Ý nghĩa màu sắc trong văn hóa truyền thống Nhật Bản

Màu sắc và ý nghĩa của chúng có thể cho chúng ta thấy cả một nền văn hóa, lịch sử và tín ngưỡng của một đất nước. Nhật Bản vốn là một quốc gia có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, vậy màu sắc có ý nghĩa thế nào trong văn hóa Nhật Bản?

Ao (青-màu lam) trước đây cũng để chỉ màu lục

Ngày nay ao (青) có nghĩa là xanh biển, xanh lam, nhưng rất lâu trước đây nó còn được dùng để chỉ màu xanh lục, và không có khác biệt nào cả. Sau này thì từ midori (緑) được sử dụng rộng tãi để chỉ màu xanh lá cây, xanh lục. Tuy nhiên, việc sử dụng ao vẫn còn lưu lại nhiều dấu vết trong từ vựng tiếng Nhật. Ví dụ: aoba (lá xanh), hay aoume (mơ xanh). Thậm chí đèn giao thông màu xanh cũng được gọi là ao shingo (tín hiệu xanh biển) trong tiếng Nhật.

Điều này có vẻ khá tương đồng với cách người Việt Nam gọi tắt cả hai màu lục và lam là màu xanh.

Nhìn chung, cũng giống như nhiều ngôn ngữ khác, xanh lục thường có liên hệ với thiên nhiên cũng như cảm giác yên bình và thanh tĩnh.

Một trong những sắc xanh lục truyền thống của người Nhật được gọi là matcha iro, có nghĩa là màu của trà xanh matcha. Từ thế kỷ 13, tại Nhật Bản đã rất thịnh hành việc tổ chức tiệc trà, và cho đến thế kỷ 15 thì trà đạo được sinh ra và được tầng lớp võ sĩ samurai thưởng thức. Điều này kéo theo một phong cách thẩm mỹ riêng, được phản ánh qua các loại trà cụ như tách trà, ấm nước, với màu sắc và thiết kế nhằm tôn lên màu xanh của matcha.

Màu tím trước đây chỉ có tầng lớp quý tộc được sử dụng

Màu tím được gọi là murasaki (紫) trong tiếng Nhật.

Trong một quãng thời gian dài, tầng lớp thường dân không được phép sử dụng màu tím.Màu tím cũng từng rất hiếm do độ phức tạp và mất thời gian để tạo ra. Màu tím cũng rất đắt đỏ, cần được chiết xuất từ cỏ shigusa, cũng là một loại cỏ khó trồng. Ngoài ra, nhuộm được ra màu tím cũng rất tốn công.

Trong thời Nara tức khoảng 1400 năm trước, chỉ có tầng lớp quan lại cấp cao hoặc hoàng tộc được mặc màu tím kể từ năm 604, thời gian khi chế độ 12 cấp quan lại (冠位十二階) được áp dụng. Đến khi đạo Phật du nhập vào Nhật Bản, các nhà sư được trọng vọng cũng có thể mặc màu tím. Trong các vở kịch Noh, màu tím và trắng thường được sử dụng cho các vai diễn của thần linh và Thiên hoàng. Các nhân vật khác sẽ không mặc đồ có sắc tím.

Cho đến thời Heian (794-1185), hoa tử đằng được coi là biểu trưng cho màu tím. Vào giữa thời Heian, gia tộc Fujiwara đưa ra chế độ cầm quyền bởi tầng lớp hoàng tộc. Chữ fuji trong họ Fujiwara chính là hoa tử đằng, và màu tím lại lần nữa trở này biểu tượng của tầng lớp cầm quyền. Đến thời Edo (1603-1868), gia tộc nắm quyền là Tokugawa với gia huy là hoa, và màu tím vẫn duy trì ý nghĩa quý tộc.

Vở Hoa của Edo, tranh Kunisada Utagawa

Tuy nhiên, màu tím trở nên thịnh hành hơn và được tầng lớp thường dân đón nhận. Người dân thường vẫn bị cấm mặc màu sắc lòe loẹt, do vậy quần áo của họ thường có màu nâu, tuy nhiên họ sẽ lách luật bằng việc thêm vào những đường màu sắc. Vào thời kỳ này, các diễn viên kịch kabuki là những người tiên phong về thời trang, Danjuro Ichikawa, một ngôi sao sân khẩu thời điểm đó, đã đeo một dải khăn màu tím trên đầu trong vở kịch nổi tiếng “Hoa của Edo”, mở ra trào lưu thời trang ưa chuộng màu tím.

Màu đỏ có ý nghĩa bảo vệ và quyền lực

Màu đỏ là aka (赤) trong tiếng Nhật.

Lịch sử của màu đỏ bắt nguồn từ thời cổ đại. Đồ gốm và đồ gỗ cổ nhất của Nhật Bản được tạo ra trong thời kỳ này, và được sơn với loại sơn mài tên là sekishitsu. Tại các khu cổ mộ Kofun, có nhiều bức tranh có màu đỏ được tạo ra từ ôxit sắt. Màu đỏ mang ý nghĩa bảo vệ thân xác khỏi sức mạnh quỷ dữ.

Màu đỏ phổ biến ở Nhật Bản là sắc đỏ của cánh cổng torii của đền thờ Thần đạo. Sắc đỏ này có tên là akani. Mỗi ngôi đền sẽ có một sắc đỏ hơi khác một chút, nhưng màu đỏ akani bảo vệ cây cột khỏi rỉ sét nhờ chu sa (một hợp chất thủy ngân) tạo ra sắc đỏ, và cũng là để bảo vệ khỏi quỷ dữ và thiên tai. Màu đỏ được coi là sẽ tăng sức mạnh của thần linh trong Thần đạo.

Trong cuộc nội chiến Nhật Bản (1467-1568), màu đỏ được giới samurai yêu thích và mặc trên người như một biểu tượng sức mạnh và quyền lực khi ra trận. Màu đỏ cũng được sử dụng để trang điểm tại Nhật Bản rất lâu trước khi son môi trở nên phổ biến. Phụ nữ quý tộc thường sử dụng hồng hoa làm nền cho son môi, và loại hoa này vẫn được nuôi trồng ngày nay để sản xuất son môi truyền thống và giữ gìn nét đẹp của phụ nữ Nhật Bản.

Màu trắng vốn là màu tang

Màu trắng là shiro (白) trong tiếng Nhật.

Kể từ thời cổ đại, màu trắng được coi là biểu tượng của sự tinh khiết trong văn hóa Nhật Bản – một điểm giống với nhiều nền văn hóa khác. Màu trắng được cho là có kết nối chặt chẽ với thế giới tâm linh. Ngay cả ngày nay, tu sĩ Thần đạo và các miko hầu hết đều mặc màu trắng.

Trước đây người ta mặc màu trắng trong các lễ tang hoặc trong thời gian để tang. Các samurai sẽ mặc trang phục nghi lễ màu trắng nếu thực hiện seppuku (mổ bụng tự sát). Ngoài ra, người ta hầu như không mặc màu trắng trong các dịp khác. Chỉ đến khi nước Nhật mở cửa thời Minh Trị (1868-1912), do ảnh hưởng của phương Tây, người dân mới bắt đầu mặc màu trắng trong đời sống hàng ngày, và màu đen trở thành màu được sử dụng khi có tang sự.

Phụ nữ từng nhuộm răng đen

Màu đen là kuro (黒) trong tiếng Nhật.

Trái ngược với sự bài xích hình xăm vào thời nay, người Nhật cổ đã từng xăm mình với màu đen. Ngư dân xăm hình dã điểu hay hải ngư để bảo vệ bản thân trước quỷ dữ. Từ thời Nara, hình xăm được dùng để đánh dấu phạm nhân, kể từ đó hình xăm có ý nghĩa xấu và chỉ được các băng nhóm tội phạm sử dụng. Tuy nhiên, ở một số nơi trên Nhật Bản, ngư dân vẫn có tục xăm mình.

Màu đen ở vị thế trái ngược với màu tím: trong 12 cấp quan lại, màu đen dành cho 2 cấp cuối cùng. Tuy nhiên, tầng lớp võ sĩ ưa chuộng màu đen bóng lấp lánh trên vũ khí và trang phục chiến đấu.

Màu đen cũng được sử dụng để trang điểm từ thời cổ đại. Ở các nước khác, màu đen dùng để tô lông mày, tuy nhiên ở Nhật Bản có phong tục o-haguro, tục nhuộm răng đen. Hàm răng đen tuyền được cho là đẹp mắt. Phong tục nhuộm răng đen bằng sắt và dấm nhằm bảo vệ tránh sâu răng kéo dài đến tận cuối thời Meiji. Ngày nay ít người còn nhuộm răng đen, ngoại trừ geisha vào một số dịp hoặc người dân ở nông thôn khi có tang sự.

Màu đen cũng là một màu quan trọng trong hội họa của Nhật Bản, ví dụ như thư pháp, và loại hình hội họa vẽ bằng than: sumi-e, một loại hình mà họa sỹ sử dụng nhiều sắc đen khác nhau để tạo nên bức họa tuyệt đẹp.

Màu chàm (lam Nhật Bản)

Màu chàm (màu lam Nhật Bản) có tên là ai (藍).

Màu chàm này phổ biến ở mọi nơi trong thời Minh Trị: kimono, giường chiếu, khăn tay, rèm Nhật, vân vân. Điều này làm người nước ngoài hết sức ngạc nhiên và ấn tượng, họ gọi đây là màu lam Nhật Bản.

Màu chàm được tạo ra từ cây chàm lên men. Ban đầu màu sắc này được sử dụng cho tầng lớp quý tộc, cho đến thời Edo thì ai cũng có thể nhuộm vải với màu chàm. Trang phục màu chàm không chỉ thời trang, mà hợp chất của cây chàm còn giúp vải bền hơn, chống sâu bọ và chống tia cực tím. Ngày nay màu chàm vẫn được dùng nhiều ở Nhật Bản.

Kết

Màu sắc mang nhiều ý nghĩa khác nhau trong từng thời kỳ cũng như từng nền văn hóa. Tuy nhiên, màu sắc cũng giúp hình thành nên nền mỹ học và văn hóa Nhật Bản ngày nay.


Nguồn: https://kokoro-jp.com/culture/298/


Discover more from Những nẻo đường Phù Tang

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply