Hiện nay, triệt để quản lý vệ sinh dịch tễ và tự giác hạn chế ra ngoài được kêu gọi khắp nơi trên toàn thế giới trong bối cảnh sự lây nhiễm của Virus Corona ngày một lan rộng. Nửa sau thời Edo cho đến thời Minh Trị, dịch tả bùng phát rộng khắp ở Nhật Bản. Xã hội thời kì đó ở trong hoàn cảnh như thế nào, và những phương pháp nào đã được áp dụng để ứng phó với dịch bệnh?
Dịch tả bùng phát trùng với thời kì khai quốc
Vào thế kỉ thứ sáu, bệnh đậu mùa đã lưu hành ở Nhật Bản, sau đó từng nhiều lần lan rộng. Bệnh sởi cũng từng phát sinh. Nhưng những đại dịch tầm cỡ thế giới của các căn bệnh truyền nhiễm như bệnh dịch hạch, bệnh sốt vàng da, chưa từng đặt chân đến xứ sở Phù Tang cho đến thế kỉ mười chín. Lần đầu tiên quốc đảo vùng Viễn Đông phải đối mặt với nguy cơ chính là bệnh tả vào thời Edo hậu kì.
Bệnh tả vốn là căn bệnh truyền nhiễm phát sinh ở lưu vực sông Hằng Ấn Độ. Căn bệnh này sau đó lây lan ra toàn thế giới từ nửa đầu thế kỉ mười chín khi thực dân Anh mở rộng giao dịch thương mại tại Châu Á sau khi biến Ấn Độ thành thuộc địa. Bệnh tả là căn bệnh khiến cho người nhiễm mắc chứng tiêu chảy và nôn thốc không ngừng, dần dần dẫn đến chết vì mất nước. Bệnh lần đầu tiên lưu hành tại Nhật Bản vào năm Văn Chính thứ năm (1822), được cho là đã du nhập theo con đường từ Trung Quốc (nhà Thanh), thông qua Lưu Cầu (Okinawa), rồi đặt chân đến Kyushu. Từ đây, bệnh tiến lên phía Tây (khu vực Kansai) gây ra thiệt hại to lớn, rồi tiếp tục men theo đường Tokaido, tiến về phía Đông (khu vực Kanto), nhưng chưa tới được Edo.
Edo, với hơn một triệu dân, là một trong những đô thị có quy mô dân số lớn nhất thế giới thời bấy giờ, lần đầu tiên nếm trải hiểm họa dịch tả vào năm An Chính thứ năm (1858). Nguồn gốc lây nhiễm được cho là từ thủy thủ đoàn trên chiến hạm USS Mississipi thuộc hạm đội Perry, khi chiến hạm này tiến vào cảng Nagasaki sau khi đi qua Trung Quốc. Cũng vào năm đó, Nhật Bản, quốc gia vốn duy trì chính sách bế quan tỏa cảng, bị ép buộc phải kí vào hiệp ước thông thương hữu nghị bất bình đẳng với năm quốc gia khác. Sự kiện này vốn đã gây ra sự lo ngại rộng khắp trong dân chúng, nay lại thêm căn bệnh truyền nhiễm từ ngoại quốc xảy ra cùng thời điểm, nên chúng ta có thể tưởng tượng được nỗi sợ hãi khủng khiếp đã lan tràn đến mức nào.
Có những ghi chép cho rằng số người chết vì dịch bệnh tại Edo là 100 nghìn, nhưng cũng có những ghi chép khác cho rằng con số vào khoảng 280 nghìn hoặc 300 nghìn. Những bạn đọc quen thuộc của trang Web của chúng tôi hẵn đã quen với nghệ sĩ nổi tiếng của dòng tranh Ukiyo-e, Utagawa Hiroshige. Ông đã qua đời tại Edo vì dịch tả vào năm 1858. Bệnh dịch còn lan tới các cảng ở vùng Tohoku, thông qua những con thuyền chuyên chở hàng hóa, phương tiện vận tải có vai trò trung tâm trong giao thương thời bấy giờ. Số người tử vong vì dịch bệnh tại Edo đặt đỉnh điểm vào năm An Chính thứ năm (1858), nên năm này được tính là năm lưu hành của dịch tả tại Nhật Bản. Nhưng trên thực tế có những địa phương còn chịu nhiều thiệt hại về người hơn vào năm tiếp theo.
Lần bùng phát dịch thứ ba diễn ra năm Văn Cửu thứ hai (1862). Đây chính là năm ghi nhận số người tử vong nhiều nhất trong thời kì Edo. Nhưng thiệt hại của dịch tả diễn ra vào năm An Chính thứ năm tại Edo, nơi vốn là nơi cư ngụ chủ yếu của tầng lớp văn hóa và tri thức, được biết đến rộng rãi hơn so với sự thực lịch sử (dịch bệnh năm 1862).
Nỗi sợ hãi thời Edo mang tên “korori”
Bệnh tả ( tiếng Anh là Cholera, tiếng Nhật là コレラ, phiên âm là korera), diễn ra vào năm An Chính thứ năm tại Edo, và năm Văn Cửu thứ hai tại Nagasaki, được ghi chép lại trong sử liệu. Nhưng cái tên “korera” lại không trở nên phổ biến trong các tầng lớp nhân dân, vì thế tồn tại nhiều cách gọi khác nhau tại các địa phương. Tại Nagasaki là “tonkororin”, những vùng khác lại có tên gọi là “thiết pháo”, “kiến cấp”, “tam nhật korori”, dần dần cái tên “korori”, ám chỉ sự đột tử, được hình thành và sử dụng phổ biến. Thật trùng hợp là tên gọi này chỉ khác “corona” có một chữ mà thôi. (corona trong tiếng Nhật được viết là コロナ, phiên âm là korona, korori trong tiếng Nhật được viết là コロリ)
“Korori” được viết bởi những chữ Kanji theo nhiều cách khác nhau. Kanazaki Robun, nhà văn nhà báo thời Mạc Mạt cho đến đầu thời kì Minh Trị, đã biên soạn lại, trong cuốn “Ansei Korori Ryukoki”. Các cách viết “korori” bằng chữ Kanji có thể kể đến như “狐狼狸” (Hồ- Lang- Li), vì căn bệnh này gây ra cái chết đột ngột không thể ngờ tới, như thể bị đánh lừa (Hồ là cáo, Lang là sói, Li là Tanuki, được biết đến là những con vật chuyên lừa gạt con người), hoặc “虎狼痢” (Hổ Lang Lị), bắt nguồn từ việc tốc độ lây lan của căn bệnh nhanh đến mức như Hổ có thể đi được ngàn dặm trong phút chốc. Cách viết “虎狼痢” (Hổ Lang Lị) đã xuất hiện trong cuốn “虎狼痢治準” (Hổ Lang Lị Trì Chuẩn), xuất bản năm 1858, nói về phương pháp phòng bệnh tả được tổng hợp bởi học giả Rangaku (Lan Học) nổi tiếng, Ogata Koan. Sau này tên gọi của bệnh tả korera, được viết thành “虎列刺” (Hổ Liệt Lạt), được sử dụng phổ biến, nên chữ Kanji “虎” (Hổ) có vẻ thích hợp cho việc thể hiện sức mạnh và sự đáng sợ của dịch bệnh.
Bức tranh Nishikie (một dạng tranh mộc bản) có tên gọi “虎列刺退治” (Hổ Liệt Thứ Thối Trì – có thể hiểu là đẩy lùi Hổ Liệt Thứ), vào năm Minh Trị thứ mười chín (1886), thể hiện nỗi sợ hãi của người dân Nhật Bản lúc bấy giờ. Korera (Hổ Liệt Lạt) được khắc họa dưới hình dáng của một loại động vật kì quái, đầu Hổ, mình Sói, mang tinh hoàn khổng lồ của Tanuki. Đây là sự kết hợp của cách viết Hồ Lang Li với Hổ Lang Lị, tạo thành Hổ Lang Li (korori).
Dịch tả góp phần hình thành quan niệm về vệ sinh tại Nhật Bản
Cho đến trước khi dịch tả lưu hành, hầu như không tồn tại phương pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm mang tính y khoa tại Nhật Bản. Người dân đánh đuổi dịch bệnh bằng cách dán bùa bảo vệ trước cửa nhà rồi đóng cửa đợi dịch bệnh đi qua, hoặc đánh trống rung chuông nhằm đuổi căn bệnh đi.
Phương pháp trị bệnh của Ogata Koan và bác sĩ người Hà Lan Pompe van Meerdervoort ở Nagasaki đã cho thấy những kết quả nhất định, nên chính quyền Mạc Phủ Edo đã dựa vào đó ra lệnh cho cơ quan nghiên cứu sách phương Tây, xuất bản cuốn sách phòng ngừa bệnh dịch có tên là Ekidokuyobosetsu (chữ Hán là “dịch độc dự phòng thuyết”). Trong bản lược dịch cuốn sách “Vệ sinh toàn thư” của một bác sĩ người Hà Lan, những biện pháp phòng bệnh được khuyến khích là “giữ sạch sẽ thân thể và quần áo”, “chú ý tuần hoàn không khí trong phòng”, “giữ thói quen ăn uống điều độ và vận động ở mức vừa phải”.
Dịch tả cũng phát sinh vào thời Minh Trị, đặc biệt là vào năm Minh Trị thứ mười hai (1879) và thứ mười chín, dịch bệnh đã lây lan rộng đến mức số người tử vong được ghi nhận lên đến hơn một trăm nghìn người. Thời bấy giờ bên cạnh những phương pháp phòng bệnh trong cuốn “dịch độc dự phòng thuyết” như đã nói ở trên, do trong nhiều trường hợp dịch tả lây nhiễm từ nguồn nước, bùng phát mạnh vào mùa hè, dẫn đến một số phương pháp phòng bệnh chi tiết khác được phổ biến trong dân chúng có thể kể đến như “không uống nước giếng một cách tùy tiện”, “làm khô phòng bằng cách lưu thông không khí”, “không ăn thịt sống hay những con vật bị thương”.
Trong cuốn sách về phòng chống dịch bệnh được phát hành vào năm Minh Trị thứ mười dưới sắc lệnh của người đứng đầu bộ nội vụ (nằm quyền thủ tướng) lúc bây giờ Okubo Toshimichi, có những ghi chép về phương pháp phòng bệnh bằng cách tiêu độc tẩy trùng các mương nước, nhà vệ sinh bằng Thạch Thán Toan (Phenol). Điều thứ mười ba trong sách có ghi rõ, tại những gia đình có người bị bệnh tả, ngoài một người ở lại chăm sóc thì những người khác phải lánh nạn sang nhà khác, đồng thời cấm việc qua lại tới lui nơi gia đình có dịch.
Đúng như câu nói “bệnh truyền nhiễm là mẹ của nền vệ sinh công cộng”, dịch tả lưu hành tại Nhật Bản đã ngay lập tức nâng cao quan niệm về vệ sinh dịch tễ. Đối với Corona virus ngày nay, có thể các yếu tố như độc tính, hệ thống y tế, môi trường xã hội có nhiều khác biệt với thời xưa, nhưng phương pháp dự phòng có rất nhiều điểm chung. Thời kì Mạc Mạt, Minh Trị tiền kì, con người sợ hãi hoang mang bởi những tin đồn, tất cả những gì họ có thể làm là nỗ lực giữ cho thân thể sạch sẽ, đảm bảo không khí quanh mình được lưu thông, cố gắng tự giác hạn chế việc ra ngoài, cứ thế nhẫn nại cho đến khi dịch bệnh đi qua. Con người hiện đại ngày nay, thời đại mà thông tin và các phương tiện phòng bệnh đầy đủ, càng nên có nhận thức đúng đắn về sự nguy hiểm của dịch bệnh và có phương pháp phòng bệnh đúng đắn.
Nguồn: https://www.nippon.com/ja/japan-topics/g00854/
Discover more from Những nẻo đường Phù Tang
Subscribe to get the latest posts sent to your email.