Điều gì đang cản trở các lãnh đạo nữ giới, và đôi dòng suy nghĩ nhân ngày Quốc tế Phụ nữ.

Báo Nikkei 8/3/2021

Hôm nay là ngày Quốc tế Phụ nữ. Năm 1904, cuộc biểu tình đòi quyền bầu cử của phụ nữ tại New York Mỹ đã trở thành tiền đề cho ngày này. Tại Nhật Bản, vào năm 1946, phụ nữ đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử hạ viện đầu tiên sau chiến tranh thế giới thứ hai, và kết quả là 39 nữ nghị sĩ đã trúng cử. Con số này chỉ chiếm vỏn vẹn 8.4% tổng số hạ nghĩ sĩ nhưng đã mang tới niềm hi vọng cho rất nhiều phụ nữ rằng nước Nhật sẽ thay đổi. 75 năm đã trôi qua kể từ ngày lịch sử ấy, trải qua ba triều đại Chiêu Hòa, Bình Thành, Lệnh Hòa, tỉ lệ nữ nghị sĩ tại Hạ Viện hầu như không có quá nhiều thay đổi, hiện ở mức 9.9%. Dù số lượng nữ nghị sĩ đã tăng lên, nhưng chỉ dừng lại mức xấp xỉ 1/10 trên tổng số. Điều gì đang là trở ngại ngăn chặn sự đóng góp của các lãnh đạo nữ giới?

Theo số liệu được công bố bởi ngân hàng thế giới vào ngày 23 tháng 2, Nhật Bản xếp thứ 80, ngang hàng với Việt Nam và Columbia trong cuộc điều tra về sự phân biệt nam nữ xung quanh quyền lợi mang tính kinh tế. Nguyên do là Nhật Bản nhận các đánh giá thấp một cách đáng kinh ngạc ở hạng mục “nơi làm việc” và “tiền lương”, khi xem xét đến cách xử lí của các doanh nghiệp với nạn quấy rối tình dục công sở hay hoạt động tuyển dụng.

Theo tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thế giới OECD, tiền lương của nữ giới Nhật Bản thấp hơn khoảng 24% so với nam giới, và thấp hơn mức tiền lương trung bình với khoảng cách tương đối lớn (13%). Số phụ nữ có việc làm đã tăng lên tới 30 triệu người, nhưng hơn một nửa trong số đó không phải là nhân viên chính thức với công việc làm ổn định. Tổng số tiền lương nhận được kể từ khi tốt nghiệp rồi bắt đầu đi làm cho đến khi nghỉ hưu giữa nam và nữ có trình độ học vấn tương đương có khoảng cách lên đến hơn 50 triệu yên.

Những hoạt động nhằm thay đổi tình trạng phân biệt giới tính đang được tiến hành trên toàn cầu

  • Thu hẹp khoảng cách về tiền lương

Tại Iceland, chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp phải đạt được chứng nhận chi trả tiền lương ngang bằng giữa nam và nữ vào năm 2018.

Tại Anh, chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp ở một quy mô nhất định, phải công khai thông tin về sự khác biệt tiền lương giữa nam và nữ vào năm 2017.

  • Phân chia vai trò bình đẳng giữa nam và nữ trong gia đình

Tại Pháp, kể từ tháng 7 năm 2021, nam giới được phép nghỉ 28 ngày khi con chào đời, trong đó có ít nhất 1 tuần phải nghỉ bắt buộc.

  • Tăng tỉ lệ nữ giới có quyền đưa ra quyết định

Tại Đức, chính phủ qui định hội đồng kiểm toán và giám sát của các doanh nghiệp lớn phải có hơn 30% thành viên là nữ giới vào năm 2016.

Tại bang Ontario của Canada, chính quyền yêu cầu các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Toronto hàng năm phải đưa ra báo cáo về thiết lập mục tiêu và tỉ lệ nữ giới trong hội đồng quản trị.

Tại bang California Hòa Kì, đối với các doanh nghiệp được niêm yết trên sàn chứng khoán có đặt trụ sở chính tại bang, nếu có từ 5 thành viên trong hội đồng quản trị trở lên, từ năm 2018 phải bổ nhiệm ít nhất hai thành viên là nữ giới.

  • Tăng số nữ nghị sĩ

Tại Đài Loan, vào năm 2015 các chính Đảng đã thống nhất số ghế dành cho các đại biểu nữ tại Quốc hội không được phép thấp hơn 50%.

Tại Hàn Quốc, tỉ lệ ứng cử viên đại biểu Quốc hội là nữ giới phải chiếm từ 50% trở lên. Đối với các cuộc bầu cử ở cấp thấp hơn như cấp Quận, cần cố gắng đạt được tỉ lệ nữ ứng cử viên chiếm 30%. Chính phủ chi trả tiền hỗ trợ tương ứng với tỉ lệ nữ giới.  

Nạn quấy rối đang ngày một trở nên trầm trọng. Trong bản kế hoạch cơ bản của hội nghị về bình đẳng giới lần thứ năm diễn ra vào tháng 4 năm 2021, điều khoản về ngăn chặn hành vi quấy rối tình dục nơi công sở đã được thêm vào theo nguyện vọng của các đại biểu nữ giới trẻ.

Cha của Malala Yousafzai, nữ sinh từng nhận giải Nobel hòa bình năm 2014, khi được hỏi về phương pháp giáo dục con cái đã trả lời rằng “tôi đơn thuần chỉ không cắt đi đôi cánh của con gái mình, mà trao cho cháu cơ hội được học tập”. Tại Nhật Bản, chỉ vì mang giới tính nữ, “đôi cánh” của rất nhiều người đã bị cắt bỏ bởi những định kiến ăn sâu vào tư tưởng về cách phân chia vai trò công việc theo giới tính, cũng như những qui định khắt khe đối với nữ giới vẫn còn tồn tại trong xã hội, đến mức có cả những trường hợp nữ sinh bị từ chối cho học lên các bậc cao hơn của ngành y khoa sau đại học. Pháp luật nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục cũng không tồn tại.

Theo những phân tích từ các báo cáo trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm 2019 đến tháng 10 năm 2020, chỉ trong vòng 1 năm, có đến 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiến hành cải cách pháp luật và các qui chế.

Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia, doanh nghiệp đã tích cực xem xét lại và cải thiện các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới. Năm 2018, Hàn Quốc trong nỗ lực thúc đấy phụ nữ tham gia nhiều hơn vào chính trị, đã đặt ra qui định tỉ lệ đại biểu nữ tham gia ứng cử phải chiếm ít nhất 50% trong danh sách ứng cử viên. Nước Anh qui định phải công khai thông tin về sự khác biệt tiền lương giữa nam và nữ.

Tên công tyNội dung
Visa Kí vào tuyên ngôn xóa bỏ khoảng cách tiền lương giữa nam và nữ. Xây dựng cơ chế bình đẳng trong phương pháp làm việc và đánh giá thăng tiến không phân biệt giới tính.
Philip Morris InternationalĐiều tra về qui trình đánh giá nhân sự có tồn tại sự phân biệt dựa theo giới tính hay không. Nếu có, tiến hành xem xét lại và sửa đổi.
Kimberly-ClarkThực hiện chương trình đào tạo lãnh đạo trong vòng 1 năm đối với những ứng cử viên nữ cho vai trò lãnh đạo cao cấp. Đồng thời có sự kèm cặp và hướng dẫn trực tiếp của các thành viên trong ban lãnh đạo.
Bank of AmericaThực hiện chương trình đào tạo lãnh đạo trong vòng 7 tháng và hỗ trợ phát triển sự nghiệp trong vòng 10 tháng đối với nữ giới.
Goldman SachsBắt đầu chương trình tài trợ đào tạo nữ giới trong vai trò lãnh đạo vào năm 2009 tại khu vực châu Á, nhằm hỗ trợ sự thăng tiến của các nhân viên nữ.
SalesforceĐưa vào cơ chế kiểm tra mang tính liên tục sự chênh lệch tiền lương hay thăng tiến giữa nam và nữ.
IkeaTuyên bố đảm bảo tỉ lệ nam nữ ngang bằng trên tất cả các quốc gia, không phân biệt chức vụ hay cấp bậc. Bảo đảm mức lương bình đẳng giữa nam và nữ.
NestléĐịnh hình kế hoạch tăng tốc bình đẳng giới. Hướng tới mục tiêu năm 2022 nữ giới chiếm 30% các vị trị lãnh đạo quan trọng.
UnileverBằng cách sử dụng những công cụ đánh giá và ghi chép lại việc bổ nhiệm nữ giới vào vai trò lãnh đạo, đã đạt được tỉ lệ 50% nữ giới đảm nhiệm chức vụ quản lí trên toàn thế giới.
Deutsche Post DHL GroupDựa vào các điều tra nhân viên trên toàn thế giới, thực hiện hỗ trợ nhân viên nữ phát triển sự nghiệp và cải thiện phong cách làm việc.

Các doanh nghiệp như Ikea đã đưa ra kêu gọi bình đẳng về tỉ lệ lãnh đạo và cấp bậc giữa nam và nữ, Unilever thậm chí đã đạt được tỉ lệ nữ giới giữ chức vụ quản lý chiếm 50%. Tại thủ đô Paris của Pháp, chính quyền thành phố có qui định tuyển dụng vị trí lãnh đạo với tỉ lệ trên 40% ứng với mỗi giới tính nam và nữ, nhưng thậm chí nữ giới được tuyển dụng nhiều tới mức bị xem là vi phạm qui chế.

“Ra dáng đàn ông, ra dáng phụ nữ” là những định kiến tồn tại trong cuộc sống thường ngày mà ai cũng từng có. Theo thống kê từ kế hoạch phát triển Liên Hợp Quốc, hơn 40% trong số những người được hỏi (bao gồm cả nam và nữ) cho biết họ nghĩ rằng nam giới phù hợp hơn với tầng lớp lãnh đạo, hay khi có ít cơ hội việc làm, nam giới có quyền được lao động hơn so với nữ giới. Các quốc gia đang tiến hành thay đổi thể chế và pháp luật nhằm đối phó với những định kiến ngày một lan rộng nếu cứ tiếp tục bị bỏ mặc. Tiêu biểu như doanh nghiệp Saleforces của Hoa Kì, mỗi năm đều tiến hành đánh giá sự bình đẳng giữa nhân viên nam và nữ đối với các chế độ lương thưởng và thăng tiến.

Nếu chúng ta còn lấy những từ ngữ như truyền thống, văn hóa, phong tục làm cái cớ cho sự tồn tại của định kiến, những hành vi phân biệt giới tính và những phát ngôn mang tính khinh miệt sẽ vẫn còn được bỏ qua, khiến chúng tiếp tục trở thành sự cản trở cho những nỗ lực thay đổi.

Thụy Điển là quốc gia đi đầu trong việc thay đổi pháp luật và thể chế hướng đến bình đẳng giới. Đại sứ Thụy Điển tại Nhật Bản, Pereric Högberg bày tỏ “Thay đổi là việc không hề đơn giản đối với bất cứ ai. Dù vậy chúng tôi đã cùng nhau đưa ra rất nhiều ý kiến để thảo luận, học hỏi những ví dụ thành công từ các quốc gia khác, và xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau. Đây chính là thời điểm Nhật Bản cần phải bắt đầu lên tiếng. Không chỉ vì nữ giới mà còn vì nhận thức của cả nam giới”. Quả thật, chúng ta không thể tiếp tục làm ngơ vì đây không phải là chuyện của riêng ai.

Nguồn: https://www.nikkei.com/article/DGXZQOFE252270V20C21A2000000/


Discover more from Những nẻo đường Phù Tang

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply