Tham kiến Shogun tại Edo là nghĩa vụ của các lãnh chúa. Cách biểu thị sự phục tùng thời bình

Sankin-kōtai (chữ Hán là “Tham Cần Giao Đại”, tạm dịch là luân phiên trình diện), là thông lệ được hình thành như thế nào? Nguồn gốc của thông lệ này nằm ở tư tưởng độc đáo trong xã hội của tầng lớp võ sĩ Nhật Bản với mục đích bày tỏ sự phục tùng trong vai trò bề tôi khi nhận được ơn đức của chủ nhân. Việc quán triệt tư tưởng này trở thành gánh nặng to lớn đối với các phiên của Mạc phủ khi xưa (mà ngày nay được gọi KEN, đơn vị hành chính tương đương với tỉnh).

Thông lệ diện kiến được định hình vào thời kì Edo

Thời kì Edo, Nhật Bản có khoảng 300 phiên, mỗi phiên có một lãnh chúa. Lãnh chúa còn được gọi là phiên chủ.

Quy mô lãnh địa của phiên chủ được tính bằng đơn vị koku (chữ Hán là “THẠCH). Koku là thước đo theo sản lượng gạo, 1 koku = 1000 gō (chữ Hán là “Hợp”), 1 gō tương ứng với 150kg. Người được Mạc phủ thừa nhận quyền cai trị và ban cho lãnh địa có từ 10000 koku trở lên được gọi là Daimyō (chữ Hán là “Đại Danh”).

Trong lịch sử Nhật Bản, Mạc phủ tồn tại ở ba thời đại, Kamakura, Muromachi, và Edo. Thời đại Kamakura và Muromachi, chiến tranh diễn ra không ngừng nên việc tham gia quân dịch chính là cách thể hiện lòng trung với Mạc phủ.

Nhưng vào thời Edo, Nhật Bản hòa bình không có chiến tranh. Lúc này các Daimyō đến Edo để yết kiến Shogun, sau đó lưu lại đây một thời gian nhất định, dần dần thông lệ này trở thành một nghi thức mới để hiện sự phục tùng đối với Mạc phủ.

Hình thức này được gọi là “sankin” (chữ Hán là “Tham Cần”). Có nghĩa là đến Edo để “tham kiến” (THAM) được xem là “công việc” (CẦN).

Theo những ghi chép trong sách sử Tokugawa jikki (Đức Xuyên Thực Kỉ), Shogun đầu tiên của Mạc phủ Edo, Tokugawa Ieyasu đã sớm công bố Edo là nơi ban hành các mệnh lệnh của chính quyền, và cũng là nơi tiếp kiến thiên hạ chư hầu.

“Sankin-kōtai” trở thành qui định chính thức “Buke shohatto”

“Sankin” được cho là bắt đầu vào năm Nguyên Hòa thứ nhất (1615), năm mà Tokugawa Ieyasu tiêu diệt hoàn toàn nhà Toyotomi trong chiến dịch vây hãm Osaka mùa hè.

Theo những ghi chép liên quan đến nhà Satake, phiên chủ phiên Akita, cho đến năm Nguyên Hòa thứ ba, hầu như mỗi năm lãnh chúa đều lặp đi lặp lại quá trình dành nửa năm ở Edo, rồi nửa năm ở lãnh địa của mình. Việc dành nửa năm ở Edo là để thể hiện lòng trung đối với lời ban bố tiếp kiến thiên hạ chư hầu của Tokugawa Ieyasu. Các lãnh chúa của các phiên khác có lẽ cũng đã thực hiện tương tự như vậy.

Từ năm Nguyên Hòa thứ tư trở đi, thông lệ này thay đổi thành “một năm ở Edo” rồi “một năm ở lãnh địa của mình”, tức là cứ cách một năm phải đến Edo một lần. Đây chính là nguyên mẫu ban đầu của qui định “luân phiên trình diện”. Thời kì này, thông lệ diện kiến vẫn chưa trở thành một qui định bắt buộc phải tuần thủ nghiêm ngặt, mà chỉ là cách các lãnh chúa biểu thị sự phục tùng của mình đối với Shogun.

“Sankin-kōtai” trở thành nghĩa vụ chính thức theo luật vào năm Khoan Vĩnh thứ mười hai (1635). Vào năm này Shogun đời thứ ba, Tokugawa Iemitsu đã cho ban hành luật “Buke shohatto”, còn được biết đến là luật cho tầng lớp võ sĩ, trong đó qui định rõ ràng các lãnh chúa phải luân phiên đến Edo diện kiến vào tháng tư hàng năm.

Ví dụ lãnh chúa A đến Edo vào tháng 4, thì sang tháng 3 năm sau được cho phép về lại lãnh địa của mình. Thay vào đó, lãnh chúa B đến Edo, và lưu lại đây cho đến năm tiếp theo. Quá trình diện kiến được luân phiên sau mỗi một năm.

Từ đây việc luân phiên trình diện trở thành nghĩa vụ chính thức đối với các phiên.

Chế độ luân phiên trình diện trải qua 260 năm của thời đại Edo, đã nhiều lần được sửa đổi. Sửa đổi lớn nhất được thực hiện vào năm Hưởng Bảo thứ bảy (1722), Shogun đời thứ tám, Tokugawa Yoshimune đã chia các phiên thành bốn nhóm, đồng thời qui định thời gian lưu lại Edo chỉ còn nửa năm, trong khi đó thời gian các lãnh chúa được ở tại lãnh địa của mình là một năm rưỡi.

Nguyên nhân của sự sửa đổi này nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính ngày càng lớn cho các phiên phải luân phiên trình diện cách năm khi bước vào thời Hưởng Bảo (1716), bằng cách rút ngắn thời gian các lãnh chúa phải lưu lại Edo.

Nhưng việc diện kiến vốn đòi hỏi một chi phí vô cùng lớn, nên dù được rút ngắn thời gian từ một năm xuống còn nửa năm, nhiều phiên vẫn không thể cải thiện được tình hình tài chính.

Đoàn diễu binh không cần thiết vào thời bình

Nguyên do của việc hao tốn tài lực chủ yếu đến từ chi phí nhân sự.

Khi nói đến “Sankin-kōtai” chắc hẳn các bạn sẽ nghĩ ngay đến một đoàn diễu hành dài dằng dặc, trông rất phô trương của các lãnh chúa. Mặc cho xã hội đang trong thời bình, đoàn diễu hành vẫn mang đầy đủ giáo lẫn súng, cùng hàng dài những phiên sĩ đi theo như một cuộc diễu binh, với mục đích duy nhất chỉ để thể hiện sự uy nghiêm và uy phong của lãnh chúa.

Chuẩn bị binh khí, tập trung nhân lực, sau đó là quãng thời gian vài ngày (với các địa phương ở xa thì có thể mất vài tuần) đi bộ tới Edo. Không biết phải mất bao nhiêu tiền cho chi phí nhân sự. Chưa kể đến chi phí nhà trọ dọc đường, và chi phí phải bỏ ra trong thời gian lưu lại Edo cũng tốn kém không kể hết.

Bức hình dưới đây là đoàn diễu hành hướng tới Edo của lãnh chúa phiên Tsuyama đến từ Mimasaka (phần Đông Bắc của tình Okayama ngày này), vào năm Văn Chính thứ nhất (1818).

Nằm ở hàng thứ hai, trung tâm của bức tranh là chiếc kiệu có lãnh chúa ngồi bên trong. Hàng thứ nhất bên trái là đội xạ thủ, bên phải là đội cung thủ. Bức tranh này chỉ là một phần của tấm Fusuma thứ 5, trong tổng thể 7 tấm tất cả (Fushuma là các tấm hình chữ nhật, được dùng như cửa trượt để chia lại các không gian trong các phòng truyền thống của Nhật Bản). Tất cả con người, vũ khí, công cụ gấp 7 lần trong tranh, tạo thành đoàn diễu hành, với hành trình từ Mimasaka đến Edo lên tới 600km.

Người ta thường cho rằng “Sankin-kōtai” là cách Mạc phủ làm suy yếu các phiên, do chi phí khổng lồ mà các phiên phải bỏ ra, từ đó ngăn chặn các thế lực có tư tưởng chống đối.

Nhưng thực tế Mạc phủ không hoàn toàn có mục đích như vậy, thậm chí đã nhiều lần ra lệnh cho các phiên không chi tiêu quá tay mỗi lần đến Edo diện kiến. Nguyên nhân chính của chi phí tốn kém được cho là áp lực của các phiên mỗi lần đến trình diện, phải phô trương sự uy nghiêm của phiên mình, nên luôn chuẩn bị những đoàn diễu hành xa hoa lộng lẫy, các Samurai xuất thân địa phương cũng không muốn bị coi thường tại Edo nên đã sống rất xa xỉ và hoang phí. Về chuyện này tôi xin được nói cụ thể hơn trong một dịp khác.

Nguồn: https://www.nippon.com/ja/japan-topics/c08601/?cx_recs_click=true


Discover more from Những nẻo đường Phù Tang

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

1 Comment

Leave a Reply