Học hỏi từ lịch sử kinh tế thời kì Heisei kì 4- Sự ra đời và thất bại của chính quyền của đảng Dân chủ và ảnh hưởng của Lehman Shock

Tác giả: Komie Takao, giáo sư đại học Taisho, cố vấn nghiên cứu trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản

Bài viết kì này nói về thời kì chuyển giao chính quyền từ đảng Dân chủ Tự do của thủ tướng Koizumi sang chính quyền của đảng Dân chủ (2006-2012). Đây là một giai đoạn chấn động với sự chuyển giao quyền lực trong nước, và trên bình diện quốc tế là sự kiện Lehman Shock.

Việc thực hiện chuyển giao chính quyền và những đặc trưng của nó

Tháng 8 năm 2009, đảng Dân chủ giành chiến thắng áp đảo mang tính lịch sử trong cuộc tổng tuyển cử Hạ nghị viện, đã liên minh với đảng Dân chủ Xã hội và Quốc Dân Tân Đảng, cùng tiến hành chuyển giao chính quyền. Những dự định của đảng Dân chủ rất rõ ràng được thể hiện qua những tuyên ngôn trong kì bầu cử. Tuyên ngôn đó bao gồm những điểm nổi bật như sau.

Thứ nhất là sự chuyển đổi quyền lực từ tay các công chức cấp cao sang các chính trị gia. Điểm này được đặc biệt nhấn mạnh trong cương lĩnh tranh cử. Phần đầu của cương lĩnh bao gồm 5 nguyên tắc và 5 sách lược, nhưng có đến 8 trong số 10 điều của phương châm cơ bản này có liên quan đến việc các chính trị gia nắm vai trò chủ đạo, thoát khỏi tầm ảnh hưởng của các công chức cấp cao. Có vẻ như đảng Dân chủ coi cơ chế tập trung quyền lực vào tay các công chức chính là nguồn gốc của mọi tội lỗi.

Tháng 1 năm 2008, Hatoyama Yukio (trái) cùng các đảng viên khác thể hiện khí thế hướng đến chuyển giao chính quyền trong đại hội định kì của đảng Dân chủ

Thứ hai là những giao ước màu hồng liên quan đến chi tiêu tài chính ở quy mô lớn. Trong số đó có những kế hoạch cần đến ngân sách ở con số rất lớn như “trợ cấp cho trẻ em” (mỗi trẻ em được nhận tiền trợ cấp hàng tháng khoảng 26000 yên, cho đến khi tốt nghiệp trung học, miễn học phí cấp ba), miễn thu phí đường cao tốc”, “bãi bỏ hình thức thuế suất tạm thời đối với thuế xăng dầu”, (thuế suất tạm thời là loại thuế được đặt ra tạm thời, như một hình thức đánh thuế bổ sung, ví dụ như 1 lít xăng dầu bị đánh thuế cơ bản 28.7 yên, ngoài ra còn bị tính thêm thuế suất tạm thời là 25.1 yên, nên tổng cộng trở thành 53.8 yên, dù tên gọi là thuế suất tạm thời nhưng có những loại thuế vẫn tồn tại cho tới tận ngày hôm nay sau 30 năm). Tổng số tiền cần thiết để thực hiện những chính sách này trong niên khóa đầu tiên lên tới 7.1 nghìn tỉ yên, và những năm sau đó là từ 12 đến 13 nghìn tỉ yên.

Thứ ba là không có phương châm cụ thể cho những chính sách kinh tế vĩ mô. Đảng Dân chủ dường như cho rằng chỉ cần thực hiện những chính sách đã nêu ra trong tuyên ngôn tranh cử thì nền kinh tế cũng tự động đi đúng hướng như họ mong muốn. Quan điểm này nhận về nhiều phản ứng trái chiều của dư luận như “không có chiến lược tăng trưởng”, “không có chính sách vĩ mô”, nên nội các của thủ tướng Hatoyama vào tháng 12 năm 2009 đã đưa ra chính sách cơ bản về chiến lược tăng trưởng mới. Chiến lược này có một chỉ số được đặt ra gọi là “chỉ số mức độ hạnh phúc”. Cụ thể, nâng cao mức độ hạnh phúc là nhu cầu của một người bình thường trong sinh hoạt, nên chỉ số mức độ hạnh phúc được tạo ra để đánh giá mức độ hạnh phúc của toàn dân, từ đó mà chính phủ nỗ lực thực hiện những giải pháp hướng đến việc nâng cao chỉ số này.

Bối cảnh cho sự thất bại của đảng Dân chủ

Sau khi chuyển giao chính quyền, chỉ trong một thời gian ngắn các lãnh đạo của đảng Dân chủ (HatoYama→Kan→Noda) thay nhau giữ chức thủ tướng, dần dần đánh mất đi sự ủng hộ của người dân, để rồi trong cuộc bầu cử vào tháng 12 năm 2012, đảng Dân chủ thất bại dưới tay của đảng Dân chủ Tự do. Sự thất bại này đã khiến người dân đánh mất lòng tin vào đảng Dân chủ cho đến mãi cả những năm sau này với suy nghĩ “không được phép để đảng đối lập vận hành chính sách” (Đảng Dân chủ vốn đóng vai trò đảng đối lập trước đây, khi chính quyền trong suốt một thời gian dài được vận hành bởi đảng cầm quyền là đảng Dân chủ Tự do). Tại sao đảng Dân chủ lại thất bại? Câu trả lời có phần trùng với ba điểm mà tôi đã nêu ra ở phần trên.

Thứ nhất là cách đối xử sai lầm với các công chức cấp cao. Các công chức trong thời kì đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, bề ngoài có vẻ như ủng hộ cách vận hành chính sách và đi theo phương châm của đảng này. Nhưng thực ra họ làm thế không phải để ủng hộ đảng Dân chủ Tự do, mà chỉ vì muốn ủng hộ nội các của đảng cầm quyền vào thời điểm đó. Nếu đảng Dân chủ cũng điều khiển các công chức bằng cách truyền đạt phương châm của mình thì mọi chuyện đã không đến nỗi nào.

Thứ hai là sự thiếu suy nghĩ trong vấn đề trợ cấp tài chính. Tất nhiên là khi chủ trương tăng chi tiêu, đảng Dân chủ cũng đã đệ trình kế hoạch về nguồn ngân sách. Cụ thể là khoản tiền 9.1 nghìn tỉ yên đến từ việc cắt giảm dự án công, 5 nghìn tỉ từ nguồn tài sản của chính phủ, 2.7 nghìn tỉ yên từ xem xét lại các biện pháp thuế đặc biệt. Việc tiết kiệm ngân sách được bàn luận và lấy ý kiến công khai đã nhận được sự đánh giá rất cao. Nhưng khi đi vào thực tiễn những chính sách tài chính này không được thực hiện hiệu quả, và bị thu nhỏ lại rất nhiều so với lời hứa hẹn ban đầu.

Thứ ba là sự tiếp diễn của những chính sách kinh tế như những ý tưởng bất chợt nảy ra trong đầu. Ở phần trước chúng ta đã đề cập đến chiến lược tăng trưởng dựa trên việc coi trọng mức độ hạnh phúc, nhưng khi chính quyền chuyển giao từ nội các của thủ tưởng Kan sang nội các của thủ tướng Noda, chiến lược này gần như biến mất toàn bộ. Ngoài ra thủ tưởng Kan còn đột nhiên nhắc đến ý tưởng “cải cách tài chính bằng cách tăng thuế tiêu dùng lên 10%”, và lạc lối trong khẩu hiệu “khai sinh đất nước lần thứ 3”. Nhiều người nghi ngờ về tính nhất quán của chính sách kinh tế trong nội bộ đảng Dân chủ.

Chính sách đối phó với Lehman Shock

Sự kiện Lehman Shock xảy ra tại Mỹ vào tháng 9 năm 2008, diễn ra trước khi chính quyền của đảng Dân chủ được thành lập, nhưng đảng Dân chủ đã phải kế thừa những ảnh hưởng tiêu cực từ sự kiện này.

Lehman Shock bắt nguồn từ sự hưng thịnh của loại hình tín dụng thứ cấp ở Hoa Kì. Lãi suất dài hạn suy giảm cùng với giá nhà ở gia tăng dẫn đến việc bùng nổ các khoản vay thế chấp và chứng khoán hóa các khoản vay này, từ đó gánh nặng của người đi vay được giảm thiểu và rủi ro cũng được phân tán. Nếu chỉ nhìn sơ qua thì nhờ quá trình này mà các bên tham gia đều không bị thiệt thòi. Nhưng từ nửa sau năm 2006, tỉ lệ tăng giá nhà ở bắt đầu chậm lại, tỉ lệ trì hoãn trả các khoản vay thế chấp tăng lên, giá của các sản phẩm chứng khoán hóa hợp thành từ các khoản vay thế chấp suy giảm đột ngột, khiến cho các tổ chức tài chính phải nhận lấy khoản thua lỗ khổng lồ. Trong bối cảnh này, khi việc điều hành Lehman Brothers, một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất của Hoa Kì, gặp bế tắc, nhiều người đã đinh ninh rằng nhất định chính phủ sẽ dang tay cứu giúp. Nhưng chính phủ không làm như vậy. Dẫn đến việc khi Lehman Brothes thực sự sụp đổ, lòng tin giữa các tổ chức tài chính cũng sụp đổ theo, nguồn tiền trên thị trường tài chính ngắn hạn trở nên khô cạn. Sự kiện này được gọi là Lehman Shock.

Sau khi Lehman Shock xảy ra, trong một khoảng thời gian nhất định, ảnh hưởng của sự kiện này đối với nền kinh tế Nhật Bản được xem là không đáng kể. Quả thực, ảnh hưởng về mặt tài chính là tương đối nhẹ, nhưng ảnh hưởng đến thực thể kinh tế Nhật Bản thậm chí còn lớn hơn cả quốc gia mà cuộc khủng hoảng xảy ra là Hoa Kì. Tỉ lệ tăng trưởng GDP trong hai năm 2008, 2009 liên tiếp là tỉ lệ tăng trưởng âm.

các chính sách kinh tế sau khi cuộc khủng hoảng Lehman xảy ra

Đối mặt với cuộc khủng hoảng các ngân hàng trung ương của khối G8 đưa ra các biện pháp ứng phó với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Ngân hàng trung ương Nhật Bản lần lượt đưa vào các chính sách như “phục hồi lãi suất 0 (mục tiêu định hướng lãi suất 0 đến 0.1%)” → “làm rõ trục thời gian (tiếp tục chính sách lãi suất 0 cho đến khi tỉ lệ gia tăng của chỉ số giá tiêu dùng đạt 1%)” → “Mua vào các tài sản rủi ro (mua vào các nhiều loại tài sản rủi ro như cổ phiếu, J-REIT)” → “đưa ra thông báo chung với chính phủ về mục tiêu lạm phát (hướng đến chỉ số giá tiêu dùng đạt 1%)”.

Bài học của ngày hôm nay

Cuối cùng, tôi xin được đưa ra tóm tắt về những gì học được từ nền kinh tế của giai đoạn này.

Thứ nhất là tầm quan trọng của chính sách. Nguyên nhân thất bại của đảng Dân chủ là khi nắm được chính quyền, đã không có sự chuẩn bị đầy đủ trong việc thực hiện các chính sách thiết thực, và cũng không có một thể chế sẵn sàng để tiến hành các chính sách đó. Điều này xảy ra có lẽ là bởi vì bình thường trước đây các chính sách của đảng chưa từng được trải qua quá trình tranh luận và trả lời chất vấn tại nghị trường.

Thiệt hại to lớn vùng bờ biển Thái Bình Dương của khu vực Tohoku trong thảm họa động đất sóng thần tại Nhật Bản năm 2011

Thứ hai là sự khó khăn trong nhận thức về bong bóng kinh tế. Sự bùng nổ của tín dụng thứ cấp, thứ kích hoạt cho cuộc khủng hoảng Lehman Shock, và sự gia tăng của giá nhà ở là những yếu tố mang tính bong bóng rất rõ ràng. Nhưng cũng như Nhật Bản, Hoa Kì cũng không nhận ra bản thân mình đang ở trong một bong bóng kinh tế, dẫn đến việc chậm trễ trong việc sử dụng ngân sách công để ứng phó. Có thể nói việc làm thế nào để xử lí bong bóng một cách hiệu quả vẫn là vấn đề chưa có lời giải mang tầm thế giới.

Thứ ba là như một sự hiển nhiên, khi đưa ra tuyên ngôn về chính sách tăng chi tiêu, thì đồng thời nhất định phải đi đôi với nghị luận về nguồn tiền để thực hiện chính sách đó. Đảng Dân chủ đưa ra giao ước màu hồng về việc mở rộng chi tiêu nhưng không đảm bảo được nguồn cung, dẫn đến kết cục thâm hụt tài chính khi xử lí các chính sách. Việc bàn thảo về nguồn ngân sách cũng đồng nghĩa với việc tăng gánh nặng đối với người dân nên thường rất khó đề xuất trên phương diện chính trị. Nhưng việc tránh đề cập đến vấn đề này chỉ dẫn đến kết cục là để lại hậu quả thâm hụt tài chính trong tương lai.

Nguồn: https://www.nikkei.com/article/DGXMZO62969720U0A820C2I00000/


Discover more from Những nẻo đường Phù Tang

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply