Tác giả: Komie Takao, giáo sư đại học Taisho, cố vấn nghiên cứu trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản
Trong bài viết kì này, tôi muốn đề cập đến giai đoạn cải tổ cơ cấu của thủ tướng Koizumi vào nửa đầu những năm 2000. Thủ tướng Koizumi Junichiro, cùng khẩu hiệu mạnh mẽ “thủ tiêu đảng Dân chủ Tự do”, đã tiến hành cải cách với tỉ lệ ủng hộ cao.
Cải tổ cơ cấu
Thủ tướng Koizumi đã triển khai những chính sách dứt khoát mà trước nay chưa từng thấy trong giới cầm quyền. Đó là cả một câu chuyện kịch tính khiến tôi cảm thấy vô cùng thú vị. Những chính sách này đã giành được sự yêu mến của người dân cả nước, phần nhiều nhờ nội dung cơ bản và dễ hiểu, đó là “tiến hành cải cách bằng cách bài trừ những các thế lực chống đối đang bám chặt lấy những quyền lợi cố hữu”. Từ đây, chúng ta hãy cùng sắp xếp lại những điểm đặc trưng trong cách vận hành chính sách của thủ tướng Koizumi.
Đầu tiên là những cụm từ khóa nổi tiếng “Không cải tổ cơ cấu, không hồi phục kinh tế”, “Những việc mà tư nhân có thể làm được thì giao cho tư nhân, những việc mà địa phương có thể làm được thì giao cho địa phương”. Đây đều là những khẩu hiệu rất dễ hiểu đối với một người dân bình thường, trở thành yếu tố góp phần vào tỉ lệ ủng hộ cao.
Thứ hai là mục tiêu “tinh gọn chính phủ”, nói một cách phiến diện theo quan điểm của tôi thì thái độ “coi trọng chức năng của thị trường” được thể hiện rất rõ ràng. Từ tư tưởng cơ bản đó nhiều phương châm mới đã được biểu thị. Ví dụ như việc thoát khỏi cách vận hành nền kinh tế phụ thuộc vào đầu tư công. Các chính trị gia Nhật Bản thường không có ý kiến về tổng thể nhưng cứ khi đi vào nghị luận chi tiết thì lại nhiệt tình ủng hộ việc mở rộng đầu tư công tại địa phương. Cải cách của thủ tướng Koizumi đã thay đổi những phương hướng như thế này một cách rõ ràng, thực tế trong thời gian tại nhiệm, tỉ lệ đầu tư công trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã được giảm đi. Khẩu hiệu “phát triển cân bằng trên toàn bộ lãnh thổ” trước đây bị phủ định, thay vào đó là những phương châm mới như “phát triển những khu vực có đặc tính”, “phát triển nhờ cạnh tranh trí tuệ và sức lao động”.
Thứ ba là tích cực vận dụng cơ chế mới đối với quá trình hoạch định chính sách. Điển hình là hội đồng cố vấn tài chính kinh tế. Cơ chế này được ra đời là thành quả của cuộc cải cách cơ cấu văn phòng chính phủ và các bộ vào tháng 1 năm 2001 của thủ tướng Hashimoto, nhưng chỉ dưới thời nội các của thủ tướng Koizumi, khi được đảm nhận bởi bộ trưởng chuyên phụ trách các vấn đề tài chính kinh tế Takenaka Heizō, hội đồng cố vấn tài chính kinh tế mới phát huy được hết tất cả các chức năng của mình. Về cơ bản, các đại biểu đến từ khu vực kinh tế tư nhân sẽ đề đạt ý kiến của mình với nội dung chuyên sâu, làm đa dạng hóa cuộc thảo luận một cách có ý đồ. Bộ trưởng Takenaka vừa giới thiệu các ý kiến này trong buổi họp báo với các phóng viên, vừa dẫn dắt hướng tới hình thành phương châm bao gồm cả việc lắng nghe ý kiến của công luận, cuối cùng trình lên thủ tướng để xét duyệt.
Ba cải cách
Để các bạn hình dung rõ hơn về công cuộc cải cách của thủ tướng Koizumi, tôi sẽ giới thiệu về ba cải cách mang tính cơ bản. Trong ba cải cách, việc xử lí nợ xấu được xem là hình mẫu trong việc xử lí thành công một vấn đề từng bị bỏ ngỏ, cải cách tài chính được xem là tượng trưng cho cải cách bị thất bại giữa chừng, việc tư nhân hóa bưu điện được xem là ví dụ về một cuộc cải cách đã được thực hiện, nhưng sau này (thời kì sau khi nội các Koizumi kết thúc) bị loại bỏ hết những phần quan trọng nhất.
Điểm sáng trong chính sách kinh tế của nội các Koizumi là tầm nhìn thông suốt đối với vấn đề xử lí nợ xấu, vốn là gánh nặng của nền kinh tế Nhật Bản trong suốt một thời gian dài sau khi bong bóng kinh tế tan vỡ. Chương trình tái thiết tài chính được hoạch định vào tháng 10 năm 2002 đã trở thành cơ hội vô cùng quan trọng để giải quyết vấn đề này. Đây là chương trình được tiến hành dưới sự lãnh đạo của Takenaka Heizō, người mới nhậm chức bộ trưởng phụ trách tài chính trong cuộc cải tổ nội các. Chương trình này có mục tiêu là giảm tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng trọng yếu lúc bấy giờ từ 8.7% xuống còn một nửa vào năm 2004. Trên cơ sở đó, những chính sách khắt khe được đặt ra nhằm cụ thể hóa việc xử lí nợ xấu như đánh giá tài sản một cách nghiêm ngặt, sở hữu vốn đầy đủ và nâng cao năng lực quản trị. Kết quả là vào năm 2004, mục tiêu đặt ra đã được hoàn thành, cuối cùng nền kinh tế Nhật Bản cũng thoát khỏi lời nguyền ám ảnh mang tên nợ xấu.
Chính quyền Koizumi cũng đã rất nỗ lực trong việc cải cách cơ cấu tài chính. Phương châm cải cách tài chính được coi là phương châm trọng yếu vào niên khóa 2006. Về cơ bản phương châm được đặt ra là “giảm chi tiêu ngân sách, đối với phần còn thiếu nếu không còn cách nào khác thì sẽ sử dụng biện pháp tăng thuế để bù vào”, nhưng việc cụ thể hóa phương châm này bằng số liệu cụ thể là một bước ngoặt lớn. Trước tiên, con số cần thiết để đạt được mục tiếu thặng dư ngân sách vào niên khóa 2011 (bằng cách giảm chi tiêu hoặc tăng nguồn thu đầu vào) vào khoảng 16.5 nghìn tỉ yên, trên cơ sở đó mà tiến hành phân bố việc giảm chi ngân sách sao cho phù hợp đối với từng lĩnh vực riêng biệt. Chi tiêu ngân sách cắt giảm trong vòng 5 năm dự tính đạt từ 11.4 đến 14.3 nghìn tỉ. Tức là 70 đến 90% mục tiêu có thể đạt được nhờ cắt giảm ngân sách, phần còn lại từ 10 đến 30% có thể đến từ việc tăng thuế.
Sau đó, việc cắt giảm chi tiêu ngân sách được thực hiện đúng như kế hoạch, nhưng kết cục là mọi chuyện đã bị đổ vỡ thời nội các của thủ tướng Aso. Một trong những lí do đến từ sự phê phán đối với việc cắt giảm chi phí an sinh xã hội. Trong kế hoạch đã đề cập ở trên, hàng năm phí an sinh xã hội sẽ bị cắt giảm 220 tỉ yên, nhưng đây được xem là một “kế hoạch mang tính máy móc, không biết đến máu và nước mắt, nhằm cắt giảm phí an sinh xã hội hàng năm”.
Việc tư nhân hóa bưu điện Nhật Bản cũng diễn ra rất kịch tích. Thủ tướng Koizumi xem việc tư nhân hóa bưu điện là trọng tâm của cải cách. Bởi việc đặt lĩnh vực bưu điện vào thị trường cạnh tranh sẽ góp phần cung cấp cho người dân cả nước nhiều dịch vụ đa dạng với chất lượng tốt, đồng thời có thể tận dụng nguồn tiền gửi bưu điện vào mục đích phát triển kinh tế. Nhưng khi định hiện thực hóa ý tưởng này, nhiều luồng ý kiến trái chiều từ khắp các bên liên tục xuất hiện. Dự luật tư nhân hóa bưu điện của nội các Koizumi được thông qua một cách suýt soát ở Hạ viện, nhưng không nhận được sự đồng thuận của Thượng viện.
Đến đây thủ tướng Koizumi đã đưa ra một chiến lược đáng ngạc nhiên. Lấy lí do chính sách bị phủ quyết bởi Thượng viện, thủ tướng đã tiến hành giải tán Hạ viện. Sách lược chưa từng có tiền lệ này đã đem lại thành công rực rỡ, đảng Dân chủ Tự do đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử, sau đó chính sách tư nhân hóa được thông qua bởi cả hai viện tại Quốc hội. Ba ngành kinh doanh của bưu điện được tư nhân hóa, năm 2007 tập đoàn bưu chính được thành lập.
Kế hoạch tư nhân hóa được quyết định vào thời điểm này, sau nhiệm kì của nội các Koizumi, dần mất đi những điểm cốt lõi. Năm 2009, chính quyền của đảng Dân chủ đã cho dịch vụ của ba ngành bưu chính, tiền gửi bưu điện, và bảo hiểm sinh mệnh được sử dụng một cách đồng nhất và công bằng trên phạm vi cả nước. Dự định ban đầu về việc mở cửa cho khu vực tư nhân tận dụng mạng lưới bưu cục cuối cùng không được thực hiện.
Bài học cho ngày hôm nay
Chúng ta có thể học được gì từ những cải cách đầy kịch tích dưới thời nội các của thủ tướng Koizumi. Cá nhân tôi, có ba bài học như sau.
Thứ nhất là sự khó khăn trong việc quán triệt tư tưởng lấy nguyên lí thị trường làm trung tâm và tinh giảm chính phủ tại Nhật Bản. Dưới con mắt của tôi, một nhà kinh tế học, tư tưởng cơ bản trong chính sách cải cách của thủ tưởng Koizumi được phản chiếu một cách tự nhiên. Nhưng khi áp dụng vào thực tế, chính sách đã nhận được nhiều lời phê phán về việc “làm ngơ với sự gia tăng chênh lệch giữa các tầng lớp”, hay “vứt bỏ địa phương”. Điều này trở thành một trong những yếu tố dẫn đến việc chuyển giao chính quyền từ tay đảng Dân chủ Tự do sang đảng Dân chủ sau này. Với một xã hội coi trọng sự đồng nhất như Nhật Bản, có lẽ chủ trương về trách nhiệm cá nhân hay chủ nghĩa thị trường là không khả thi.
Thứ hai là sự rắc rối trong vấn đề an sinh xã hội. Kế hoạch cải cách tài chính của thủ tướng Koizumi cũng gặp bế tắc bởi cắt giảm phí an sinh xã hội. Dường như cứ mỗi lần cải cách có liên quan đến an sinh xã hội thì độ khó lại tăng lên gấp bội.
Thứ ba là cơ chế mang tính chế độ. Chỉ tạo ra cơ chế thôi là chưa đủ. Ví dụ như cơ chế hội đồng cố vấn tài chính kinh tế đã phát huy được hết tiềm năng dưới thời nội các Koizumi, nhưng, đóng góp tích cực trong những cuộc thảo luận về chính sách kinh tế, nhưng thời kì sau này chỉ còn là một hình bóng mờ nhạt. Bên cạnh đó, việc tư nhân hóa bưu điện Nhật Bản dù từng là một chủ đề bàn luận sôi nổi trên khắp cả nước trong một thời gian, nhưng sau đó cũng nhanh chóng trở nên nguội lạnh. Chế độ, không chỉ khi thực hiện cải cách, mà kể cả sau khi được vận hành, cũng cần thiết phải được kiểm tra và đánh giá lại.
Nguồn: https://www.nikkei.com/article/DGXMZO62969650U0A820C2I00000/?unlock=1
Discover more from Những nẻo đường Phù Tang
Subscribe to get the latest posts sent to your email.