Thảm họa tự nhiên và con người Nhật Bản

Lược dịch bài viết của nhà sử học Alexander N. MESHCHERYAKOV

Động đất ít được nhắc đến trong điển tích

Nhật Bản đứng ở vị trí hàng đầu trong các quốc gia thường xảy ra địa chấn. Nếu lần theo dòng lịch sử, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều ghi chép về động đất. Nhưng trong văn học cổ điển Nhật Bản, chỉ có rất ít những ghi chép liên quan được tìm thấy. Có hai nguyên nhân chủ yếu lý giải cho sự kì lạ này.

Động đất là thảm họa có khả năng hủy diệt một thành phố. Những người đã ra đi do hứng chịu động đất đa phần là những người dân sống ở các đô thị, trong đó cái chết của họ phần nhiều đến từ các nguyên do như hỏa hoạn, nhà cửa sụp đổ hay bị gạch đá đè lên. Nhưng tình trạng này chủ yếu diễn ra kể từ thời cận đại. Thời kì cổ đại và trung cổ, không có nhiều thành phố và thị trấn, đại bộ phận chỉ ở quy mô những ngôi làng nhỏ, kiến trúc duy nhất có thể xem là cao tầng là tòa bảo tháp năm tầng của Phật giáo.

Bên cạnh đó, kết cấu của những ngôi nhà truyền thống của Nhật Bản được tạo nên dựa trên kĩ thuật và tri thức của các bậc tiền nhân đúc kết qua hàng nghìn năm lịch sử, nên có khả năng chống chịu được các cơn địa chấn mạnh. Bộ khung nhà, không được cố định bởi đinh, mà nhờ các thân gỗ lớn được khớp với nhau một cách kiên cố, những bức tường ngăn cách các không gian (còn gọi là fusuma), được làm từ giấy. Rất khó để xây dựng được một ngôi nhà như thế này theo tiêu chuẩn kiến trúc hiện đại, trong đó các cột trụ không được chôn xuống đất, và cũng không gắn cố định với nền nhà. Từng cột trụ một được đặt trên các tảng đá, thứ giữ vai trò nền móng của ngôi nhà, được gọi là “ishibadate”. Cấu trúc này giúp cho ngôi nhà như nổi lên khỏi mặt đất, tách biệt khỏi những chấn động dù là nhỏ nhất. Nói cách khác, nhờ chuyển động riêng rẽ với mặt đất mà ngôi nhà có khả năng hấp thụ hoàn hảo năng lượng đến từ các rung chấn.

https://ayabekoumuten.jp/ishiba

Lí do thứ hai cho câu hỏi tại sao có quá ít những ghi chép về động đất được cho là đơn thuần đến từ tư tưởng đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân Nhật Bản. Theo triết học chính trị tại xử sở Phù Tang (cũng như các quốc gia khác thuộc khu vực Đông Á), động đất, hiện tượng vượt quá khả năng hiểu biết của con người, được cho là xảy ra để trừng phạt những chính quyền xấu xa đang áp bức dân chúng. Vì thế những người thử ghi chép lại về động đất, hay vẽ tranh mô tả khung cảnh khi động đất diễn ra được xem là có hành vi xấc láo, và bị lọt vào tầm ngắm của các thế lực nắm quyền thời bấy giờ.  

Việc không muốn ghi chép lại hiện trạng của thảm họa tự nhiên diễn ra không chỉ riêng đối với động đất, mà còn cả với núi lửa. Ngày nay núi Phú Sĩ là biểu tượng cho vẻ đẹp của tự nhiên của Nhật Bản, nhưng nếu nhìn suốt chiều dài lịch sử thì không phải lúc nào cũng như vậy. Thời Edo, người dân tôn kính núi Phú Sĩ như một thánh địa thiêng liêng, nơi cội nguồn của sinh mệnh nhưng cũng đồng thời e sợ ngọn núi này. Lần phun trào cuối cùng của núi Phú Sĩ xảy ra vào năm 1707 (năm Bảo Vĩnh thứ tư), giai đoạn Edo trung kì. Lần phun trào này diễn ra sau hàng chục dư chấn của cơn đại địa chấn Bảo Vĩnh, khiến cho toàn bộ nhà cửa làng mạc tại Edo bị bao phủ bởi tro bụi núi lửa. Một thảm họa tự nhiên có quy mô lớn đến mức này, nhưng hầu như không có mấy ghi chép được giữ lại. Các họa sĩ đương thời sau ngày đó vẫn vẽ những bức tranh mô tả hình dáng một núi Phú Sĩ đẹp đẽ và đầy uy nghiêm, cứ như thể sự kiện núi lửa phun trào chưa từng xảy ra. Các nhà thơ cũng cư xử tương tự như vậy.

Đại địa chấn Kanto, thảm họa lớn nhất thế kỉ 20

Từ thế kỉ 20 trở đi, nỗi sợ hãi của người dân Nhật Bản đối với động đất ngày một lớn hơn. Quá trình tăng dân số đã thúc đẩy người dân sinh sống tập trung tại các vùng đô thị, kiến trúc nhà gỗ khi xưa cũng được thay thế bởi kiến trúc nhà làm từ gạch. Kết cục là thiệt hại khi thảm họa xảy ra lớn hơn trước rất nhiều. Người dân cũng dần sống ở cả những vùng ven biển. Mỗi cơn báo lớn quét qua mang theo tính mạng của hàng trăm người không còn là chuyện hiếm.

Thảm họa tự nhiên lớn nhất thế kỉ 20 mà Nhật Bản phải đối mặt có lẽ là cơn đại địa chấn Kanto diễn ra vào ngày 1 tháng 9 năm 1923. Lúc bấy giờ, dân số Tokyo vào khoảng 3 triệu người, nhưng số người chết cháy do hỏa hoạn sau động đất, do ngạt thở vì nhảy xuống sông sau khi bị lửa thiêu, hay do bị gạch đá đè lên, tất cả lên tới 10 vạn người. Các cơ sở hạ tầng như điện, nước, điện thoại, điện báo bị tê liệt. Các tòa nhà làm bằng đá được giới thiệu như là các địa danh mới nổi trong sách hướng dẫn du lịch Tokyo thời bấy giờ, bị phá hủy hoàn toàn.

Thánh đường Nikorai-do, trong suốt một thời gian dài được xem là tòa nhà cao nhất Tokyo,  được xây dựng vào năm 1891 bởi tổng giám mục Ivan Dmitrovich Kasatkin (sau này được biết đến với tên gọi thánh Nicholas, Nicholas of Japan), ông là người di cư đến Nhật từ Nga với mục đích truyền bá Chính thống giáo. Tháp chuông và mái vòm của thánh đường đã sụp đổ trong cơn đại địa chấn.

Tokyo, Nikorai-do

Tòa nhà duy nhất chống chịu được thảm họa tàn khốc này là khách sạn Imperial Hotel, được hoàn thành chỉ một năm trước khi trận động đất xảy ra. Khách sạn được thiết kế bởi kiến trúc sư huyền thoại của thế kỉ 20, Frank Lloyd Wright, trở thành kiến trúc bằng đá đầu tiên tại Nhật Bản có khả năng chịu được động đất.

Tokyo và một khu vực rộng lớn xung quanh bao gồm các tỉnh lân cận như Kanagawa phải gánh chịu thiệt hại vô cùng to lớn, ước tính gấp 4 lần ngân sách quốc gia vào thời điểm bấy giờ.

Người dân Nhật Bản vững vàng trước bi kịch

Sự loạn lạc đến từ thảm họa tự nhiên chưa từng có không làm mất đi ý chí của con người Nhật Bản. Mọi người dù chứng kiến những cái chết diễn ra ngay trước mắt, vẫn cố gắng giữ lấy phẩm cách của chính mình. Tác giả người Nga, Boris Pilnyak trong cuốn sách “The Roots of the Japanese Sun” đã viết thế này.

“Sau trận đại hỏa hoạn diễn ra sau trận động đất, những người còn sống sót đã tập trung nhau lại để cùng mai táng những người đã ra đi. Rất nhiều thi thể bị cháy rụi nằm theo một trật tự ngay trước mắt họ. Bên dưới những thi thể ấy, họ tìm ra được một vài đứa trẻ vẫn còn hơi thở. Hóa ra đây là thi thể của những người lớn, đã tự nguyện xếp thành hàng rào, mặc cho ngọn lửa thiêu đốt, hi sinh thân mình làm lá chắn với hi vọng những đứa trẻ được sống sót”.

The Roots of the Japanese Sun

Trong những ghi chép của nhà ngoại giao người Ba Lan Stanislaw Patek viết về cuộc tái ngộ kì diệu của người cha và con gái bị chia ly trong loạn lạc sau trận động đất có đoạn.

“Sau thảm họa, người cha và con gái lạc mất nhau tình cờ gặp lại trên đường. Khi nhận ra nhau từ đằng xa, họ cũng không vội chạy lại ôm chầm lấy nhau. Hai người tiến lại, cúi chào thật sâu, với hai bàn tay để lên nhau, đặt phía trước cơ thể, theo phong cách lễ nghi truyền thống của Nhật Bản, giữ im lặng và chỉ nói với nhau lời chào konbanwa. Lúc này hai người hoàn toàn không chạm vào nhau”.

Con người khi cùng trải qua và chia sẻ nỗi đau với người khác sẽ càng có những cảm xúc mang tính con người hơn. Nhà văn Akutagawa Ryūnosuke đã viết về thảm họa những dòng như sau.

“Khi cơn đại địa chấn cuối cùng cũng lắng xuống, những người chạy khỏi nhà lánh nạn bỗng trở nên vô cùng thân ái. Đâu đâu cũng là khung cảnh mọi người trò chuyện với nhau một cách thân thiết, trao cho nhau cả những điếu thuốc và những quả lê, trông nom cho con cái của nhau, bất kể có phải là hàng xóm láng giềng hay không. Những người chạy nạn tới bãi cỏ, mở lòng với nhau và dường như đang tận hưởng niềm vui của chính họ. Lòng nhân ái lan tỏa trong đám đông quả nhiên là một cảnh tượng tuyệt đẹp chưa từng có. Tôi trân trọng và mong những kí ức này đi theo mình mãi mãi”.

Tiếp sau cơn đại địa chấn Kanto, một thảm họa động đất khác tầm cỡ thế giới được lưu lại trong kí ức là trận đại động đất Hanshin (7.2 độ richte) diễn ra vào ngày 17 tháng 1 năm 1995. Trận động đất cướp đi sinh mạng của 6000 người này đã khiến cho người ta nhận ra nhiều thiếu sót của công tác ứng cứu trong thảm họa, cũng như những khuyết điểm tồn tại trong cấu trúc của rất nhiều tòa nhà. Các biện pháp ứng phó chậm trễ của chính phủ đã làm bùng nổ sự bất mãn của dân chúng. Đến mức các tổ chức xã hội đen còn tự đứng ra đem thực phẩm và nước uống phân phát cho người chịu thiệt hại. Trong muôn trùng khó khăn người dân Nhật Bản vẫn nhất quyết không hành động vì lợi ích cá nhân, mà luôn thể hiện tinh thần hợp tác giúp đỡ lẫn nhau. Ngay cả những người đã mất tất cả, không còn gì ngoài tấm áo trên người, không một ai đột nhập vào nhà người khác hay các cửa hiệu để cướp bóc. Họ kiên  nhẫn xếp hàng một cách trật tự, đợi đến lượt mình để nhận thực phẩm và hàng cứu trợ.

Rất nhiều bài học đã được rút ra sau thảm họa động đất Hanshin năm 1995. Các tiêu chuẩn về vật liệu xây dựng cũng như khả năng chống động đất của các tòa nhà được qui định ở một mức cao và chặt chẽ hơn. Những bài giảng về cách ứng phó khi thảm họa xảy ra được thực hiện một cách có hệ thống hơn đối với tất cả người đân trên toàn quốc. Nhưng tự nhiên vận hành theo cách của tự nhiên, và có những kịch bản không thể đoán trước được.

Ngày 11 tháng 3, tinh thần Nhật Bản không hề thay đổi

Thứ bảy, ngày 12 tháng 3 năm 2011, tôi dậy trễ hơn thường lệ. Khi mở radio lên, tôi mới hay tin một ngày trước, một trận động đất cực lớn đã xảy ra, kéo theo cơn sóng thần khổng lồ đã đổ bộ vào Nhật Bản. Thông tin chi tiết như số lượng thương vong chưa sáng tỏ. Ngay trưa hôm đó, tôi nhận được điện thoại từ đài TV Rain (một kênh truyền hình của Nga), với lời mời tham gia bình luận trên chương trình về tình hình của Nhật Bản. Khi chương trình bắt đầu, người dẫn chương trình đã nói về tình trạng cướp phá đang diễn ra trong hoảng loạn tại tỉnh Fukushima. Nhưng tôi đã ngay lập tức phản bác “với những gì tôi biết về Nhật Bản, không bao giờ có chuyện những hành vi cướp bóc như vậy có thể xảy ra, tôi không tin vào câu chuyện này”. Người dẫn chương trình hoàn toàn không đồng tình với những gì tôi nói. Nhưng chẳng mấy chốc, thông qua các phương tiện truyền thông, cả thế giới đã được tận mắt chứng kiến, không mảy may có một hành vi cướp bóc nào trong thảm họa tại Nhật Bản. Những biến cố đã xảy ra thật kinh hoàng, nhưng tôi rất hạnh phúc khi biết được người dân Nhật Bản không hề phản bội lại niềm tin của mình.

Gần đây, tôi được nghe nhiều người không am hiểu về Nhật Bản nói rằng đất nước này đã thay đổi rất nhiều so với khi xưa. Người dân hầu như không còn mặc trang phục truyền thống, chỉ nghe nhạc Âu Mỹ, và ăn bánh mì nhiều hơn cơm. Có rất nhiều những thay đổi như thế này được nêu ra. Nhưng tất cả những thay đổi ấy chẳng qua chỉ là bề nổi, những thứ dễ đập vào mắt người khác. Trong lịch sử dài lâu, dù trải qua thời đại nào đi nữa, người dân Nhật Bản vẫn luôn trung thực, coi trọng và không ngừng bảo vệ những giá trị mang tính tinh thần. Một trong những giá trị tinh thần ấy là việc xem hành vi cướp bóc tài sản của người khác là một việc làm xấu xa và tồi tệ.

Ngoài ra, dạo này tôi còn nghe được nhiều lời phê bình “thế hệ trẻ Nhật Bản ngày nay chỉ quan tâm đến những vấn đề riêng, mang tính cá nhân, chứ không bận tâm đến quốc gia và toàn thể xã hội. Thế hệ này thật kém cỏi nếu đem so sánh với những thế hệ trước, những người đã góp phần hồi sinh Nhật Bản sau thế chiến thứ hai”. Nhưng những lời phê bình như thế này đã được làm rõ là không chính xác khi thảm họa xảy ra. Nhiều người trẻ trên khắp cả nước đã tình nguyện tham gia công tác khắc phục sau thảm họa. Tại vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, bản thân tôi đã may mắn có dịp gặp gỡ một họa sĩ chuyên vẽ Manga thiếu niên, giờ vẽ chân dung cho những người còn sống sót, và một chuyên viên làm đẹp trẻ tuổi nhận cắt tóc miễn phí cho mọi người.

Bi kịch xảy ra ở Fukushima không chỉ dừng lại ở việc làm sáng rõ tinh thần tuyệt vời của người dân Nhật Bản. Đó còn là lời nhắc nhở chúng ta phải nhìn thẳng vào những vấn đề mà các quốc gia trên toàn thế giới phải đối mặt. Cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, con người tự lúc nào đã nhầm tưởng rằng bản thân mình là một chủ thể toàn năng, có khả năng thuần hóa được tự nhiên. Một sai lầm nghiêm trọng. Tôi cho rằng việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại một quốc gia phải hứng chịu nhiều động đất như Nhật Bản, ngay từ đầu đã là một sai lầm. Thảm họa ở Fukushima không chỉ do lỗi của tự nhiên, mà còn có phần lỗi của con người. Trong tương lai, khi xây dựng thứ gì mới, con người phải luôn ghi nhớ rằng tự nhiên có luật của tự nhiên, và tự nhiên sẽ không bao giờ tha thứ cho sự ngạo mạn và những sai lầm của con người. Dù vậy, kể từ nay tôi sẽ vẫn giữ niềm tin vào một sức mạnh tuyệt vời khác của người Nhật Bản, đó chính là khả năng “học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ”.  

Bức tranh đầu bài viết là tranh Namazu-e, thể hiện khung cảnh người dân trừng trị con quái vật Onamazu. Thời đại Edo, người ta tin rằng do những hoạt động của con quái vật này mà động đất xảy ra. Trận động đất Ansei Edo diễn ra vào năm 1855.

Nguồn: https://www.nippon.com/ja/column/g00353/?cx_recs_click=true


Discover more from Những nẻo đường Phù Tang

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply