Dạo một vòng các địa điểm ngắm hoa ở Edo qua tranh nishiki-e

Phong tục ngắm hoa (còn gọi là Hanami trong tiếng Nhật) trở nên phổ biến rộng rãi kể từ thời Edo. Shogun đời thứ ba Iemitsu, Shogun đời thứ tám Yoshimune đã cho trồng hoa anh đào tại nhiều địa điểm, biến những nơi này thành nơi thưởng ngoạn và giải trí cho người dân Edo mỗi dịp xuân về. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu phong tục ngắm hoa thời bấy giờ đã diễn ra như thế nào thông qua các bức tranh nishiki-e. (Bức tranh đầu bài viết là tranh về lễ hội ngắm hoa tại Chiyoda, của những người phụ nữ sống trong Ōoku, hậu cung thành Edo)

Ueno, địa điểm ngắm hoa nổi tiếng ngay từ thời Edo tiền kì

Tại Edo, nơi đầu tiên trở thành địa điểm ngắm hoa nổi tiếng là Ueno. Đương thời, trong khuôn viên đền Kaneiji, nơi thờ tự của nhà Tokugawa, Shogun đời thứ ba Iemitsu (nắm quyền từ năm 1623 đến năm 1651) đã cho trồng giống hoa anh đào Yamazakura lấy từ Yoshino của tỉnh Nara.

Bức tranh phía trên là tác phẩm của Utagawa Hiroshige (1797- 1858) nên được cho là mô tả khung cảnh Edo thời hậu kì. Trong tranh, những người phụ nữ ăn mặc đẹp đang thong thả đi dưới tán hoa anh đào nở rộ. Ngôi chùa được nhìn thấy ở hậu cảnh là Kiyomizu Kannon-dō.

Bức tranh tiếp theo, một tác phẩm khác của Hiroshige, khắc họa khung cảnh của ao Shinobazu, cũng là một địa điểm thuộc Ueno. Xung quanh ao là những cây hoa anh đào đồng loạt khoe sắc, và cả những quán ăn nhỏ nằm san sát. Nhưng khác với bức tranh đầu bài viết, trong bức tranh này chúng ta không thấy hình ảnh mọi người trải thảm và tổ chức yến tiệc.

Lễ hội ngắm hoa anh đào ở Ueno thường đi kèm với việc ăn uống tiệc tùng, ca hát ồn ào nên từng có thời gian bị cấm diễn ra. Có thể bức tranh của Hiroshige được vẽ vào khoảng thời gian này.

Ngắm hoa từ trên sông

Bức tranh này mô tả lễ hội ngắm hoa tại sông Sumida. Trên con đê của sông Sumida, rất nhiều cây hoa anh đào được trồng. Tương truyền rằng, nhờ việc nhiều người đến đây thưởng hoa, nền đất được gắn chặt và gia cố, nên con đê có thể chịu được nước dâng vào mùa mưa.

Trong tranh chúng ta có thể thấy được nhiều du khách ngắm hoa ở trên bờ đê, và cả những người ngắm hoa đang ngồi trên thuyền Yakatabune.

Bức tranh “thầy trò ngắm hoa” ở Asukayama

Thời kì Edo còn·có chuyện các giáo viên của Terakoya dẫn học trò đi ngắm hoa (Terakoya là lớp học tư ban đầu được mở ra tại chùa với mục đích giáo dục cho con em của tầng lớp thợ thủ công và nông dân). Trong tranh là một hàng những học sinh nổi bật với những chiếc ô và khăn tenugui.

Bức tranh “thầy trò ngắm hoa” còn được xem như một cách tuyên truyền cho lớp học tư. Ngày đó, rất nhiều những giáo viên dạy nhảy, dạy hát hay giáo viên dạy về thơ Haiku đã cùng với học trò của mình tham gia lễ hội ngắm hoa.

Asukayama cũng trở thành địa điểm ngắm hoa nổi tiếng

Hoa anh đào được trồng tại Asukayama vào thời Shogun thứ tám Tokugawa Yoshimune (nắm quyền từ năm 1716 đến năm 1745). Người ta cho rằng giống hoa anh đào ở đây được lấy từ những cây hoa anh đào trong nội thành Edo.

Trong tranh là khung cảnh hài hước của một “Anma-san” (người làm nghề mát xa thời xưa, nghề này không đòi hỏi thị lực, nên có nhiều người mù làm công việc này) không còn nhìn được rõ, đã vô tình làm lật ngược hộp cơm trên tấm thảm. Ngay cả một người có trực cảm tốt như “Anma-san” cũng bị lễ hội ngắm hoa làm cho ngây ngất.

Bức tranh cuối cùng là hình ảnh một geigi (tên gọi khác của geisha) đang buộc mảnh giấy tanzaku có ghi bài hát vào một nhành hoa anh đào. Người đàn ông trong hình làm bệ đỡ trong tư thế bò bốn chân trông có vẻ rất hạnh phúc. Keisai Eisen (1790- 1848), họa sĩ nổi tiếng của dòng tranh ukiyo-e với các tác phẩm khắc họa mỹ nhân dường như cũng yêu thích những bức tranh hóm hỉnh như thế này.

Lễ hội ngắm hoa anh đào Hanami là một sự kiện lớn vào thời Edo. Còn bạn, năm nay bạn dự định tổ chức Hanami như thế nào?

Nguồn: https://weathernews.jp/s/topics/201803/230175/


Discover more from Những nẻo đường Phù Tang

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

1 Comment

Leave a Reply