Học hỏi từ lịch sử kinh tế thời kì Heisei kì 2- Khủng hoảng tài chính và tình trạng giảm phát

Tác giả: Komine Takao, giáo sư đại học Taisho, cố vấn nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản

Bài viết lần này chúng ta sẽ nói về thời kì nửa sau của những năm 90. Những di chứng của bong bóng kinh tế như nợ xấu, khủng hoảng tài chính, giảm phát bắt đầu lộ diện nhưng rất nhiều người không hề nhận ra mức độ nghiêm trọng của nó.

Nỗ lực muộn màng xử lí nợ xấu

Bong bóng kinh tế tan vỡ khiến vấn đề điều chỉnh bảng cân đối tài chính phát sinh một cách hiển nhiên, kéo theo đó là những khoản nợ xấu ngày một chất đống của các tổ chức tài chính. Nợ xấu làm suy nhược thể lực của các tổ chức này, và là trở ngại cho quá trình hồi phục kinh tế. Do đó, tốt nhất là nên xử lí nợ xấu càng sớm càng tốt cho dù buộc phải dùng đến tiền thuế. Nhưng đáng tiếc đây lại là bài học mà sau này chúng ta mới nhận ra, thời bấy giờ người ta không thể nào chấp nhận được quan điểm này. Tôi xin được nêu hai dẫn chứng như sau.

Đầu tiên, hãy cùng quay ngược thời gian lại một chút vào mùa hè năm 1992, và cùng nhìn lại sự thất bại của kế hoạch của thủ tướng Miyazawa. Thủ tướng Miyazawa Kiichi, người xem việc giá cổ phiếu sụt giảm thời điểm bấy giờ là một nguy cơ đối với nền kinh tế, đã có suy nghĩ về việc sử dụng ngân sách công nhằm xử lí những khoản nợ xấu của các tổ chức tài chính. Nhưng không một ai tán đồng kế hoạch này. Các chính trị gia né tránh và cho rằng “nếu sử dụng tiền thuế để cứu giúp các ngân hàng thì sẽ phải chịu sự phê phán của người dân”, còn các tổ chức tài chính nếu nhận tiền thuế thì ban lãnh đạo lại sợ bị chất vấn về trách nhiệm như “tình trạng của các tổ chức tài chính Nhật Bản lại tồi tệ đến mức này sao”, nên không dám hưởng ứng. Thời điểm này, nếu quyết tâm xử lí nợ xấu, thì khủng hoảng tài chính sau đó cũng không xảy ra, và số tiền cần huy động thông qua ngân sách công cũng ít hơn rất nhiều.

Việc xử lí nợ xấu chỉ thực sự tiến triển kể từ những năm 2000, đường màu vàng là tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng trên toàn quốc

Tiếp theo là vấn đề của các công ty tín dụng nhà ở vào năm 1995. Các công ty chuyên về tín dụng nhà ở được thành lập từ sau những năm 70, có tập đoàn mẹ là các tổ chức tài chính lớn. Ban đầu mọi việc diễn ra khá suôn sẻ, nhưng khi các ngân hàng bắt đầu tham gia vào lĩnh vực cho vay tín dụng nhà ở, sân chơi của các công ty này bỗng dưng bị cướp đi, dẫn đến việc họ bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực đầu tư bất động sản và phát triển xây dựng nhà ở. Bong bóng kinh tế tan vỡ khiến khoản vay của các tổ chức này trở thành nợ xấu và tình hình kinh doanh đột ngột xấu đi nhanh chóng. Kết cục là cuối cùng nợ xấu được xử lí nhờ vào việc các ngân hàng mẹ tiến hành hủy bỏ nợ, nhưng vẫn còn một khoản nợ trị giá 685 tỉ yên vượt quá khả năng xử lí của một tổ chức tài chính (Norin), đã được bù đắp bằng ngân sách chính phủ (tiền thuế). Việc sử dụng ngân sách công để giải quyết nợ xấu đã nhận phải nhiều chỉ trích và lên án của dư luận. Bởi người ta cho rằng không có lí nào tiền thuế lại được dùng cho một vấn đề phát sinh bởi trách nhiệm của các ngân hàng và bộ tài chính. Nếu so sánh với khoản ngân sách công lên tới hàng chục nghìn tỉ yên phải bỏ ra giai đoạn sau này, số tiền 685 tỉ yên vốn không hề đáng kể, nhưng những ồn ào đến từ sự việc này đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ của các chính trị gia và chính phủ, khiến cho ngân sách công hoàn toàn không được sử dụng vào việc giải quyết nợ xấu cho đến tận cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra vào mùa thu năm 1997.

Khủng hoảng tài chính xảy ra

Các tổ chức tài chính được hình thành dựa trên nền tảng sự tin tưởng đến từ hai phía, nên khi niềm tin sụp đổ, các tổ chức này phải đối mặt với tình trạng đột biến rút tiền gửi, hay gặp khó khăn trong việc huy động vốn, dẫn tới việc không thể tiếp tục duy trì hoạt động. Như những gì được viết trong sách giáo khoa, không nhiều người dự đoán được một cuộc khủng hoảng tài chính thực sự sẽ xảy ra.

Nguyên do bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tiền tệ ở châu Á. Khủng hoảng tiền tệ bắt đầu ở Thái Lan (đồng Baht mất giá nghiêm trọng), trong phút chốc lan rộng ra các nước trong khu vực. Dưới ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này, giá cổ phiếu trên thị trường Nhật Bản đột ngột suy giảm, xuất khẩu sa sút dẫn đến tình hình kinh tế xấu đi. Tháng 11 năm 1997, công ty chứng khoán với quy mô tương đối lớn Sanyo, sụp đổ. Theo đó, một phần vốn Sanyo huy động từ thị trường “Call Market” có giá trị vỏn vẹn 1 tỉ yên trở thành “Default”, tức vỡ nợ. (Call Market là thị trường vay mượn tồn tại giữa các tổ chức tài chính, cho phép các tổ chức này huy động vốn khi cần thiết từ các tổ chức khác đang có dư thừa nguồn tiền). Sự kiện này trở thành mồi lửa làm bùng nổ những nghi kị vốn luôn nhen nhóm trong thị trường “Call Market”, kéo theo sự sụp đổ của một công ty khác, đó là ngân hàng Hokkaido Takushoku. Tiếp đó, công ty chứng khoán Yamaichi, một trong bốn công ty chứng khoán lớn nhất Nhật Bản thời bấy giờ cũng chung số phận. Trong buổi họp báo đưa ra tuyên bố về việc dừng kinh doanh hoàn toàn, giám đốc cuối cùng của Yamaichi là Nozawa Shōhei đã nói trong nước mắt “Nhân viên của chúng tôi là những người vô tội, họ không có lỗi gì cả. Tôi xin mượn cơ hội này để cầu xin, xin hãy giúp những nhân viên lương thiện này có thể tìm được một công việc khác”. Hình ảnh những giọt nước mắt thỉnh cầu chân thành trong cuộc họp báo, sau này đã trở thành biểu tượng cho cuộc khủng hoảng tài chính thời bấy giờ, và được phát đi phát lại nhiều lần trên các phương tiện truyền thông.

Những nghị luận trước đây về giảm phát

Trong suốt thời kì Heisei, cơn đau đầu của nền kinh tế Nhật Bản đến từ tình trạng giảm phát. Những kiến thức chúng ta học được sau này cho thấy quá trình giảm phát gây ra trở ngại cho việc tăng lương, cũng như làm tăng lãi suất thực tế. (chú thích: hiểu một cách đơn giản là, ví dụ lãi suất danh nghĩa là 5% vào thời điểm đầu năm, nhưng đến cuối năm do tình trạng giảm phát, nên lãi suất thực tế là 5% + tỉ lệ giảm phát). Lạm phát không tốt, và cả giảm phát cũng vậy. Nhưng lúc đó ít người nhận ra vấn đề này. Chẳng những không nhận ra mà người ta thậm chí còn mong muốn vật giá tiếp tục giảm thêm nữa. Tôi lại xin được đưa ra hai dẫn chứng như sau.

Thứ nhất đó là sự tranh luận đúng sai về chênh lệch giá cả giữa trong và ngoài nước. Thời kì nửa sau những năm 80, do xu hướng tăng giá của đồng yên Nhật, vật giá tại Nhật Bản có giá trị tương đối cao so với nước ngoài (khi tính toán dựa trên đồng đô la Mỹ). Quan điểm về điều chỉnh sự chênh lệch vật giá trong và ngoài nước sẽ góp phần giúp đời sông nhân dân thêm sung túc, ngày một lan rộng, cuối cùng trở thành một trong những mục tiêu lớn của chính sách vật giá nửa đầu những năm 90. Dẫn chứng thứ hai đó là “kế hoạch tăng gấp đôi thu nhập thực chất” diễn ra vào thời điểm hình thành nội các của thủ tướng Hata vào tháng 4 năm 1994. Thủ tưởng Hata Tsutomu cho rằng kể từ nay mục tiêu của chính phủ không phải là tăng trưởng nóng, mà là tìm cách làm giảm vật giá. Nhưng kế hoạch này vấp phải sự phản đối từ phía các quan chức, để rồi không được hiện thực hóa thành một chính sách cụ thể.

Dù trong trường hợp nào đi nữa, cả hai quan điểm này đều có một điểm tương đồng là suy nghĩ nếu vật giá giảm thì thu nhập thực chất của người tiêu dùng sẽ tăng lên, từ đó cuộc sống sinh hoạt của người dân sẽ trở nên sung túc. Nhưng thực tế là vật giả giảm sẽ dẫn tới các khoản thu nhập mà tiêu biểu là tiền lương sẽ sụt giảm theo. Nên đây là một chính sách hoàn toàn vô nghĩa. Những chính sách như thế này trái lại còn làm chậm lại những nỗ lực chống lại sự giảm phát, khiến cho cuộc sống của người dân càng thêm khó khăn.

Thử thách cải tổ cơ cấu của nội các Hashimoto

Nội các của thủ tướng Hashimoto Ryutaro bắt đầu vận hành vào tháng 1 tháng năm 1996 với quyết tâm cải tổ nhiều cơ cấu. Trong số đó có những thứ vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay, và cả những thứ đã gặp thất bại giữa chừng.

Bộ đất đai hạ tầng giao thông và du lịch ra đời trong cuộc cải tổ cơ cấu của chính phủ vào năm 2001

Cơ cấu nằm trong khung cải cách thời điểm đó, mà vẫn còn được duy trì đến hiện tại đó là sự cải tổ cơ cấu văn phòng chính phủ và các bộ. Nội các Hashimoto đã tiến hành cải tổ trên quy mô lớn văn phòng trung ương vào năm 1999 (bắt đầu được thực hiện vào tháng 1 năm 2001). Mô hình một chính phủ với 22 bộ thời điểm trước đây được chuyển thành một chính phủ với 12 bộ, nhằm tăng cường chức năng của nội các. Cơ quan có nhiều hoạt động đóng góp dưới thời nội các của thủ tướng Koizumi sau này là hội đồng cố vấn tài chính kinh tế cũng được thành lập vào thời điểm này.

Một trong những cải cách tiêu biểu gặp thất bại giữa chừng là cải cách cơ cấu tài chính. Thủ tướng Hashimoto Ryutaro một mực khăng khăng với chính sách cải cách tài chính, đã thành lập đạo luật có tên là luật cải cách cơ cấu tài chính vào năm 1997. Việc ghi vào pháp luật những biện pháp cải cách tài chính một cách cụ thể (ví dụ như giữ cho thâm hụt tài chính đến năm 2005 chỉ chiếm tỉ lệ dưới 3% GDP) đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của thủ tướng Hashimoto. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra tại Nhật Bản sớm đã làm nguội lạnh tinh thần cải cách, kết cục là vào năm 1998, người kế thừa là thủ tướng Obuchi Keizō lại chuyển định hướng sang mở rộng chi tiêu ngân sách, dẫn tới công cuộc cải cách tài chính cứ như thế mà đứt gánh giữa đường.

Bài học cho ngày hôm nay

Chúng ta có thể học được nhiều bài học quý báu từ những kinh nghiệm của thời kì này.

Thứ nhất là, cũng như tôi đã đề cập đến ở bài viết đầu tiên, nhận thức về tình hình kinh tế của chúng ta luôn có độ trễ về mặt thời gian tương đối dài. Chúng ta đã không hề nhận ra sự tồn tại của những vấn đề như nợ xấu, giảm phát, khủng hoảng tài chính, chỉ cho đến khi mọi việc trở nên nghiêm trọng. Chính vì thế phải luôn chú ý xem liệu có mầm mồng nguy hiểm của vấn đề lớn nào đang tồn tại không, trong số những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt trực tiếp ngày hôm nay.

Thứ hai là sự nguy hiểm của việc bài trừ những những quan điểm khác biệt. Việc sử dụng ngân sách công để giải quyết nợ xấu không được phép trở thành chủ đề bàn luận mãi cho tới khi khủng hoảng tài chính thật sự xảy ra. Đối với những người đã trải qua thời kì lạm phát, rất khó để có suy nghĩ rằng việc suy giảm vật giá là một vấn đề nghiêm trọng.

Thứ ba là sự khó khăn trong công cuộc cải cách tài chính. Nhìn vào tình hình hiện tại, có vẻ như chính phủ luôn luôn để mắt tới vấn đề tăng chi tiêu và gia tăng thâm hụt tài chính, nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Trong số các thủ tưởng của thời kì Heisei, thủ tướng Hashimoto, thủ tướng Koizumi, thủ tướng Noda, ai cũng nỗ lực nghiêm túc trong việc cải cách tài chính. Nhưng cho đến tận thời điểm hiện tại, cải cách vẫn không có nhiều tiến triển. Chúng ta một lần nữa cần nhận thức thấu đáo những khó khăn trong công cuộc cải cách này.     

Nguồn: https://www.nikkei.com/article/DGXMZO62966740U0A820C2I00000/


Discover more from Những nẻo đường Phù Tang

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply