻo đường Phù Tang

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply