Đi tìm sự thật về Ninja

Ninja, nhân vật thường xuất hiện trong phim ảnh và hoạt hình, không chỉ được yêu thích rộng rãi ở Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều điều kì bí xoay quanh hình tượng này. Nhờ quá trình nghiên cứu những năm gần đây, cuối cùng bức màn bí ẩn, sự thật về Ninja đã được hé lộ.

Hình tượng Ninja được tạo ra

Ninja ngày nay được yêu thích không chỉ ở Nhật Bản mà trên toàn thế giới thông qua phim ảnh, hoạt hình, và tiểu thuyết. Nhắc đến Ninja hẳn các bạn sẽ nghĩ đến một nhân vật khoác lên mình một bộ trang phục toàn màu đen, sỡ hữu năng lực phi thường, có khả năng vượt qua tường cao, chiến đấu với kẻ địch bằng cách phóng phi tiêu (shuriken), rồi bỗng nhiên biến mất không một vết tích.

Nhưng hình tượng Ninja như thế này thực ra là do người đời sau tự tạo ra. Ninja là tên gọi được định hình từ nửa sau những năm 1950, nhờ sự lan tỏa rộng rãi của các tác phẩm phim ảnh, truyện tranh và tiểu thuyết thời đại. Tồn tại cả những tên gọi khác như “Rappa” hay “Suppa”. Thông thường “Shinobi” là từ hay được sử dụng (Shinobi chữ Hán là Nhẫn, là một trong hai chữ Hán tạo nên từ Ninja, chữ Hán là Nhẫn Giả). Nhiệm vụ của một Ninja thường là hành động một cách bí mật bằng cách sử dụng các thủ thuật, nên dẫn đến lẽ tất yếu là có nhiều bí ẩn xoay quanh hình tượng này do không có nhiều sử liệu được ghi lại. Những năm gần đây, nhờ những tiến triển trong quá trình nghiên cứu, cuối cùng một phần sự thật về Ninja đã được làm sáng tỏ.

Poster của bộ phim về Ninja nổi tiếng vào những năm 1960 “Shinobi no mono”, được trưng bày tại bảo tàng Igaryū tại thành phố Iga, tỉnh Mie

Nghiên cứu về Ninja, tìm kiếm lời giải ở Iga và Koka

Hai địa danh nổi tiếng được cho là quê hương của Ninja, là Iga (thành phố Iga, tỉnh Mie) và Koka (thành phố Koka, tỉnh Shiga). Iga nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Mie, Koka nằm ở cực nam của tỉnh Shiga, cả hai khu vực tiếp giáp với nhau, và được phân cách bởi những ngọn núi. Iga và Koka cách nhau khoảng 20 đến 30km, khoảng cách mà đi bộ mất chừng nửa ngày đường.

Đại học quốc lập Mie, nằm ở thành phố Tsu, nơi tiếp giáp với phía đông của thành phố Iga, đã chính thức tiến hành nghiên cứu một cách nghiêm túc về Ninja từ năm 2012, trong nỗ lực tái xây dựng và phát triển địa phương nhờ văn hóa Ninja ở Iga. Giáo sư Yamada Yuji của khoa nhân văn học, là một trong những người giữ vai trò trung tâm trong việc làm sáng tỏ chân tướng của Ninja dưới góc nhìn sử học. Ông cho biết:

“Đầu mối về Ninja nằm trong những cuốn Ninjutsu (nhẫn thuật), hầu như chỉ có thể tìm thấy ở Iga và Koka. Do đó, để tìm hiểu về Ninja chúng ta cần tập trung tìm kiếm manh mối ở hai khu vực này”.

Mt cuốn Ninjutsu được trưng bày tại Kōka Ninja House

Không phải đối thủ mà là bằng hữu thân thiết

Việc tuyển mộ người dân địa phương khi xảy ra giao tranh vào thời Chiến Quốc (Sengoku), thường được xem là điểm khởi nguồn của Ninja. Nhưng những Ninja của Koka lại bắt nguồn từ sự hình thành của tổ chức tự trị bao gồm những người dân chống đối lại chế độ Shoen (một dạng lãnh địa tư tại địa phương). Nguồn gốc của Ninja Koka bị xem là băng đảng chống đối được sinh ra từ những xung đột và mâu thuẫn với chủ đất liên quan đến Shoen.

Cả Iga và Koka, đều nằm gần Kyoto, nên dễ nắm được thông tin tình hình mới nhất của kinh đô. Ngược lại, hai vùng đất này được bao bọc bởi núi, thông tin nội bộ khó lọt được ra ngoài, là địa điểm thích hợp cho hoạt động tình báo. Cuộc sống sinh hoạt với nhiều khó khăn ở núi rừng lại là môi trường thích hợp cho các Ninja rèn luyện thân thể. Bên cạnh đó, sự thống trị có phần yếu ớt của các lãnh chúa địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc củng cố vững chắc tổ chức tự trị.

Ninja của Koga và Ika thường được mô tả là những kẻ thù truyền kiếp trong truyện tranh và tiểu thuyết, nhưng sự thực là họ có mối quan hệ rất khăng khít. Mối quan hệ này còn được biết đến với cụm từ “Giáp Y Nhất Quốc” (Giáp là chữ Ko甲 trong Koka甲賀- Giáp Hạ, Y là chữ I伊trong Iga 伊賀- Y Hạ, Giáp Y Nhất Quốc – 甲伊一国, ý nói là Koka và Iga là một đất nước). Hai tổ chức thậm chí còn được gắn kết bởi các cuộc hôn nhân, cũng như thường xuyên tiến hành trao đổi thông tin. Năm 1579, khi con trai của Oda Nobunaga là Nobukatsu xâm lược Iga, tạo ra biến loạn Tenshō Iga no Ran, các Ninja nơi đây đã sử dụng Kajutsu (hỏa thuật, kĩ thuật gây cháy nổ), và các cuộc tập kích ban đêm để kháng cự lại. “Trong trận chiến này, tất nhiên các Ninja từ Koka cũng sát cánh với Iga”, giáo sư Yamada cho biết.

Năm 1582, khi nhận được tin cấp báo về biến cố chùa Honnoji (sự kiện Akechi Mitsuhide hạ sát chủ nhân của mình là Oda Nobunaga), Tokugawa Ieyasu lúc này đang có mặt tại Sakai (phía Nam thành phố Osaka, gần vịnh Osaka), dưới sự bảo vệ của các Ninja của Iga và Koka, đã tức tốc vượt đường núi tại Iga, về lại căn cứ chính nằm tại Mikawa bình yên vô sự. Sau sự việc này, Ieyasu đánh giá rất cao công lao của các Ninja, và tiếp tục sử dụng họ dưới trướng của mình, trong vai trò phòng vệ thành Edo. Chiến công của Ninja vang xa, đến tai các lãnh chúa khác, nên dần dần Ninja được tuyển mộ dưới vai trò người hộ vệ. Đó cũng là lí do tại sao có rất nhiều địa danh gắn liền với tên tuổi của các Ninja tới từ Iga và Koka tại khắp các địa phương trên toàn nước Nhật.

Du khách có thể trải nghiệm vượt tường theo phong cách Ninja tại Kōka Ninja Village

Ninja không chiến đấu

Theo giáo sư Yamada, “người dân tại Iga và Koka làm những công việc gia đình như đồng áng vào buổi sáng. Sau đó vào buổi chiều, họ tập trung lại, luyện tập và chuẩn bị cho các nhiệm vụ của Ninja”.

Sứ mệnh lớn nhất của Ninja là thu thập thông tin của kẻ địch và thông báo lại cho chủ nhân. Để có thể làm được như vậy, họ cần phải tránh những cuộc giao tranh khốc liệt, tìm mọi cách sống sót để quay trở về. Một khi đã bước chân vào lãnh địa của kẻ địch, không thể biết được khi nào sẽ bị tấn công, cũng như không thể nói trước được chuyện gì sẽ xảy ra. Do đó, những bài tập rèn luyện thường ngày của Ninja không phải là về năng lực chiến đấu để hạ gục đối phương, mà tập trung vào nâng cao khả năng phòng bị, lẩn tránh, và tẩu thoát khỏi kẻ địch.

Ninja không chỉ tăng cường sức mạnh thể chất, khả năng chịu đựng, mà còn triệt để rèn luyện phương pháp hít thở, và cách sử dụng thân thể để phát huy tối đa năng lực vận động. Ngoài ra những Ninja thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm còn phải chuẩn bị cho mình một tinh thần vững chắc. Nhờ những nỗ lực rèn luyện thường ngày, Ninja có được tâm thế linh hoạt, có khả năng tùy cơ ứng biến, một trái tim không lay động dù ở trong bất kì hoàn cảnh nào.

phi tiêu Shuriken thường hiếm khi được sử dụng trong thực chiến. Ảnh được chụp lại từ trải nghiệm ném phi tiêu tại  Kōka Ninja Village

Những hoạt động của Ninja còn được hỗ trợ bởi sự tò mò và sự khéo léo. Cùng với việc mài giũa kĩ năng, họ còn học hỏi bằng việc tập hợp lại nhiều thông tin. Những kĩ thuật mà Ninja sáng tạo ra còn được gọi là nghệ thuật sinh tồn. Trong số đó, nhiều kĩ thuật khai thác điểm mù của đối phường bằng cách lợi dụng tâm lý của con người một cách khéo léo. Kĩ thuật ẩn thân (ongyoujutsu) là một ví dụ tiêu biểu, đây là bí quyết tấn công vào điểm mù mang tính tâm lý để biến mất khỏi tầm nhìn của đối thủ.

“Các Ninja của Iga và Koka rất am hiểu về dược phẩm và thuốc súng. Vì gần với Kyoto, các Ninja dễ dàng thu thập được kiến thức về súng ống, bên cạnh đó họ cũng học được các kiến thức về các loại thuốc trong y học từ các nhà sư tu hành trên núi. Họ còn là những người giàu lòng hiếu học, thông qua việc tìm hiểu các văn tự của Phật giáo. Các Ninja được cho là đã từng thực hiện đi thực hiện lại rất nhiều lần các thử nghiệm, do họ nắm rõ việc thay đổi thành phần và nguyên liệu của thuốc súng sẽ cho ra các kết quả khác nhau. Nhờ đó, Ninja đã sáng tạo ra các công cụ trên cơ sở khoa học, như ngọn đuốc có khả năng kháng lại gió, hay lửa ám hiệu có khói bay thẳng lên không trung” – Giáo sư Yamada.

Trang phục và công cụ của Ninja với rất nhiều tính năng. Ảnh được chụp tại Ninja Museum of Igaryū

Vận dụng tinh thần của Ninja vào cuộc sống ngày nay

Để hoàn thành nhiệm vụ báo cáo thông tin lại cho chủ nhân, Ninja bằng mọi giá phải tìm cách sống sót để trở về. Giáo sư Yamada cho rằng Ninja không phải là những siêu anh hùng tự hào về sức mạnh hơn người, mà là những người có sức mạnh để tồn tại, hay được rèn luyện để có khả năng sinh tồn. Đây là sự thực được làm sáng tỏ từ quá trình nghiên cứu về Ninja.

“Thế giới đã trở nên quá tiện lợi. Nếu cứ tiếp tục như thế này, có lẽ đến một lúc nào đó con người chẳng thể tự mình làm được việc gì nữa. Ninja đã cho chúng ta thấy hình ảnh của những con người cần cù chăm chỉ, luôn nhẫn nại vượt qua nghịch cảnh, tìm cách sống sót trong bất kì hoàn cảnh nào. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều điều mà những người thiếu sức sống ở thời hiện đại có thể học hỏi được từ họ” – Giáo sư Yamada.

Ảnh chụp tại Ninja Museum of Igaryū

Nguồn: https://www.nippon.com/ja/views/b02325/?cx_recs_click=true


Discover more from Những nẻo đường Phù Tang

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply