Chuyện sinh lý phụ nữ thời Edo

Để tổng kết tháng 3, tháng tôn vinh phụ nữ, chúng ra cùng thử xem phụ nữ thời Edo đối phó với những “chuyện phụ nữ” như thế nào nhé.

Nguyệt sự của phụ nữ Edo

Không có băng vệ sinh thì sử dụng gì?

Phụ nữ ngày nay có nhiều phương tiện đáp ứng nhu cầu vệ sinh trong thời kỳ kinh nguyệt, tuy nhiên phụ nữ thời Edo sử dụng gì khi không có băng vệ sinh, tampon hay cốc nguyệt san? Thậm chí việc không có quần lót có gây trở ngại gì không?

Giống như phụ nữ ở nhiều nơi khác trên thế giới, phụ nữ Edo bấy giờ tự khâu một dạng băng vải giống như tã để sử dụng. Người ta sẽ khâu vải vụn hoặc giấy Asakusa vào một dạng khố để mặc trong thời kỳ kinh nguyệt. Giấy Asakusa là một loại giấy tái chế (giấy qua sử dụng được ngâm nước, nghiền nhỏ, cán ra và phơi khô) có giá thành rất rẻ nên thường dân thành thị sử dụng như giấy vệ sinh. Phụ nữ đến ngày có thể cuộn giấy Asakusa thành băng vệ sinh.

Tuy nhiên, ở khu vực nông thôn không phổ biến giấy Asakusa do bản thân giấy đã là vật dụng giá trị, cho nên người dân ở đây thường sử dụng chất liệu thiên nhiên. Bông hay ngọn cỏ lau được sử dụng thay do băng, và thậm chí được nhét vào âm đạo như tampon. Mặc dù vậy, việc thấm dịch qua lớp quần áo cũng khá phổ biến, nhưng có vẻ đây không phải là một điều đáng lo ngại. Lý do là vì thời xưa, kỳ nguyệt sự vẫn bị coi là “không sạch sẽ”, cho nên phụ nữ đến kỳ thường ở một gian tách biệt không tiếp xúc với ai.

Tầng lớp thượng lưu có thể sử dụng vải sarashi, một loại vải bông hoặc linen được tẩy trắng. Khác với loại làm từ vải vụn hoặc giấy, băng vải sarashi có thể sử dụng nhiều lần sau khi giặt sạch.

Ngoài ra, tầng lớp kỹ nữ còn sử dụng giấy washi cuộn lại như tampon.

Khác biệt sinh lý giữa phụ nữ Edo và hiện đại

Tranh phụ nữ tại nhà tắm công cộng – Khuyết danh

Người ta cho rằng phụ nữ Edo có cơ âm đạo khỏe hơn, do vậy họ có thể đóng âm đạo ngăn chảy dịch trong kỳ kinh nguyệt, tránh thấm ra lớp quần áo.

Nguyên nhân là do trang phục thời bấy giờ: kimono, khiến người mặc không thể đi lại thoải mái mà khi bước đi, đùi trong khép sát giúp cơ vùng đáy xương chậu phát triển. Điều này giúp phụ nữ có thể giữ lại chất dịch cho đến khi tiện xử lý. Phong tục mặc kimono kéo dài đến đầu thời Showa nên có vẻ phụ nữ thời kỳ này vẫn có cơ âm đạo khỏe.

Tuy vậy, một số nghiên cứu chỉ ra lượng dịch kinh nguyệt nhiều hay ít phụ thuộc vào lượng độc tố trong cơ thể. Có vẻ như phụ nữ thời Edo có lượng dịch ít hơn, do môi trường sinh sống thời xưa hoàn toàn khác thời hiện đại. Do vậy, họ có thể dễ dàng xử lý nhanh chóng dịch kinh nguyệt, cũng như ít ghi nhận tình trạng đau bụng kinh vào thời bấy giờ.

Sinh đẻ thời Edo

Nhà hộ sinh

Vào thời Edo, cơ sở y tế không được trang bị đầy đủ như bây giờ, cho nên người chịu trách nhiệm cho việc sinh sản là các bà đỡ.

Khi em bé chuẩn bị ra đời, người mẹ sẽ được chuyển đến một nhà hộ sinh được gọi là ubuya. Tại đây người mẹ sẽ lâm bồn trong sự giúp đỡ của các phụ nữ khác, và tuyệt đối không có người đàn ông nào tại đây.

Từ xa xưa giống như kinh nguyệt, những thứ gì liên quan đến “máu” đều bị coi là không sạch sẽ, do vậy việc sinh con cũng bị cho là không sạch sẽ kể cả tại thời Edo.

Vì lý do này mà những gian nhà dành riêng cho việc sinh con được xây dựng. Trong cùng một khu dân cư, các hộ gia đình có thể có một nhà hộ sinh chung. Phụ nữ bắt đầu chuyển dạ sẽ tới đó để chờ sinh con.

Đàn ông không tham gia vào quá trình này. Điều phổ biến thời kỳ đó là phụ nữ sẽ giúp đỡ nhau vượt qua dưới sự chỉ đạo của bà đỡ, chuyên gia về sinh sản, và những người khác đun nước nóng và đỡ thân thể người mẹ theo hướng dẫn của bà đỡ.

Bà đỡ không được đào tạo chính quy tại trường lớp, nhưng là người có kinh nghiệm trong việc mang thai và sinh sản, đóng nhiều vai trò khác nhau như chăm sóc phụ nữ mang thai, hướng dẫn và tư vấn, chăm sóc trẻ sơ sinh, hỗ trợ sinh nở và thực hiện phẫu thuật sản khoa dựa trên kinh nghiệm tích lũy của họ. Bà đỡ là một nghề rất được kính trọng trong giới phụ nữ.

Tư thế sinh

Khác với thời hiện đại khi người mẹ thường nằm ngửa, vào thời Edo, phụ nữ thường sinh con ở tư thế ngồi. Người mẹ sẽ nửa ngồi nửa quỳ và bám vào một sợi dây thừng được treo từ trần nhà để lấy sức rặn, giống như tư thế đại tiện. Tư thế này rất khó giữ trong một thời gian dài, cho nên những người phụ nữ khác sẽ giúp người mẹ duy trì tư thế hoặc đặt chăn ra sau lưng để tựa. Đồng thời, người ta tin rằng hét lên khi sinh là nhục nhã, nên thai phụ thường chỉ cắn chặt răng nhịn đau khi sinh.

Tư thế sinh

Sau khi sinh, thông thường người mẹ sẽ không nằm ngay mà sẽ ngồi trong vài ngày. Tất nhiên là có thể ngồi bệt xuống, thường là dựa lưng vào tường. Người ta tin rằng điều này giúp giảm gánh nặng cho cơ thể kiệt sức của người mẹ, tuy nhiên không ai biết nó có thực sự hiệu quả không.

Trẻ sơ sinh thời Edo

Nhau thai được người bố chôn xuống đất, thường là trước nhà vệ sinh hoặc sàn nhà hộ sinh. Người ta tin rằng trẻ em sẽ ghét người đầu tiên bước qua nhau thai, nên người lớn thường dặn nhau tránh bước qua.

Thời hiện đại thường dự trữ cuống rốn với mục đích y học, tuy nhiên vào thời Edo, cuống rốn thường được ngâm rượu và coi như một loại thuốc bổ sử dụng khi đau ốm.

Vào thời Edo, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao đến mức mà cha mẹ luôn chuẩn bị sẵn tâm lý rằng đứa con sẽ lìa đời bất cứ lúc nào. Ngoài ra cũng phổ biến câu nói rằng trẻ em trước 7 tuổi đều thuộc về thần, có nghĩa là tùy vào số mệnh mà đứa trẻ có sống được đến 7 tuổi hay không.

Ngoài ra, phụ nữ Edo kết hôn rất sớm, thậm chí bé gái 12, 13 tuổi cũng đã kết hôn và mang bầu. Kết quả là nhiều phụ nữ có đứa con đầu tiên khi chỉ khoảng mười mấy tuổi, do vậy tỷ lệ tử vong ở cả trẻ sơ sinh và người mẹ đều rất cao.


Nguồn: http://edojidai.info/


Discover more from Những nẻo đường Phù Tang

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply