Cải cách kỳ thi tuyển sinh đại học địa ngục của Nhật Bản

Bộ giáo dục Nhật Bản đang tiến hành một sứ mệnh nhằm cứu vãn nền kinh tế đất nước – và nỗ lực này cũng có thể đem lại lợi ích sức khỏe tâm lý cho thanh thiếu niên.

Vào giữa tháng 1 hằng năm, khoảng nửa triệu học sinh trung học phổ thông Nhật Bản sẽ tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học tiêu chuẩn của đất nước, được gọi là Kỳ thi Trung tâm Quốc gia về Tuyển sinh Đại học. Kỳ thi này chính là đỉnh điểm của nhiều năm chuẩn bị căng thẳng bắt đầu ngay từ khi học mẫu giáo. Các bà mẹ cầu nguyện trong những ngôi đền Thần đạo chuyên phù hộ cho học hành để mong con cái thi đỗ, các em học sinh mua lật đật daruma, nhằm xua đuổi tà ma và ma quỷ, và để mang lại may mắn cho bản thân.

Tất cả đều cần một niềm tin. Phụ huynh, thí sinh đặt cược vào kỳ thi đại học cao đến mức thời điểm cuối mùa đông ở Nhật Bản được nhiều người gọi là “địa ngục thi cử”. Làm tốt bài kiểm tra là chìa khóa để được nhận vào một trường đại học hàng đầu và theo học một trường đại học như vậy là chìa khóa để đảm bảo tương lai của một người. Nếu thi đỗ vào các trường như vậy, việc học hành sẽ dễ thở hơn, và khi tốt nghiệp 4 năm sau đó, sinh viên sẽ có cơ hội rất tốt để tìm được một công việc lương cao tại một tập đoàn hoặc ban ngành chính phủ được xếp hạng hàng đầu.

Ngược lại, những sinh viên không thi đỗ vào một trường đại học hàng đầu như nguyện vọng thường sẽ đợi một năm để thi lại và cố gắng vào được trường yêu thích. Trong một năm đó, những thanh niên này, được gọi là ronin, có thể sẽ học ở một trường luyện thi. Trong lịch sử Nhật Bản thời cận đại, thuật ngữ ronin dùng để chỉ những samurai không có chủ nhân hoặc người hướng dẫn, mất địa vị xã hội và bị cấm tham gia nhiều hình thức lao động truyền thống. Sự tương đồng giữa cách sử dụng thuật ngữ hiện đại và ý nghĩa của nó trong thời cổ đại là rất đáng kể: Ở Nhật Bản, sự kỳ thị xã hội liên quan đến việc trượt đại học là rất nghiêm trọng, và kết quả là ronin thường chịu áp lực khắc nghiệt của trường luyện thi trong một năm (hoặc đôi khi là vài năm) để được vào trường lựa chọn hàng đầu của họ.

Tác động tâm lý của việc tụt hậu trong hệ thống giáo dục đại học có cấu trúc chặt chẽ của Nhật Bản có thể rất tàn khốc. Trong một phân tích năm 2014, các bác sĩ não khoa – thần kinh học Nhật Bản phát hiện ra rằng khoảng 58% ronin được khảo sát mắc chứng trầm cảm và suýt soát 20% mắc trầm cảm nặng. Các học giả đã làm rõ mối liên hệ giữa việc học căng thẳng ở trường và sức khỏe tâm lý kém ở những học sinh học nhồi nhét để thi lại đại học. Theo nghiên cứu, các ronin phải đối mặt với tình trạng mất danh tính; cảm giác thất bại do thi thử; và “lo lắng, khó chịu và thiếu kiên nhẫn” trước việc có thể thành công trong kỳ thi tiếp theo hay không.

Văn hóa thi cử đặc biệt nghiêm trọng ở Đông Á, và theo nhiều cách, nó dường như đem lại kết quả tốt. Khu vực này số học sinh có thành tích cao nhất trong số các nước phát triển: Học sinh đến từ Hàn Quốc, Thượng Hải, Việt Nam, Đài Loan và Hồng Kông thường có thành tích tốt hơn các học sinh Mỹ trong các kỳ đánh giá học tập quốc tế, một phần vì kỳ vọng cao được đặt ra cho các em từ nền văn hóa thi cử.

Nhưng nỗi ám ảnh về thành tích học tập của những đứa trẻ có nguy cơ gây nguy hiểm cho nhân tố cốt lõi của tất cả những điều trên: chính là các em học sinh. Tại Nhật Bản, nơi kỳ thi đại học được coi là dấu mốc giá trị của các em trong xã hội, nhưng cũng có thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp học tập và công việc sau này. Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT) đang lên kế hoạch cho một cuộc cải cách đầy tham vọng nhằm tìm cách chuyển đổi vai trò của đánh giá trong hệ thống tuyển sinh đại học, và xem xét lại cách thức đo lường năng khiếu và việc đào tạo học sinh đáp ứng được công việc sau này.

Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất tích cực tìm cách cải cách phương pháp tiếp cận giáo dục — cũng không phải là quốc gia duy nhất mà các kỳ thi tiêu chuẩn hóa là điểm mấu chốt trong các cuộc tranh luận xem một phương pháp đánh giá nào đó là đúng hay sai. Tại Hoa Kỳ, khi Bài kiểm tra Năng lực Học vấn (SAT) được tạo ra vào năm 1926 phỏng theo đánh giá IQ của Lục quân trong Thế chiến I, nó được quảng bá như một công cụ toàn diện, xứng đáng để đo lường trí thông minh bẩm sinh.

Theo thời gian, rõ ràng là bài kiểm tra này không mang tính tổng thể cũng như không mang tính trọng điểm, thay vào đó tạo ra một hệ thống theo đó những sinh viên có đủ tài chính để luyện thi hoặc thuê gia sư riêng sẽ hưởng lợi hơn nhiều so với các sinh viên nghèo hơn. Ngày càng có nhiều trường cao đẳng và đại học đã phát triển các chính sách không yêu cầu SAT hoặc bắt đầu nhấn mạnh hơn vào các yếu tố khác trong quyết định nhập học, và thậm chí nhiều hơn nữa đã bắt đầu chấp nhận điểm ACT — kỳ thi được cho là gắn chặt hơn với chương trình học trung học và được quảng bá tập trung hơn vào khoa. Kỳ thi SAT đã được sửa đổi toàn diện vào năm 2016 với mục đích bồi dưỡng thêm tư duy phản biện và giảm nỗi lo mà nó gây ra cho các học sinh khi thi vào đại học. Về lý thuyết, những thay đổi này đã giải quyết những lời chỉ trích hướng vào kỳ thi đó, và cũng là tấm gương để cải cách thi cử ở Nhật Bản noi theo.

Thế giới nên chú ý đến động thái ​​của Nhật Bản: Đất nước này là trường hợp đáng chú ý để nghiên cứu về những thiếu sót của một hệ thống coi trọng tài năng lý thuyết, trong đó việc học thuộc lòng được đánh giá cao hơn kỹ năng tư duy phản biện và khả năng bền bỉ, đôi khi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm lý của học sinh.

Như phân tích năm 2014 với đối tượng ronin đã chứng minh, chi phí nhân lực cho văn hóa thi cử của Đông Á là rất cao. Một nghiên cứu tương tự được công bố vào năm 2000 đã xác định tỷ lệ trầm cảm lâm sàng ở thanh thiếu niên Hàn Quốc cao hơn so với nhóm tương tự ở Mỹ, cho thấy mối liên quan trực tiếp giữa sức khỏe tâm lý kém của thanh thiếu niên Hàn Quốc và sự căng thẳng của hệ thống tuyển sinh đại học ở nước này. Và ở Trung Quốc, nơi căng thẳng do hệ thống giáo dục bắt đầu từ khi trẻ còn rất nhỏ, các nhà nghiên cứu vào năm 2010 đã chỉ ra rằng “môi trường giáo dục mang tính cạnh tranh và trừng phạt” của đất nước dẫn đến “mức độ căng thẳng cao và các triệu chứng tâm thần”, chẳng hạn như đau đầu thường xuyên và đau dạ dày ở học sinh tiểu học Trung Quốc.

Phong tục và cấu trúc của hệ thống sau phổ thông của Nhật Bản gây ra một cuộc khủng hoảng tương tự. Đất nước có một hệ thống đại học lớn, bao gồm chủ yếu là đại học tư thục và một số trường đại học công lập. Nhiều cơ sở yêu cầu sinh viên phải làm Bài kiểm tra trung tâm để nhập học bên cạnh các kỳ thi riêng của trường (có thể khiến sinh viên mất hàng chục nghìn yên, hoặc hàng trăm đô la, để thực hiện). Không giống như ở Hoa Kỳ, nơi các trường học xem xét các yếu tố khác như điểm trung bình và điểm ngoại ngữ để đưa ra quyết định tuyển sinh, con đường phổ biến nhất vào các cơ sở giáo dục sau phổ thông của Nhật Bản thường trải qua các bài kiểm tra. Mỗi trường và mỗi khoa trong trường đều có thang điểm xét tuyển riêng, có thể thay đổi theo từng năm. Trường hàng đầu của đất nước, Đại học Tokyo, xét tuyển trên thang điểm 550, được tạo thành từ điểm tối đa 110 điểm cho Bài kiểm tra trung tâm và 440 điểm cho bài kiểm tra riêng của trường.

Vì vậy, thật dễ hiểu tại sao ở Nhật Bản, cũng như ở Trung Quốc, quá trình chuẩn bị cho việc nhập học đại học bắt đầu sớm. Sự cạnh tranh xung quanh giáo dục đại học đã thúc đẩy một ngành công nghiệp nhỏ béo bở gồm các lớp học dự bị và cái gọi là trường “liên cấp”, một số trong số đó cung cấp giáo dục cho đến hết đại học (mà không cần phải tham dự thi đại học). Các chương trình này, đã trở nên phổ biến trong hai thập kỷ qua, được săn đón đến mức sẽ xét tuyển học sinh thông qua đánh giá phụ huynh bằng các cuộc phỏng vấn, và ứng viên phải thực hiện các bài đánh giá năng khiếu (thường bao gồm bài kiểm tra viết, dự án nghệ thuật, câu đố và trò chơi và các bài tập thể chất) để có thể nhập học. Kết quả là một loại “địa ngục thi cử” khác đối với những trẻ nhỏ này: Để chuẩn bị, nhiều người phải theo học tại các trường juku, tức trường luyện thi, một quá trình đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian và thường quá khả năng tài chính của hầu hết người dân trong xã hội Nhật Bản. Một số gia đình lâm vào cảnh nợ nần chỉ để trả tiền học luyện thi mẫu giáo, chi phí có thể lên tới $13,000 một năm. Con số này gần bằng một nửa thu nhập khả dụng ròng trung bình sau điều chỉnh của hộ gia đình ở Nhật Bản.

Như nghiên cứu đã chứng minh, hậu quả của văn hóa thi cử này đã vượt quá túi tiền của các gia đình. Việc bắt trẻ phải chuẩn bị để vào đại học kể từ khi chỉ vài tuổi có thể khiến trẻ em ngầm hình thành suy nghĩ phải đậu đại học mới thành công ngay từ khi mới chỉ đang học cách cầm kéo và manh nha hiểu biết về khái niệm thời gian. Suy nghĩ đó ngày càng hằn sâu hơn và có hại hơn khi chúng đến tuổi trưởng thành.

Khi giải thích những cải cách, dự kiến sẽ được triển khai vào năm học 2020, khi Tokyo sẽ đăng cai Thế vận hội Olympic, MEXT có xu hướng trích dẫn ảnh hưởng của bài kiểm tra đối với kinh tế vĩ mô hơn là sức khỏe tinh thần của học sinh.

Chihiro Otsuka, một vụ phó tại MEXT, giải thích trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng nội dung lặp lại cũ kỹ ở kỳ thi đại học hiện tại không thể chuẩn bị cho học sinh Nhật Bản đáp ứng những thách thức của thế giới thế kỷ 21: “Ngày xưa, những khả năng như ghi nhớ rất lớn thông tin… được đánh giá cao [trong thị trường việc làm Nhật Bản]. Tuy nhiên, trong thế giới thay đổi nhanh chóng ngày nay, nơi mà trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật đang phát triển, vai trò mà con người cần thực hiện đang thay đổi”.

Khi nhấn mạnh vào việc học thuộc lòng, Bài kiểm tra trung tâm không truyền cảm hứng được cho nhiều giáo viên trung học điều chỉnh cách giảng dạy của họ cho phù hợp với những xu hướng này. Thay vào đó, họ có xu hướng sử dụng các tài liệu dựa trên những gì họ biết sẽ có trong bài kiểm tra — một cách thực hành dẫn đến cái mà các chuyên gia gọi là “hiệu ứng rửa ngược tiêu cực” —và các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản lo ngại xu hướng này đang cản trở sự chuẩn bị cho một nền kinh tế đang thay đổi.

Bài kiểm tra Trung tâm mới (đã được đổi tên thành Daigaku Nyugaku Kyotsu trong nỗ lực nhấn mạnh khác biệt so với phiên bản trước) sẽ được thiết kế để đánh giá tư duy phản biện, phán đoán và biểu hiện; theo Otsuka, nó sẽ thúc đẩy không chỉ việc thu nhận kiến ​​thức và kỹ năng mà còn cả khả năng thích ứng với các môi trường nghề nghiệp khác nhau và nhu cầu thị trường. MEXT tin rằng điều này sẽ tạo ra sự thay đổi trong các ưu tiên khi giảng dạy ở trường trung học, chuẩn bị cho thế hệ lao động tiếp theo để đáp ứng thị trường việc làm đầy thách thức và thường tàn nhẫn, và cuối cùng là duy trì lợi thế cạnh tranh của đất nước trong nền kinh tế toàn cầu.

Những thay đổi này đối với Bài kiểm tra trung tâm là một phần của nỗ lực lớn hơn nhằm đảm bảo hệ thống giáo dục đại học của Nhật Bản đáp ứng với thực tế thời hiện đại — trong đó có thực tế là một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học nghiêm trọng khiến hệ thống này có nguy cơ lỗi thời. Dân số thanh niên của đất nước, nguồn ứng viên tiềm năng, đã giảm. Số thanh niên 15-24 tuổi ở Nhật Bản năm 1950 vào khoảng 16,2 triệu người; vào năm 2015, con số này là khoảng 12 triệu, khoảng 1,2 triệu trong số đó là 18 tuổi. Ít sinh viên tương lai hơn có nghĩa là các trường đại học đang gặp khó khăn trong việc lấp đầy các lớp học của họ, và các trường xếp hạng thấp hơn có thể buộc phải ngừng hoạt động nếu họ không thu hút được lượng sinh viên đủ lớn có đủ tiền học phí duy trì hoạt động.

Dù bằng cách nào, các trường đại học có rất ít sự lựa chọn ngoài việc thích ứng hoặc diệt vong. Đó là một số phận đã ập đến với một số cơ sở — Đại học St. Thomas, một trường Công giáo ở Amagasaki, đã buộc phải đóng cửa vào năm 2015 do lượng tuyển sinh thấp. Trong khi bộ giáo dục không thể làm gì nhiều về cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của đất nước, các nhà hoạch định chính sách coi việc cải cách hệ thống kiểm tra là một cách để đảm bảo số sinh viên còn lại được đào tạo tốt hơn và được trang bị cho thị trường việc làm đầy thách thức đang chờ đợi họ.

Trong quá khứ, những cải cách với quy mô lớn đã vấp phải sự phản đối dữ dội ở Nhật Bản. Nhưng chính phủ tin rằng lần này sẽ khác. “Có một động lực thực sự từ Bộ để bằng cách nào đó bắt đầu cải cách thực sự,” Poole của Đại học Doshisha nói. Ngoài ra còn có sáng kiến ​​đầy tham vọng của cựu Thủ tướng Shinzō Abe nhằm phục hồi nền kinh tế Nhật Bản — một nỗ lực một phần nhằm khắc phục hậu quả của dân số già nhanh chóng. Những nỗ lực của bộ giáo dục sẽ thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế của Abe trong khi cũng phát triển một hệ thống học tập cao hơn, theo Otsuka của MEXT, đo lường thành tích của con người theo cách lành mạnh và đa dạng hơn, đồng thời tính đến “khả năng, mong muốn và sự phù hợp của ứng viên.”

Tất cả những điều này, tất nhiên, nghe có vẻ tốt trên giấy tờ. Nhưng liệu chính phủ Nhật Bản có thực sự thực hiện được điều này và đào tạo lực lượng lao động toàn cầu cho ngày mai? Tại thời điểm này, thật khó để nói. Có lẽ câu hỏi thích hợp hơn, với dân số Nhật Bản dự kiến ​​sẽ giảm 35% vào năm 2065, sẽ là: Họ có quyền lựa chọn không?


Nguồn: https://www.theatlantic.com/education/archive/2018/01/overhauling-japans-high-stakes-university-admission-system/550409/

Ảnh: https://unsplash.com/photos/vJ3CFY8iI9c


Discover more from Những nẻo đường Phù Tang

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply