Vì đâu Tokugawa Ieyasu chọn vùng đất thôn dã Edo làm căn cứ chính.

Năm 1590, Tokugawa Ieyasu nhận được lệnh chuyển về Kanto từ Toyotomi Hideyoshi, người đứng đầu thiên hạ thời bấy giờ. Tại Kanto lúc này, có hai ứng cử viên cho vị trí căn cứ chính, nơi đáp ứng đầy đủ vai trò của một đô thị là Odawara và Kamakura. Nhưng sự thực là Ieyasu lại lựa chọn Edo. Tại sao Ieyasu lại chọn một vùng đất mà đương thời chỉ toàn những ngôi làng xa xôi cách trở như Edo làm trung tâm cai trị lãnh địa của mình. Bài viết dưới đây là câu trả lời của tác giả Arata Harumasa, được trích và biên soạn lại một phần từ cuốn sách “Quan điểm mới về lịch sử Nhật Bản! Lời đáp chân thực cho những hoài nghi và bí ẩn”.

Toyotomi Hideyoshi, hoàn thành đại nghiệp thống nhất thiên hạ, sau khi đánh bại nhà Hojo của Odawara vào tháng 7 năm Thiên Chính thứ 18 (1590). Lúc này, Hideyoshi đã đưa ra mệnh lệnh chuyển về Kanto với Tokugawa Ieyasu, người cùng tham gia vào chiến dịch chinh phạt Hojo, như sau.

“Ta ban Kanto cho ngài, đổi lại ngài hãy giao toàn bộ lãnh địa hiện thời lại cho ta. Vùng đất Odawara này là vùng đất trọng yếu đối với việc cai trị Đông Quốc (Kanto), hãy gửi gắm cho một gia thần mà ngài tin tưởng. Còn ngài hãy xây dựng thành trì chính của mình tại Edo”.

Ieyasu hẳn đã vô cùng ngạc nhiên khi nghe những lời này. Bởi Edo, so với Mikawa và Tōtōmi, căn cứ hiện thời của Ieyasu, cách xa trung tâm chính trị kinh tế thời bấy giờ là Kyoto, Osaka. Không những vậy Edo lúc này chỉ là một vùng đất ẩm thấp chưa được khai phá, đâu đâu cũng chỉ toàn lau sậy mọc um tùm, đôi chỗ điểm xuyết một vài làng chài thâm sơn cùng cốc.

Thời điểm này, mệnh lệnh của Hideyoshi được cho là không quá cứng nhắc. Ieyasu hoàn toàn có thể đặt căn cứ chính của mình tại Odawara hoặc Kamakura. Nhưng Ieyasu lại chẳng để mắt đến hai vùng đất này, nơi có đầy đủ chức năng của một đô thị, mà lại làm theo đúng như lời của Hideyoshi, chuyển căn cứ của mình về Edo.

Rút cục tại sao Ieyasu lại đưa ra lựa chọn như vậy? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về bí ẩn này.

Chuyển về Edo, lựa chọn khiến các gia thần cũng phải ngạc nhiên

Khi nhận được lệnh chuyển về Kanto của Toyotomi Hideyoshi, Ieyasu lúc này đang là một lãnh chúa đầy quyền lực, sở hữu năm nước, Mikawa, Tōtōmi, Suruga, Shinano, Kai. Hideyoshi cứ thế nuốt trọn năm vùng đất này, đổi lại Ieyasu được ban cho lãnh địa cũ của nhà Hojo là khu vực Kanto, bao gồm tám nước (Musashi, Izu, Sagami, Kōzuke, Kazusa, Shimōsa, Shimotsuke, Hitachi).

Nếu chỉ xét về sản lượng gạo, từ lãnh địa cũ với 150 vạn thạch, Ieyasu đã nhận được lãnh địa mới với 250 vạn thạch, một mức tăng đáng kể. Cũng có thể xem là không có gì để mất mặt. Nhưng có một sự thật không thể phủ nhận đó là Ieyasu đã bị đẩy ra xa khỏi trung tâm (thời bấy giờ kinh đô đặt tại Kyoto), do đó mà tầm ảnh hưởng bị giảm sút.

Hideyoshi tìm cách khiến Ieyasu cách xa khỏi mình không có nguyên do nào khác ngoài việc lo sợ một ngày kẻ địch hùng mạnh này sẽ lợi dùng sơ hở để loại bỏ mình. Có lẽ bằng cách đẩy kẻ địch nguy hiểm ra xa hết mức có thể, Hideyoshi muốn nhân cơ hội đó củng cố vững chắc chính quyền của mình.

Khi được lệnh chuyển về Kanto, đa phần các gia thần của Ieyasu đinh ninh rằng lãnh chúa của mình sẽ lựa chọn Odawara hoặc Kamakura. Odawara, căn cứ cũ của nhà Hojo, là một vùng đất hưng thịnh trong suốt một thời gian dài. Chiến dịch chinh phạt Hojo lần này lại hầu như không hề gây tổn hại gì đến thành Odawara, nên đây có thể xem là một điểm đáng cân nhắc.

Mặt khác, Kamakura vốn là nơi Mạc phủ Kamakura được khai sinh, được xem là thánh địa đối với tầng lớp võ sĩ. Trong khi các gia thần đang dành hết sự quan tâm vào việc Odawara hay Kamakura sẽ được chọn lựa, bất ngờ thay, Ieyasu lại chọn Edo.

Lúc này, không một ai là không ngỡ ngàng với quyết định của Ieyasu. Một gia thần đã viết lại trong cuốn “Văn kiến tập” như sau “tại sao lại chuyển đến một nơi như vậy, ai ai cũng sững sỡ”.

Như đã nói ở phần trước, Edo thời bấy giờ là vùng đất vô cùng xa xôi với nhiều khu vực ẩm thấp. Mọi người đều cho rằng xây dựng thành trì và đô thị trên một vùng đất như vậy là một công việc rất khó khăn.

Nhưng Ieyasu nghĩ khác. Odawara cũng như Kamakura, được bao bọc bởi các ngọn núi, dễ phòng thủ khó tấn công, nhưng mặt trái là sự cản trở đối với quá trình phát triển đô thị. Về điểm này, Edo lại có ưu thế, khi nằm ở vị trí trung tâm của đồng bằng Kanto, có mặt hướng ra biển, đồng thời cũng là điểm kết của rất nhiều các nhánh sông ở Kanto.

Không một vùng đất nào có điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển vật tư như thế này. Chưa cần nhìn đến sự phát triển của Osaka, Ieyasu, người luôn xem sự lưu thông của hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của đô thị, cho rằng chỉ cần khắc phục triệt để được tình trạng lũ lụt tồi tệ diễn ra hết lần này đến lần khác do các con sông nơi đây gây ra, việc chuyển đến Edo sẽ là một tính toán thành công.  

Với kế hoạch đã định sẵn trong đầu như vậy, Ieyasu sau khi tiến vào Edo, liền bắt tay trước tiên vào công việc cải tạo lại tòa thành Edo tồi tàn. Thủy lộ được tạo ra từ thành Edo cho đến vịnh Edo, những vật tư thiết yếu cho việc xây dựng được vận chuyển bằng con đường này.

Đồng thời để xây dựng khu vực đô thị xung quanh thành Edo, Ieyasu đã cho lấy đất lấp biển, vốn ăn sâu đến tận khu vực ngày nay là Hoàng Cung của Hoàng gia Nhật Bản. Đất được lấy từ việc xẻ núi Kanda, nằm ở cực Nam của Surugadai (khu vực phía Bắc của quận Chiyoda, Tokyo hiện nay). Lúc này, vùng đất được hình thành từ việc lấp đất là khu vực công viên Hibiya và Shinbashi ở thời điểm hiện tại.

Năm Văn Lộc thứ 3 (1594), Ieyasu cho tiến hành công trình đổi dòng sông Tone, con sông thường xuyên gây ra nạn lũ lụt cho Edo đương thời. Bấy giờ, việc đổi dòng sông Tone vốn đổ ra vịnh Edo, sang Choshi, nơi hướng ra Thái Bình Dương, là công trình có quy mô lớn chưa từng thấy, phải mất đến 31 năm mới hoàn thành.

Công trình đổi dòng sông Tone có ý nghĩa to lớn với Edo về mặt phòng chống thiệt hại của lũ lụt, đồng thời biến một vùng đất ẩm thấp thành một vùng đất thích hợp cho canh tác nông nghiệp. Không những vậy, nhờ việc sông Tone kết nối trực tiếp với cả Edo và Thái Bình Dương, con sông còn đem lại lợi thế trong vai trò là tuyến đường thủy huyết mạch với chức năng vận chuyển hàng hóa.

Lựa chọn Edo làm căn cứ là một quyết định chính xác

Năm Khánh Trường thứ 5 (1600), sau khi giành thắng lợi tại trận Sekigahara, Ieyasu lệnh cho các lãnh chúa trên cả nước phải tham gia vào công cuộc xây dựng sửa sang lại cơ sở hạ tầng tại Edo, như cải tạo sông ngòi, hệ thống cung cấp nước, hệ thống kênh đào.

Có ý kiến cho rằng đây là ý đồ của Ieyasu nhằm làm tiêu hao năng lực tài chính của các lãnh chúa địa phương. Trong khi đó, các lãnh chúa vì muốn thể hiện lòng trung thành của mình đối với bề trên, đã dốc lòng đến mức không quản cả cái chết để hoàn thành công trình.

Cứ như thế, khi quá trình đô thị hóa của Edo đang tiếp tục tiến triển thuận lợi, năm Nguyên Hòa thứ 2 (1616), Ieyasu từ giã cõi đời. Có lẽ trong những năm cuối đời, Ieyasu đã mãn nguyện khi nhớ đến quyết định chuyển đến Edo của mình, quyết định mà ông đặt tầm nhìn cho tận 100, 200 năm sau này.

Nguồn bài viết:

https://toyokeizai.net/articles/-/411934?display=b

Ảnh:

http://www5e.biglobe.ne.jp/~komichan/tanbou/edo/edo_Pre_8.html

http://www.minumatanbo-saitama.jp/outline/minumadaiyousui.htm


Discover more from Những nẻo đường Phù Tang

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply