Kichiya là một nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh lại những khung cảnh trong tranh ukiyo-e. Dưới đây là bài giới thiệu của ông về bức ảnh chụp Takada no baba, một trong bộ tranh ukiyo-e “100 danh thắng Edo”.
Trong bộ tranh ukiyo-e “100 danh thắng Edo” của họa sĩ Utagawa Hiroshige, Takada no baba là bức họa thứ 74. Bức tranh được biết đến trong tác phẩm kịch nổi tiếng “Chushingura”, một biểu tượng của mùa đông trong thi ca, phác họa lại khung cảnh nơi luyện tập cưỡi ngựa bắn cung của các Mạc thần thời Edo.
Nơi luyện tập võ thuật của Mạc phủ còn là địa điểm giải trí của người dân.
“Takada no baba” (Chữ Hán là Mã Tràng của Cao Điền), được cho xây dựng bởi Shogun đời thứ ba, Tokugawa Iemitsu vào năm 1636, với mục đích làm nơi tập luyện cưỡi ngựa bắn cung cho các quan lại của Mạc phủ (Mạc thần). Takada no baba hiện là tên gọi của một nhà ga trên tuyến JR Yamanote và tên của một khu dân cư tại quận Shinjuku, Tokyo, nhưng tên gọi có gốc tích lịch sử là “takata no baba”. (không bị biến âm “ta”thành “da” trước chữ “no”)
“Takada no baba” không phải ở Takada no baba của quận Shinjuku hiện tại, mà nằm hơi lệch về phía đông của Nishi-Waseda 3 Chome. Từ ga tàu điện ngầm Waseda, hướng về phía Tây theo đường Waseda-dori, men theo con dốc của đền Anahachimangu, trên đỉnh dốc, khu vực tiếp giáp với ngã tư Nishi-Waseda chính là vị trí của “Takada no baba” khi xưa. Chiều rộng theo hướng Đông Tây là 645m, theo hướng Bắc Nam là 55m, chiều dài theo đường thẳng có quy mô lớn, ngang tầm với một trường đua ngựa địa phương ngày nay.
“Takada”, theo tương truyền, là một ngôi làng nông thôn, nằm ở vị trí cao so với các vùng lân cận theo hướng Nakano, nên từ xưa được gọi là “Cao Điền”. Tokugawa Iemitsu xem Anahachimangu là thần bảo hộ của Takada no baba, nên có đóng góp cho thần điện ở đây, trước cổng đền, trên con dốc Yahata, có rất nhiều trà quán và cửa hàng mọc lên.
“Takada no baba” đột ngột trở nên nổi tiếng từ sự kiện “cuộc quyết đấu tại Takada no baba” năm 1694, cuộc đấu đã làm vang danh Horibe Yasubee Taketsune, sau này trở thành một trong 47 lãng nhân (ronin) thành Ako. Lãng nhân Nakayama Yasubee (tên gọi thời trẻ của Horibe Yasubee), đã trợ giúp cho thúc phụ của mình Sugano Rokurozaemon, chém hạ các đối thủ tại trận quyết đấu diễn ra tại Takada no baba. Cảm phục câu chuyện, gia thần phiên Ako, Horibe Kanamaru đã nhận Nakayama làm con nuôi. (Nakayama ban đầu từ chối vì không muốn phải đổi họ, nhưng Horibe đã xin với lãnh chúa của phiên Ako, Asano Nagamori, nên Nakayama được cho phép giữ nguyên họ, sau đó kết hôn với con gái của Horibe, và trở thành con rể của ông. Sau này khi Horibe qua đời, Nakayama trở thành người kế thừa gia nghiệp, và tự nguyện đổi sang họ Horibe). Horibe Yasubee Taketsune đã tham gia vào cuộc trả thù cho chủ cũ của các lãng nhân thành Ako năm 1702. Trận chiến này đã trở thành đề tài nổi tiếng, được diễn lại trong các tác phẩm kịch Joruri và Kabuki, tiết mục mang tên “Chushingura” (chữ Hán là Trung Thần Tàng, nghĩa là truyện về trung thần), được biết đến trên toàn quốc, không chỉ dừng lại ở tầng lớp võ sĩ mà còn đi sâu vào tiềm thức của dân chúng.
Năm 1728, Shogun đời thư tám, Tokugawa Yoshimune đã thực hiện nghi thức cưỡi ngựa bắn cung Yabusame tại đền Anahachimangu để cầu nguyện cho người thừa kế chữa khỏi bệnh đậu mùa. Lời ước nguyện trở thành sự thật, từ đó gia đình Shogun còn có thêm nhiều lần thực hiện nghi thức Yabusame để cầu chúc cho thiên hạ thái bình. Sự kiện này đã thu hút được nhiều quan tâm và chứng kiến bởi dân chúng.
Đối diện với Anahachiman là đền Mizuinari, trong đền có gò đất Fujizuka (gò đất, ngọn đồi nhân tạo nhỏ, tạo ra để mô phỏng núi Phú Sĩ) lớn và cổ nhất thời Edo, có tên là “Takadafuji” (Cao Điền Phú Sĩ). Nơi đây cũng thu hút nhiều khách đến tham quan, dẫn đến nhiều trà quán mọc lên ở phía Bắc của “Takada no baba”. Thậm chí cho đến ngày nay con đường vẫn còn giữ được tên gọi “Chayamachi-dori”. (Chaya, chữ Hán là Trà Ốc)
Trước khi bức họa được giới thiệu trong bài viết này được in vào năm 1857, Hiroshige đã từng phác họa Takada no baba trong cuốn “Ehon Edo Miyage”. Ngoài sự xuất hiện của các trà quán xung quanh khu vực, bức tranh còn giới thiệu Takada no baba như một khu giải trí thanh bình, nơi không chỉ có các võ sĩ cưỡi ngựa, mà có cả những người dân bình thường, tản bộ dẫn theo gia đình của mình. Bức họa lần này chỉ xuất hiện hình ảnh của võ sĩ. Trong tranh, cây thông ở cận cảnh được lấy làm khung tranh một cách độc đáo, phía xa là khung cảnh hai võ sĩ dũng cảm đang giương cung, cưỡi ngựa hướng về đích. Hậu cảnh là núi Phú Sĩ, trông như một vị thần bảo hộ của hai võ sĩ.
Khoảng thời gian giữa hai bức tranh được tạo ra, một biến đổi lớn đã xảy ra vào năm 1853, đó chính là sự kiện những chiếc hắc thuyền của hạm đội Perry cập cảng Nhật Bản. Tinh thần bài ngoại dâng cao đã làm gia tăng các võ sĩ trẻ miệt mài khổ luyện võ thuật. Hiroshige, sinh ra trong vai trò của người thừa kế của nhà Ando, một gia đình thuộc dòng dõi Samurai, đã từng đảm nhận công việc trông coi hỏa hoạn tại thành Edo. Tổ phụ của Hiroshige, Tanaka Tokuemon, bậc thầy bắn cung, không chừng đã từng hướng dẫn chắt mình tại chính “Takada no baba”. Hiroshige, người ít nhiều có những kí ức về bắn cung, có lẽ muốn thông qua tranh của mình, cổ vũ tinh thần cho những gia thần của Mạc phủ, những người đang không ngừng khổ luyện kĩ thuật cưỡi ngựa bắn cung.
Đã từng có thời những tòa nhà lớn nằm san sát trên đại lộ, những khu nhà dân nằm bên trong các đường nhánh ở khu vực Takada no baba. Dấu tích còn lại duy nhất chỉ là tấm bảng chỉ dẫn nằm trong khu di tích Takada no baba ở ngã tư Nishi-Waseda.
Khu vực này hiện tại không có nơi nào ngắm nhìn được núi Phú Sĩ. Nếu các bạn đi xuống con dốc theo hướng Shinmejiro-dori, sẽ bắt gặp công viên Kansen-en, nơi đền Mizuinari được di dời đến. Trong đền, Takadafuji, và cả tấm bia công tích của Horibe Taketsune trước kia nằm ở Chayadori cũng được chuyển tới. Nơi đây trở thành một trong những nơi hiếm hoi còn sót lại nơi người ta có thể hồi tưởng về quá khứ. Công viên Kansen-en từng là dinh thự của nhà Shimizu Tokugawa, một trong ba nhánh của dòng họ Tokugawa có quyền thừa kế để trở thành Shogun. Ngày nay ngoài việc còn lưu giữ lại khu vườn Nhật Bản mang hình bóng xưa, công viên Kansen-en của quận Shinjuku còn có cả sân Tennis, và những dụng cụ vui chơi cho trẻ em. Để tìm lại khung cảnh trong bức tranh xưa, tôi bước vào khu vườn Nhật Bản thì bắt gặp một cây thông, trông như cây thông đã từng xuất hiện trong tranh. Hướng camera về phía xa, tôi chụp lại bức ảnh này.
Đền Anahachimangu, đền Mizuinari, đại học Waseda, công viên Kansen-en
Năm 1062, Minamoto no Yoshiie, còn được biết đến với tên gọi là Hachimantaro (đứa con của Hachiman, vị thần chiến tranh), trên đường trở về sau khi hủy diệt nhà Abe trong cuộc chiến tranh Zenkune, đã lập nên đền Anahachimangu. Cũng có tương truyền rằng nơi đây là nơi Minamoto no Yoritomo (người sáng lập Mạc phủ Kamakura) hội quân sau khi vượt qua sông Sumida, trên đường hướng tới Kamakura. Đối với gia tộc Tokugawa, con cháu của tộc Seiwa Genji (một chi tộc của gia tộc Minamoto), đây chính là nơi thích hợp nhất để nuôi dưỡng và dạy bảo các gia thần của mình. Chiều dài của địa điểm thực hiện nghi thức cưỡi ngựa bắn cung thông thường vào khoảng 218m, nhưng nơi đây được xây dựng với chiều dài gấp ba lần, đã cho thấy quy mô và tầm cỡ tuyệt vời.
Thời điểm xây dựng “Takada no baba”, Anahachimangu được gọi với tên “Takada Hachimangu”. Năm 1641, khi xẻ núi để xây dựng am (một kiến trúc trong đền), đã tìm thấy tượng phật A di đà trong hang trên vách núi, nên từ đó đền có tên là Anahachimangu (Ana trong tiếng Nhật có nghĩa là hang, hốc, huyệt). Theo ghi chép để lại, cùng thời điểm đó, một chuyện tốt lành khác đã xảy ra, câu chuyện truyền đến tai của Shogun thời bấy giờ, Tokugawa Iemitsu, dẫn đến việc Anahachimangu trở thành nơi cầu nguyện của gia tộc Shogun, và là địa điểm trấn thủ phía Bắc của thành Edo.
Đối diện với Anahachimangu, đền Mizuinari cũng từng được gọi với cái tên “Takada inari”. Đầu thế kỉ 18, tương truyền nước thánh trong đền có tác dụng chữa lành các bệnh về mắt, đồng thời đền cũng được biết đến với vị thần phòng lửa, nên có tên gọi là “Mizu” inari (mizu có nghĩa là nước trong tiếng Nhật). Dinh thự của gia tộc Shimizu Tokugawa (Kansen-en) cũng xem đây là nguồn nước tốt, thích hợp nhất để pha trà, có lẽ vì thế nên những trà quán xung quanh khu vực này đều được đánh giá rất cao. Những khu vực giải trí lấy Takada no baba làm trung tâm, bao gồm cả đền Anahachimangu, đền Mizuinari, và các khu dinh thự của các lãnh chúa lân cận Waseda, đã hoàn toàn thay đổi khi bước vào thời Minh Trị. Người tạo ra ảnh hưởng to lớn này là chính khách nổi tiếng Okuma Shigenobu.
Okuma, người có biệt thự ở phía Bắc đền Mizuinari, trong cuộc chính biến Meiji năm thứ 14 (1881), đã bị trục xuất khỏi chính phủ. Năm tiếp theo, ông thành lập trường Tokyo Senmon Gakko với mục đích bồi dưỡng nhân tài tại khu vực lân cận. Sau này trường trở thành đại học Waseda, cạnh tranh với Keiojuku (đại học Keio ngày nay), trở thành một trong hai trường tư tốt nhất Nhật Bản. Năm 1884, Okuma chính thức chuyển nơi ở chính thức tới đây, và cho xây một khu vườn rộng lớn, sau đó từng hai lần đảm nhận chức vụ thủ tướng.
Trường đại học Waseda ngày một phát triển, có thêm nhiều khoa, học xá, trường trung học và cả trường nghề cũng được thành lập. Không chỉ khuôn viên trường ngày một được mở rộng, khu vực xung quanh cũng xuất hiện thêm nhiều nhà trọ, nhà ăn và hiệu sách. Năm 1910, nhà ga Takadanobaba của tuyến Yamanote được đưa vào vận hành, khiến cho khu phố của sinh viên trải dài đến tận khu vực xung quanh ga tàu. Trước chiến tranh, Kansen-en thuộc sở hữu của đại học Waseda, nhưng vào năm 1961, để đổi lại việc được mua khu đất của đền Mizuinari, Kansen-en đã được bán lại cho chính quyền thành phố Tokyo. Đền Mizuinari và gò đất Takadafuji được di dời đến công viên Kansen-en, sau đó công viên nằm dưới quyền quản lý của chính quyền quận Shinjuku.
Vào ngày thể thao vào tháng 10 hàng năm, sau khi thực hiện nghi thức Shinto tại đền Anahachimangu, nghi thức cưỡi ngựa bắn cung sẽ diễn ra tại công viên Toyama (năm 2020 bị hủy bỏ do dịch Corona). Trong khoảng thời gian từ Đông Chí cho đến Tiết Phân, những chiếc bùa may mắn omamori, ofuda “ichiyouraifuku” (chữ Hán là Nhất Dương Lai Phục) được cho là sẽ đem lại sự phồn vinh thịnh vượng và tiền tài, nên có rất nhiều những người làm nghề kinh doanh, xếp hàng dài tại đền Anahachimangu dịp cuối năm cũ đầu năm mới. “Ichiyouraifuku” có ý nghĩa là những điều tốt đẹp sẽ tới sau khi những gì không may đã xảy ra. Trong tình hình dịch Corona đang diễn ra vào thời điểm hiện tại, có lẽ đây cũng chính là lá bùa mang tới hi vọng cho chúng ta. Nếu có dịp đặt chân tới ngôi đền này, tôi mong mọi người hãy dừng lại ngắm nhìn thần điện, hay bức tượng của xạ thủ cưỡi ngựa bắn cung, và hồi tưởng về một “Takada no baba” của Edo xưa cũ.
Nguồn: https://www.nippon.com/ja/guide-to-japan/gu004079/
Discover more from Những nẻo đường Phù Tang
Subscribe to get the latest posts sent to your email.