Học hỏi từ lịch sử kinh tế thời kì Heisei kì 1- Bong bóng kinh tế tan vỡ và sự bắt đầu 20 năm mất mát của Nhật Bản

Tác giả: Komine Takao, giáo sư đại học Taisho, cố vấn nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản

Kể từ đây, qua năm bài viết, tôi muốn chia sẻ với các bạn những suy nghĩ của mình về nền kinh tế thời kì Heisei (giai đoạn từ tháng 1 năm 1989 đến tháng 4 năm 2019). Qua đó, chúng ta sẽ ít nhiều thấy được những ý nghĩa khi nhìn lại thời kì này.

Đầu tiên, kinh tế Nhật Bản thời kì Heisei đã phải đối mặt với rất nhiều thử thách. Rất nhiều những vấn đề trong số đó vẫn còn tồn đọng mà chưa giải quyết được ngay cả khi đã bước sang thời kì Reiwa, như khắc phục tình trạng giảm phát, tài chính, cải cách an sinh xã hội, đối phó với sự suy giảm dân số, tình trạng giảm tỉ lệ sinh ở các địa phương. Những vấn đề của thời kì Heisei cũng chính là những vấn đề mà chúng ta, thế hệ đang sống trong thời điểm hiện tại phải đối mặt.

Thuế tiêu dùng lần đầu tiên được áp dụng vào ngày 1 tháng 4 năm 1989

Tìm hiểu và học hỏi từ thời kì Heisei cũng chính cách để học hỏi những kiến thức mới về nền kinh tế ngày nay. Trong thời kì Heisei, rất nhiều những sự kiện chưa từng được biết đến trong các cuốn sách giáo khoa về kinh tế trước đây đã xảy ra. Đã có thời lạm phát trở thành trung tâm trong vấn đề về vật giá, nhưng nay vị trí đó lại thuộc về giảm phát. Những chính sách kinh tế như lãi suất âm, hay điều chỉnh đường cong lợi suất (điều tiết lãi suất dài hạn) là những chính sách cho đến trước thời kì Heisei chưa từng được nghĩ đến, nhưng đã được áp dụng trong thời kì này. Rất nhiều những kiến thức thông thường về kinh tế trước đây đã có sự thay đổi lớn vào giai đoạn này.

Vậy rút cục bong bóng kinh tế là gì?

Thời kì Heisei bắt đầu vào giai đoạn cuối của bong bóng kinh tế những năm 1980. Bong bóng tan vỡ đã ngay lập tức mở ra một thời đại đầy muộn phiền. Vậy bong bóng kinh tế thực chất là gì?

Bong bóng của thời kì này chỉ việc giá trị của các tài sản như bất động sản, cổ phiếu đã tăng vượt xa mọi tiêu chuẩn cơ bản của nền kinh tế. Sự tăng giá đã đạt tới mức không thể tưởng tượng được. Chỉ số Nikkei (chỉ số giá trung bình của 225 cổ phiếu hàng đầu Nhật Bản được giao dịch trên thị trường chứng khoán Tokyo) ở mức 10000 yên vào đầu năm 1984. Đến cuối năm 1989, chỉ số này đã chạm mức 39000 yên, tăng gần 4 lần. Sự tăng giá của bất động sản cũng không hề thua kém. Tuy có sự khác biệt về giá theo từng vùng, nhưng nếu giới hạn trong khu vực Tokyo, từ đầu năm 1983 đến đỉnh điểm vào năm 1991, giá đã tăng tới 4.1 lần.

Sự gia tăng về giá trị tài sản đương nhiên sẽ sinh ra lợi nhuận thu được khi bán các tài sản đó (còn gọi là capital gain). Lợi nhuận này được thống kê vào một mục đặc biệt tạm gọi là “tài khoản điều chỉnh” trong thống kê GDP. Khi nhìn vào những thông số của hạng mục này ai trong chúng ta cũng sẽ không khỏi ngỡ ngàng. Từ năm 1986 đến năm 1989, chỉ vỏn vẹn trong vòng 4 năm, mỗi năm capital gain được sinh ra ở mức tương đương hoặc cao hơn chỉ số GDP danh nghĩa (nominal GDP). Chúng tôi thường quan sát tỉ mỉ sự biến động từ 1 đến 2% của GDP khi đánh giá tỉ lệ tăng trưởng kinh tế. Nhưng trong thời kì này, như thể xuất hiện đến 4 loại GDP khác nhau. (ý của tác giả nói đến việc ngoài hai chỉ số GDP vốn có là real GDP và nominal GDP, còn có thêm hai chỉ số khác xuất hiện vào thời kì này tương đương với GDP đó là capital gain đến từ cổ phiếu và bất động sản).

Ở thời điểm hiện tại, rõ ràng dù đánh giá thế nào đi nữa đây cũng là sự gia tăng giá trị tài sản một cách bất thường. Nhưng thời bấy giờ, sự gia tăng này được hợp lí hóa bởi nhiều luận điệu mang tính chi phối, nên hầu như không ai cho đó là khác thường. Những người sống trong lòng bong bóng không hề nhận ra sự tồn tại của bong bóng đó. Cũng chính vì vậy mà tình trạng bong bóng mới xảy ra.

Bong bóng tan vỡ và những di chứng để lại

Bong bóng, thứ xa rời và cách biệt với thực tại, chắc chắn sẽ tan vỡ. Giá cổ phiếu thời điểm từ đầu năm 1990, giá bất động sản tại các thành phố lớn kể từ năm 1991 trở đi, bắt đầu chính thức sụt giảm. Lần này, không phải lợi nhuận (capital gain) mà là thua lỗ (capital loss) được sinh ra. Theo số liệu từ mục “tài khoản điều chỉnh” đã nhắc đến ở phần trước của bài viết, capital loss của cổ phiếu và bất động sản cộng lại, trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2000, lên tới 960 nghìn tỉ yên (khoảng 8750 tỉ đô la Mỹ).

Kinh tế thời kì bong bóng vô cùng phát triển. Giá trị tài sản sở hữu gia tăng khiến cho các hộ gia đình có thể chi tiêu hào phóng và xa hoa hơn thông thường. Nhiều doanh nghiệp không có nhận thức đầy đủ về rủi ro cứ thế mà cưỡi lên con sóng đầu tư mạo hiểm. Kết quả là tỉ lệ tăng trưởng kinh tế thực chất lên tới 5-6%, một tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Thuế thu được tăng lên giúp cho cân bằng tài chính của chính phủ được cải thiện. Năm tài khóa 1990, chính phủ thậm chí không cần phát hành trái phiếu đặc biệt để bù đắp cho thâm hụt. Lượng hàng hóa nhập khẩu cũng tăng lên, nhờ thế mà vấn đề vốn là mẫu thuẫn giữa Nhật Bản và Hoa Kì là thặng dư thương mại Nhật-Mỹ đã giảm còn một nửa, tình hình việc làm cũng được cải thiện một cách rõ rệt.

Khi bong bóng vỡ, mọi thứ bắt đầu đảo ngược. Giá trị tài sản suy giảm khiến cho hoạt động tiêu dùng của các hộ gia đình, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp diễn ra một cách ảm đạm. Nếu chỉ đơn thuần sự đảo ngược chỉ dừng lại ở mức độ như vậy thôi thì cũng không đến nỗi nào, nhưng bong bóng tan vỡ còn để lại cả những di chứng khó lành. Thời kì bong bóng, giá trị tài sản tăng lên, dẫn tới giá trị của những tài sản được lấy làm thế chấp cũng tăng lên, giúp cho doanh nghiệp có khả năng vay được nhiều tiền hơn. Việc này khiến cho cả hai phần của bảng cân đối tài chính doanh nghiệp là “tài sản” và “nợ và vốn chủ sở hữu” đều phình to ra. Khi bong bóng vỡ, giá trị của tài sản ngay lập tức sụt giảm, nhưng nợ thì không. Khả năng sinh lời của những đầu tư có tính rủi rõ cao trở lên đáng ngờ và không chắc chắn. Những tổn thương đối với bảng cân đối tài chính vẫn hiển hiện mà không hề biến mất ngay cả khi bong bóng đã vỡ. Hậu quả là nợ xấu của các tổ chức tài chính, thứ đã hành hạ nền kinh tế Nhật Bản trong suốt một thơì gian dài sau này, được sinh ra từ đây.

Sự hôn mê của chính sách tài chính tiền tệ

Những chính sách tài chính tiền tệ đã ứng phó như thế nào đối với những biến động nêu trên của tình hình kinh tế? Đầu tiên, vào thời kì bong bóng, chính sách kinh tế vĩ mô được xem là một trong những tác nhân tạo ra bong bóng. Thời kì nửa sau của thập niên 80, chính phủ nỗ lực kích thích nền kinh tế với định hướng mở rộng nhu cầu nội địa. Về mặt tiền tệ, kể từ tháng 1 năm 1986, lãi suất chiết khấu ngân hàng 5 lần được cắt giảm. Về mặt tài chính, ba lần chính sách hỗ trợ nền kinh tế được thực hiện. Vậy tại sao ngay trong thời kì bong bóng đạt tới đỉnh điểm, chính phủ lại muốn tiếp tục gia tăng sự kích thích đối với nền kinh tế? Có ba lí do, thứ nhất là vì không nhận thức được sự tồn tại của bong bóng, thứ hai là sự cần thiết trong việc đưa ra biện pháp đối phó với chủ nghĩa bảo hộ của Hoa Kì, khi mâu thuẫn kinh tế giữa hai quốc gia ngày một gia tăng, thứ ba là nỗi lo về tác dụng tiêu cực đối với nền kinh tế khi đồng yên đang tăng giá vào thời điểm đó.

Năm 1989, là khoảng thời gian bong bóng kinh tế bắt đầu rạn nứt. Trong xã hội bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều những tiếng nói bất đồng của người dân như “giá đất quá cao nên không thể sở hữu nhà riêng được”, “chỉ những người giàu mới được hưởng lợi”. Dẫn tới việc các tổ chức tài chính bị buộc ngừng cấp vốn cho các dự án liên quan đến bất động sản do chỉ đạo hành chính từ chính phủ, đồng thời lãi suất chiết khấu của ngân hàng từ thời điểm đó cho đến tháng 8 năm 1990, đã 5 lần được nâng lên.

Nhiều thảm họa thiên tai đã diễn ra trong thời kì Heisei. Trong ảnh là đám khói bốc lên tại thành phố Kobe sau trận đại địa chấn Hanshin vào năm 1995

Từ sau năm 1991, thời điểm bong bóng đã vỡ, một lần nữa chính phủ lại bẻ lái chính sách kinh tế theo hướng kích thích nền kinh tế. Lần này là một chính sách thực sự tồi tệ. Lãi suất chiết khấu của ngân hàng trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm 1991 đến tháng 9 năm 1995, đã 9 lần được điều chỉnh giảm. Về mặt tài chính kể từ tháng 3 năm 1992 đến tháng 9 năm 1995, 8 lần gói hỗ trợ nền kinh tế được triển khai, sự gia tăng trong đầu tư công cũng được thực hiện. Cứ như vậy, mỗi lần xảy ra vấn đề, chính phủ lại tung ra gói hỗ trợ nền kinh tế và hình thành ngân sách bổ sung như một phương thức gia truyền, được lặp đi lặp lại cho đến tận ngày hôm nay.

Bài học cho ngày hôm nay

Chúng ta có thể học được gì từ những câu chuyện kể trên của nền kinh tế Nhật Bản? Tôi mong các bạn độc giả, từng người sẽ đưa ra được những suy nghĩ cá nhân của riêng mình. Cá nhân tôi, có ba bài học mà tôi muốn chia sẻ với các bạn như sau.

  1. Bong bóng sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng và dài lâu, thổi bay những giá trị tích cực mà nó đem lại ngay sau khi tan vỡ. Khi nói về câu chuyện bong bóng trên giảng đường đại học, một sinh viên đã viết cảm tưởng rằng “muốn một lần được trải nghiệm nền kinh tế đó”. Nếu đổi lại là tôi thì tuyệt nhiên không bao giờ có suy nghĩ như vậy.
  2. Việc nhận thức chính xác những vấn đề của nền kinh tế mà chúng ta phải đối mặt luôn có độ trễ tương đối dài về mặt thời gian. Người ta nhận ra mình đang ở trong thời kì bong bóng chỉ vào thời điểm cuối của thời kì này, và đã mất rất nhiều thời gian mới thực sự nhận thức được những hậu quả to lớn đối với nền kinh tế sau khi bong bóng tan vỡ.
  3. Chúng ta mỗi khi gặp khó khăn đều có xu hướng dựa dẫm vào những chính sách hỗ trợ nền kinh tế đến từ chính phủ. Nhưng dù tiếp tục giảm lãi suất và gia tăng đầu tư công, nền kinh tế vẫn không có dấu hiệu phục hồi trở lại sau khi bong bóng tan vỡ. Có lẽ điều chúng ta thực sự nên làm là xem xét một cách cẩn thận về tính hiệu quả của các chính sách kinh tế.

Nguồn: https://www.nikkei.com/article/DGXMZO62891110R20C20A8I00000/


Discover more from Những nẻo đường Phù Tang

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply