Yêu hận tình thù giữa Nhật Bản và mèo

Nhật Bản có tình yêu mãnh liệt với mèo. Điều này thể hiện rõ nét trong văn hóa đại chúng Nhật Bản: Hello Kitty. Những quán cà phê mèo. Tai mèo điện tử có thể đeo phản hồi trạng thái cảm xúc của bạn. Hàng loạt truyện tranh về mèo. Điểm đến du lịch nổi tiếng Gotokuji, một ngôi chùa ở phường Setagaya của Tokyo, nơi tự xưng là quê hương ban đầu của mèo gọi khách – Maneki Neko. Ngôi chùa mèo nổi tiếng Nyan Nyan Ji ở Kyoto nơi có một nhà sư mèo thực sự.

Mèo có ở khắp mọi nơi trên đất nước Nhật Bản. Có thể dễ dàng nhận thấy chúng được yêu mến, nhưng Nhật Bản cũng rất sợ mèo. Đất nước này có một lịch sử văn hóa dân gian lâu đời, trong đó truyền tụng những câu chuyện đáng sợ về những con mèo có sức mạnh linh dị, từ những kẻ biến hình (bakeneko) đến những con quỷ ăn xác ghê rợn (kasha).

Không rõ mèo tồn tại ở Nhật Bản từ bao giờ, có lẽ là theo con đường tơ lụa từ Ai Cập đến Trung Quốc và Hàn Quốc, và sau đó vượt biển đến Nhật. Lý do mèo được mang vào Nhật có thể là để ngăn chuột đến gần những bộ kinh Phật quý giá được viết trên giấy da thuộc, hoặc như những món quà đắt tiền được trao đổi giữa các hoàng đế. Nhiều khả năng cả hai điều này đã xảy ra vào những thời điểm khác nhau.

Ghi chép sớm nhất về mèo được cho là cuốn nhật ký của Thiên hoàng Uda viết vào 11/3/889 khi ngài 17 tuổi.

Lược dịch:

“Ngày 6 tháng 2, Kampo nguyên niên.

Nhân dịp rảnh rỗi, ta muốn bày tỏ niềm vui với mèo cưng. Đây là quà tặng từ hải ngoại dành cho tiên hoàng, do Minamoto no Kuwashi dâng tặng.

Nó có bộ lông mang màu sắc vô song, không có ngôn từ nào lột tả được, mặc dù một người nói rằng nó giống như màu mực đậm đặc nhất. Ta đeo cho nó một chiếc nơ nhưng rồi cũng không được lâu.

Khi giận dỗi, nó nheo mắt và giơ móng lên, quay lưng lại phía ta.

Khi nằm xuống, nó cuộn tròn như đồng xu. Ngươi không thể nhìn thấy chân của nó. Nó như thể là một đĩa tròn. Khi nó đứng lên, tiếng kêu của nó thể hiện sự cô đơn sâu sắc, giống như một con rồng đen lơ lửng trên mây.

Về tính tình, nó thích rình rập chim chóc. Nó cúi thấp đầu và phe phẩy đuôi. Nó có thể rướn lên rất cao. Màu lông đặc biệt làm nó như biến mất trong màn đêm. Ta tin rằng nó là con mèo vượt trội nhất trên tất thảy loài mèo.”

Vậy đấy, dù là Thiên Hoàng hay thường dân, tất cả đều thần phục trước loài mèo, cưng nựng mèo cưng của mình và coi chúng là con mèo tuyệt vời nhất trong tất cả những con mèo.

Mặc dù ban đầu mèo được buôn bán như những vật vô giá ở Nhật Bản, tuy nhiên không giống như vàng, đá quý hay lụa quý hiếm, những báu vật đầy lông này có khả năng làm được điều mà những vật có giá trị khác không thể – nhân lên. Mèo tạo ra nhiều mèo hơn. Qua nhiều thế kỷ, loài mèo được sinh sản và lan rộng cho đến thế kỷ 12, chúng phổ biến trên khắp hòn đảo Nhật Bản.

Đó là lúc chúng bắt đầu biến hình.

Từ lâu, dân gian Nhật Bản đã quan niệm rằng khi mọi sinh vật sống quá lâu, chúng sẽ biểu hiện ra sức mạnh kỳ diệu (thành tinh). Có rất nhiều câu chuyện cổ về cáo, chồn, sói thành tinh, thậm chí cả ghế thành tinh. Tuy nhiên, mèo dường như có phần độc đáo trong vô số sức mạnh mà chúng có thể sở hữu — và vô số hình dạng của chúng. Có lẽ điều này là do mèo vốn không phải là loài bản địa của Nhật Bản. Trong khi xã hội Nhật Bản phát triển cùng với cáo và chồn, mèo sở hữu khí chất đến từ thế giới bên ngoài, kết hợp điều đó với bản chất bí ẩn tự nhiên của mèo, khả năng co giãn uốn dẻo cơ thể thần kỳ, cách chúng có thể đi lại không hề gây ra tiếng động và đôi mắt phát sáng của chúng thay đổi hình dạng trong bóng đêm – công thức hoàn hảo cho một loài động vật kỳ diệu.

“Chú mèo siêu nhiên” đầu tiên ở Nhật Bản được ghi nhận là vào thế kỷ 12. Theo các ghi chép, có một con mèo hai đuôi khổng lồ, ăn thịt người được mệnh danh là nekomata đã rình rập một khu rừng ngày nay là tỉnh Nara, cố đô của Nhật Bản. Nara được bao quanh bởi núi và rừng. Những người thợ săn và tiều phu thường xuyên vào những khu rừng quanh thành phố này để buôn bán. Mặc dù họ đã biết về những nguy hiểm thường gặp trong rừng, quái vật mèo này lại vượt xa tưởng tượng của họ. Người ta nói rằng có nhiều người đã bị nekomata ăn thịt. To lớn và mạnh mẽ, chúng giống như những con hổ hai đuôi hơn là mèo cưng được nuông chiều của Thiên Hoàng Uda. Trên thực tế, nekomata có thể có thật, nhưng là một con hổ. Ngày nay, có suy đoán rằng truyền thuyết về nekomata xuất phát từ một con hổ vốn được đưa từ Trung Quốc sang, nhưng trốn thoát ra ngoài; hoặc những gia súc hay vật nuôi khác bị mắc bệnh dại.

Thế kỷ 12 khép lại cùng những câu chuyện về nekomata và loài mèo siêu nhiên không được nhắc đến nhiều trong vài thế kỷ. Sau đó là sự xuất hiện của thời kỳ Edo, khi những câu chuyện về mèo thành tinh của Nhật Bản thực sự bùng nổ.

Bắt đầu từ khoảng năm 1600, đất nước đã trải qua một thời kỳ nở rộ của nghệ thuật và văn hóa. Nhà hát kịch Kabuki. Sushi. Các nghệ nhân tranh mộc bản ukiyo-e. Geisha. Máy in đầu tiên ở Nhật Bản. Tất cả những hiện tượng thời Edo này đã dẫn đến sự phát triển rực rỡ của ngành công nghiệp in ấn cho mọi tầng lớp — cũng có thể được coi là tiền thân của manga. Và như các nhà văn và nghệ sĩ sớm phát hiện ra, đất nước đang khao khát những câu chuyện thần bí về ma quỷ – yokai. Bất kỳ tác phẩm nghệ thuật hay vở kịch sân khấu nào nhuốm màu siêu nhiên đều nhanh chóng được ưa thích.

Trong thời kỳ hoàng kim này, một loài mèo siêu nhiên mới đã xuất hiện – một con mèo có thể thay đổi hình dạng: bakeneko. Khi Nhật Bản đô thị hóa, quần thể mèo và người cùng tăng dân số. Bấy giờ, mèo ở khắp mọi nơi; không chỉ là vật nuôi trong nhà để đuổi chuột, mà còn là đám mèo hoang sống bằng thức ăn thừa từ quầy sushi hay ramen. Cùng với đó là những câu chuyện về con mèo có thể biến thành hình dạng con người.

Kỹ nữ bakeneko

Có thể lý giải như sau. Những ngôi nhà Nhật Bản hầu hết được thắp sáng bằng đèn dầu cá. Mèo rất thích đến gần để liếm láp và vào ban đêm, dưới ánh đèn rực rỡ, chúng đổ bóng rất lớn lên các bức tường, dường như biến thành những sinh vật to lớn và khi chúng vươn người như thể đứng bằng hai chân sau. Theo truyền thuyết, những con mèo sống lâu bất thường sẽ hóa thành bakeneko, giết chủ nhân của chúng và thay thế họ.

Tuy nhiên, không phải tất cả bakeneko đều giết người. Vào khoảng năm 1781, tin đồn bắt đầu lan truyền rằng một số kỹ nữ mua vui quanh ở thủ đô Edo hoàn toàn không phải là con người, mà là bakeneko biến thành. Sau đó ý tưởng này lan rộng ra khỏi khu phố lầu xanh, trở thành một thế giới mèo bí ẩn, bao gồm các diễn viên kabuki, nghệ sĩ, diễn viên hài và các á nhân khác. Loài mèo biến hình này rời nhà vào ban đêm, mặc kimono, mang theo rượu sake và shamisen, và tổ chức những bữa tiệc thác loạn trước khi trở về nhà vào lúc bình minh. Điều này được phản ánh qua rất nhiều tranh ukiyo-e thời đại này, với những minh họa về người có khuôn mặt mèo, hoặc những đám nửa người nửa mèo chơi xúc xắc và hút tẩu.

Tiệc của bakeneko

Trong khi bakeneko là loài mèo tinh phổ biến nhất ở Nhật Bản — và chắc chắn là loài hấp dẫn nhất về mặt nghệ thuật — có những loài mèo tinh khác nữa.

Ví dụ như kasha, một con quỷ từ địa ngục chuyên săn xác chết. Giống như nekomata và bakeneko, kasha đã từng là những con mèo nhà bình thường. Tuy nhiên mùi hương của xác chết đã mang đến cho chúng một khao khát tàn bạo đến mức chúng đã biến thành những con quỷ khát máu. Với sức mạnh tiềm tàng của mình, chúng được cho là có thể điều khiển xác chết như những con rối, khiến họ đứng dậy và nhảy múa. Câu chuyện về kasha vẫn là một phần của văn hóa liên quan đến tang lễ ở Nhật Bản. Theo phong tục, khi người thân qua đời, người ta sẽ đưa thi hài về nhà để phúng viếng. Kể cả bây giờ thì mèo vẫn không được phép ở nhà khi tổ chức nghi lễ này.

Mèo tinh kasha ăn xác chết

Một số sinh vật mèo, như neko musume, được cho là con lai giữa mèo và người. Chúng được cho là sinh ra từ lời nguyền của mèo đối với những thợ chế tác đàn shamisen do sử dụng da mèo để làm mặt đàn. Nếu người thợ đàn shamisen quá tham lam, ông ta có thể bị nguyền rủa bằng một đứa con neko musume – có hình dạng người nhưng không thể nói mà chỉ kêu như mèo, cào cấu và ăn thịt chuột.

Có lẽ loài mèo siêu nhiên tồn tại lâu nhất thời Edo là maneki neko, hay chú mèo may mắn. Mặc dù thực sự là được tạo ra với mục đích thương mại, chú mèo vẫy tay này có nguồn gốc từ dân gian. Ngôi chùa Gotokuji kể về một chú mèo tình cờ đã cứu một lãnh chúa samurai khỏi bị sét đánh trong một trận bão kinh hoàng. Vị lãnh chúa đứng ra bảo trợ cho ngôi chùa vẫn tồn tại cho đến ngày nay, bán ra hàng nghìn mẫu maneki neko cho du khách. Ngoài ra, có một nguồn khác kể về một bà lão nghèo mơ thấy một con mèo. Con mèo bảo bà làm một con mèo bằng đất sét để bán ở chợ. Người phụ nữ chào bán tượng mèo và kể câu chuyện của mình, bán ngày càng nhiều tượng mèo cho đến khi giàu có và hạnh phúc. Những bức tượng mèo tương tự này vẫn được bán trên toàn thế giới ngày nay với tên gọi Maneki Neko. Rõ ràng, cả hai câu chuyện đều không thể là sự thật, nhưng điều đó không ngăn cản doanh số bán hàng tăng vọt. Thật thú vị khi mọi câu chuyện dân gian đều có mục đích kiếm tiền. Ngay cả các họa sỹ ukiyo-e cũng phát hiện ra rằng tác phẩm bakeneko của họ bán chạy hơn.

Văn hóa dân gian Nhật Bản vẫn còn rất nhiều câu chuyện thú vị liên quan đến loài mèo. Hầu hết truyện thần thoại về mèo đều được sinh ra vào thời Edo, tuy nhiên tất nhiên vào thời hiện đại vẫn có những loài mèo siêu nhiên mới được hình thành. Nhật Bản yêu mèo, và hẳn là cũng rất sợ mèo tinh.


Nguồn: https://www.smithsonianmag.com/arts-culture/japans-love-hate-relationship-with-cats-180975764/


Discover more from Những nẻo đường Phù Tang

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply