Quốc thụ Sugi của Nhật Bản và căn bệnh quốc dân: dị ứng phấn hoa

Nhật Bản vừa qua tiết Lập Xuân sẽ ấm dần lên, hoa mơ hoa mận bắt đầu nở và cây cối đâm chồi nảy lộc. Cảnh đẹp ý vui, ấy thế mà người ta dễ dàng bắt gặp một bộ phận dân số đáng kể có đôi mắt đỏ hoe đẫm lệ, không ngừng sụt sịt buồn thương, số khác thì nhảy mũi liên tục dưới lớp khẩu trang dày cộm và có khi là cặp kính bao kín mắt như kính chống cát sa mạc.

Những người này tưởng chừng xa lạ với nhau, nhưng ắt hẳn lại có chung mối quan hệ không mấy tốt đẹp với loài cây quốc dân của Nhật Bản: cây sugi, còn gọi là liễu sam hay bách Nhật Bản.

Quốc thụ của Nhật Bản

Có thể nói, Nhật Bản nhắc đến núi thì vẫn phải kể đến núi Phú Sĩ, còn nhắc đến cây thì chắc hẳn là cây sugi. Núi Phú Sỹ cao nhất Nhật Bản, còn cây sugi cũng là loài cao nhất và sống lâu nhất trên đất nước này. Cây sugi có thể cao tới 50 mét, và có cây được ghi nhận đã sống tới 2000 thậm chí 3000 năm.

Cây sugi (danh pháp Cryptomeria Japonica) trước đây thường bị nhầm là thuộc họ tuyết tùng, nên còn gọi là tuyết tùng Nhật Bản. Trên thực tế, sugi là loài duy nhất chi Bách Nhật Bản (danh pháp Cryptomeria). Đây là loài đặc hữu chỉ có ở Nhật Bản.

Bức Yatate-sugi ở Koshu của Utagawa Hiroshige II vẽ năm 1859

Về cái tên sugi, được cho nguồn gốc từ hai chữ “直木” có nghĩa là cây mọc thẳng. Chữ Hán sugi trong tiếng Trung Quốc chỉ một loài cây khác tên tiếng Việt là “sa mu”, thậm chí không cùng họ với cây sugi. Trong tiếng Nhật, cây sa mu được gọi là “cây sugi lá rộng”.

Về danh pháp khoa học, từ Latinh cryptomeria có nghĩa là “tài sản ẩn giấu” và japonica là “của Nhật Bản”. Có thể nói, sugi là tài sản ẩn giấu quý giá của Nhật Bản, vốn được cho là loài cây quốc gia của xứ Phù Tang.

Có đến 6 tỉnh chọn sugi là cây biểu tượng của tỉnh, đó là Akita, Toyama, Mie, Kyoto, Nara, và Kochi. Sugi là loài cây mọc tự nhiên ở rừng Nhật Bản, và từ khoảng 400 năm trước bắt đầu được người dân trồng. Cây sugi tự nhiên già nhất được cho là nằm trên đảo Yakushima thuộc tỉnh Kagoshima, phía Nam Nhật Bản. Cây được đặt tên là Jomonsugi (縄文杉), ước tính có tuổi thọ từ 2000 tới 7200 tuổi. Cây già nhất được trồng được cho là ở Shimotaka, làng Kamikawa tỉnh Nara, nơi có một khu rừng dày đặc cây họ thông hàng trăm năm tuổi.

5. Jomon Sugi
Jomonsugi – cây sugi sống thọ nhất Nhật Bản. Nguồn: All About Japan

Sugi cũng được trồng nhiều quanh những công trình linh thiêng như đền thờ Thần Đạo. Có một câu chuyện nổi tiếng từ thời Mạc Phủ kể về lãnh chúa (daimyo) Matsudaira Masatsuna của ấp Tamanawa không đủ ngân lượng để cúng dường cổng đá Torii cho lễ tang của Tokugawa Ieyasu, nên đã thỉnh cầu được trồng một hàng cây sugi. Thỉnh cầu được chấp thuận, và ngày nay chúng ta có thể chiêm ngưỡng hàng cây sugi sừng sững có tên là Nikko Sugi Namiki dẫn đến Nikko tỉnh Tochigi, nơi đặt Nikkō Tōshō-gū (日光東照宮 – Nhật Quang Đông Chiếu Cung) thờ Tokugawa Ieyasu.

Image result for nikko sugi road
Hàng cây sugi ở Nikko. Nguồn: Japan Travel
Nikko Sugi Namiki của Shotei Takahashi vẽ trong khoảng 1924-1927

Từ cây thiêng đến thảm họa quốc gia

Rừng sugi. Ảnh: loOuisfernandes @loouisfernandes

Vốn là loài cây được biết đến như sự trường tồn và sức sống mãnh liệt, giờ đây những rừng cây sugi trên khắp Nhật Bản lại được coi như một “thảm họa nhân tạo”.

Những khu rừng trước đây vốn có những rặng sồi xanh tươi, cây phong và nhiều loại cây lá rộng và cây thường xanh khác. Tuy nhiên sau Thế chiến thứ Hai, các quan chức chính phủ đã áp dụng chính sách công nghiệp tích cực đối với môi trường cũng như nền kinh tế. Trong quá trình này, chính phủ đã tài trợ để thay thế những cây rừng mà họ coi là vô dụng về mặt thương mại bằng những loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Kết quả lớn nhất của chính sách là việc trồng một loài duy nhất, cây sugi, vì tốc độ phát triển nhanh và gỗ có tính ứng dụng cao. Do đó, Nhật Bản hiện có diện tích sugi lớn nhất trên Trái Đất, trong đó khu vực cảnh quan quanh núi Phú Sĩ, từ lâu được coi là biểu tượng của Nhật Bản, là một trong những nơi được trồng dày đặc nhất.

Mục đích là làm cho Nhật Bản có thể tự đáp ứng nhu cầu về các sản phẩm gỗ, tuy nhiên kết quả lại không được như ý. Các chuyên gia cho rằng sự sinh sôi nảy nở của một loài cây đơn lẻ rõ ràng là đang đe dọa động vật hoang dã, gây xói mòn đất nghiêm trọng, làm giảm mực nước ngầm và tạo ra nguy cơ sạt lở đất thảm khốc.

Ngay cả về mặt kinh tế, chiến lược đã thất bại. Ngày càng có nhiều cây sugi trong nước nhưng lại đang bị lấn át bởi nhập khẩu gỗ rẻ tiền, chủ yếu là từ những khu rừng đang bị thu hẹp nhanh chóng ở Đông Nam Á. Điều đó đã khiến giá gỗ sugi giảm trong 13 năm và làm giảm mạnh tỷ trọng nguồn cung gỗ nội địa hàng năm của Nhật Bản, từ 80% trong những năm 1960 xuống còn 26% vào năm 1995 và tiếp tục giảm mạnh.

Các trường hợp bệnh phấn hoa nhiều đến mức người ta cho rằng chưa bao giờ con người bị tấn công bởi những làn sóng phấn hoa khổng lồ như vậy.

Image result for japanese cedar
Cây đẹp mà thích làm người ta khó chịu… Ảnh: Gardeningknowhow

Dị ứng phấn hoa – căn bệnh của toàn dân

Theo thống kê, có khoảng 10-15% dân số bị dị ứng phấn hoa (花粉症); tuy nhiên một số khảo sát cho thấy con số này có thể lên tới 60%. Dị ứng phấn hoa, nhẹ thì khiến ngứa mắt, chảy nước mũi, hắt xì, nặng thì có thể gây phát ban, khó thở, sưng mắt thậm chí nặng hơn. Hằng năm, người dân Nhật Bản tiêu tốn khoảng 300 tỷ yên liên quan đến căn bệnh này.

Image result for 花粉症
Ảnh: Mimistage

Theo số liệu của Cơ quan Lâm nghiệp, hơn 4 tỷ cây sugi đã được trồng trên các ngọn núi của Nhật Bản từ năm 1950 đến năm 1970. Việc khống chế không cho những cây trưởng thành ra cành đã làm tăng số lượng phấn hoa lên gấp 5 lần trong ba thập kỷ qua. Số người mắc bệnh dị ứng phấn hoa đã tăng gấp ba lần trong thời gian này, và tốc độ tăng trưởng không có dấu hiệu chậm lại. Ngoài lý do là do số lượng cây quá lớn, một số chuyên gia đã chỉ ra sự ấm lên toàn cầu cũng là tác nhân làm cây sugi và các loại cây gây dị ứng khác phát triển nhanh hơn và tạo ra số lượng phấn hoa lớn hơn.

Có thể nói, nguyên nhân gây gia tăng số người dị ứng phấn hoa gồm:

1. Phấn hoa không bị mặt đất hấp thụ và phân tán trở lại

Hiện nay, nhiều người ở thành thị cũng bị dị ứng phấn hoa. Rừng sugi hẳn không quen thuộc với những người ở thành phố, vậy tại sao ở thành thị vẫn bị dị ứng phấn hoa?

Một trong những nguyên nhân là do mặt bằng đất ít, mặt đường rải nhựa nhiều.

Trên mặt đất, phấn hoa rơi xuống rất dễ hấp thụ, nhưng trên đường nhựa rất khó hấp thụ, và bị gió bay tán xạ nhiều lần. Do đó, số người dị ứng phấn hoa ở thành thị ngày càng tăng.

2. Ô nhiễm không khí

Một lý do khác khiến người dân sống ở khu vực thành thị dễ bị dị ứng là vấn đề ô nhiễm không khí.

Phấn hoa có nhiều khả năng gây ra các triệu chứng dị ứng nếu được hít vào trong tình trạng gắn với các chất hóa học trong bầu khí quyển như khí thải, hơn là phấn hoa nguyên trạng. Người ta cũng nói rằng các triệu chứng có nhiều khả năng trở nên tồi tệ hơn. Do đó, ngày càng có nhiều người bị dị ứng phấn hoa ở các khu vực đô thị như ô tô, nơi có nhiều khí thải.

3. Nhịp sống thất thường và căng thẳng

Nhịp sống thất thường, thiếu ngủ và căng thẳng gây rối loạn các dây thần kinh tự chủ, làm suy yếu khả năng miễn dịch và dễ xảy ra các phản ứng dị ứng.

Cơ thể của chúng ta được điều khiển tự động bởi các dây thần kinh tự chủ của dây thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Khi các dây thần kinh tự chủ bị rối loạn, hệ thống miễn dịch sẽ bị suy giảm và dễ xảy ra chứng dị ứng phấn hoa.

Tạm kết

Năm 2007, Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp của tỉnh Toyama thông báo tin vui là đã phát triển một loại sugi không tạo ra phấn hoa được đặt tên là Haruyokoi, có nghĩa là “chào mừng mùa xuân”. Đây là kết quả của một quá trình kéo dài bắt đầu vào năm 1992 – khi các nhà nghiên cứu tình cờ phát hiện ra một cây sugi ở thành phố Toyama trông giống hệt những cây xung quanh ngoại trừ việc nó không tạo ra phấn hoa.

Trong quá trình phát triển Haruyokoi, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra cơ chế di truyền để tạo ra cây không có phấn hoa, mở đường cho các giống cây mới và khác biệt. Sau thành công đầu tiên, viện nghiên cứu đã sản xuất ra giống cây thứ hai thu hút sự chú ý của cả người trồng gỗ và những người bị dị ứng, được đặt tên là Tateyama Mori no Kagayaki, hay “viên ngọc quý của rừng cây Tateyama”, cây được tạo ra thông qua việc thụ phấn chéo của các giống sugi thân gỗ chắc khỏe với những giống có phẩm chất quan trọng nhất là không sản xuất phấn hoa.

Việc sản xuất cả hai giống cây đang dần được đẩy mạnh, nhưng đó là một nhiệm vụ gian nan. Có thể mất một đến hai thập kỷ để cây giống bắt đầu tạo quả và vài năm để trồng cây non. Tuy nhiên, viện vẫn không nản lòng với mục tiêu của mình là tăng cường trồng hàng năm giống Tateyama từ mức 30.000 cây hiện tại lên 300.000 cây vào năm 2027.

Hiện tại, hơn 130 giống không có hạt phấn và ít hạt phấn đã được phát triển, chiếm hơn 10% trong số gần 16 triệu cây được trồng tại các trang trại mỗi năm. Cơ quan Lâm nghiệp Nhật Bản đã công bố kế hoạch trợ cấp tới 70% chi phí sản xuất và trồng trọt nhằm tăng tỷ trọng các giống mới lên 10 triệu cây mỗi năm, hơn một nửa tổng số diện tích trồng , vào năm 2017.

Đây là một tin tốt cho những người mắc chứng dị ứng phấn hoa, nhưng cây sugi có phấn hoa sẽ không bị thay thế trong một sớm một chiều. Sẽ mất một thời gian cho đến khi những người bị dị ứng có thể thoải mái hít thở bầu không khí mùa xuân. Cho đến lúc đó, hãy nhớ giữ gìn sức khỏe, sinh hoạt điều độ và đừng quên mang khẩu trang nhé!


Nguồn:

https://www.nippon.com/en/nipponblog/m00081/

https://rd.asahigroup-holdings.com/research/asahint/2019/03/post-14.html

The New York Times


Discover more from Những nẻo đường Phù Tang

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply