Phong cách sống ở những ngôi nhà Nagaya cổ. Suy nghĩ về đời sống sinh hoạt phong phú ở Nagaya

Hiện tại bạn đang sống ở một nơi như thế nào?

Ngày nay có rất nhiều lựa chọn nơi sinh sống, từ nhà riêng, nhà chung cư, nhà tập thể, kí túc xá hay gần đây share house hay room share cũng trở nên phổ biến. Bên cạnh đó thì việc cách giao thiệp với hàng xóm láng giềng cũng rất đa dạng tùy vào từng gia đình hoặc địa phương. Sự phong phú trong đời sống sinh hoạt hàng ngày phụ thuộc vào một nơi cư trú tốt. Cho đến nay như các bạn đã thấy trên trang chủ, chúng tôi đã giới thiệu đến mọi người rất nhiều mô hình cư trú như nhà nhỏ, nhà di động, đa dạng cư trú…vv

Lần này, chúng ta sẽ tìm hiểu về “nagaya” (được tạo bởi hai chữ Hán “trường” và “ốc”, tạm hiểu là khu nhà dài). Nagaya, mô hình nhà tiêu chuẩn của tầng lớp dân thường thời kì Edo, có ảnh hưởng gì đến cách sinh hoạt và tính cộng đồng của thời hiện đại? Liệu có bí quyết nào chúng ta có thể áp dụng cho cuộc sống ngày này như lối sống tối giản? Chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn khả năng tận dung những ngôi nhà Nagaya còn tồn tại đến ngày nay.

Bài viết đầu tiên, chúng ta hãy cùng nhìn lại về lịch sử về lối sống tại Nagaya ở Nhật Bản.

Thời kì Edo dân số tăng nhanh? Người dân cư trú như thế nào?

Trước hết để bắt đầu cho chuỗi những bài viết về Nagaya, chúng ta cần tìm hiểu về ý nghĩa của Nagaya. Nagaya là một ngôi nhà thon dài, bên trong được chia ra làm nhiều gian bởi các tường ngăn, tạo thành nơi sinh sống cho nhiều hộ gia đình.

Các hộ sống trong cùng Nagaya không thể đi thông qua nhà nhau được, mà khu nhà được thiết kế có nhiều cửa vào riêng biệt.

Thời kì Edo, những người dân thường sinh sống chủ yếu ở Nagaya. Nguyên nhân liên quan đến dân số và diện tích. Đương thời, Edo được cai trị bởi Mạc Phủ Tokugawa, từ năm 1603 đến năm 1868. Sự ổn định lâu dài của thời kì này được cho là đến từ các chính sách được áp dụng rộng rãi như “bế quan tỏa cảng”, “sĩ nông công thương”, “luật của tầng lớp quý tộc”, “luật của tầng lớp võ sĩ”, “thể chế Mạc Phiên”. Dù là ngày nay hay ngày xưa, cư dân đều tập trung đông đúc ở thành thị, thời điểm bấy giờ Edo ước tính có dân số khoảng 1 triệu người.

Hiện tại, nếu Tokyo không có các khu chung cư hay căn hộ tập thể thì không thể có đủ chỗ cư trú đáp ứng quy mô dân số đó được.

Nagaya là lời giải cho nơi cư trú của tầng lớp bình dân

Thời kì Edo, chính trị bị chi phối bởi tầng lớp võ sĩ. Do đó, 70% đất đai của Edo nằm trong tay tầng lớp này, khoảng 15% dành cho điện thờ, chùa chiền của phật giáo và đạo Shinto, 15% còn lại là nơi cư trú cho tầng lớp thương gia và người lao động bình dân, chiếm khoảng một nửa dân số lúc bấy giờ. 15% diện tích này, ước tính khoảng 2 triệu 700 nghìn Tsubo (đơn vị đo diện tích thời xưa), có kích cỡ tương đương với quận Chuo của Tokyo hiện nay. Thật ngạc nhiên khi biết rằng diện tích của quận Chuo vốn chỉ có 130000 người cư trú ngày nay, bấy giờ lại là nơi sinh sống của nửa triệu người. Hơn nữa, thời kì Edo cũng không tồn tại những chung cư cao tầng như thời điểm hiện tại.

Vậy người xưa đã giải quyết vấn đề nơi cư trú như thế nào?

Nagaya chính là câu trả lời. Nagaya được chia làm hai loại chính, là nhà hướng ra mặt đường chính gọi là “Omote nagaya” và nhà nằm bên hông những ngôi nhà này, nằm trong những ngõ nhỏ gọi là “Ura nagaya”.

Đường chính là những con đường lớn ở các khu phố ngày nay, Mặt tiếp xúc với đường chính của Nagaya được dùng cho việc kinh doanh được gọi là “Omote dana”, còn phần nằm sâu bên trong ngôi nhà được gọi là “Ura dana”, vì khu vực này không phù hợp cho việc buôn bán nên được tận dụng cho những người dân thường thuê làm nơi cư trú, “Omote nagaya” là nơi những người có thân phận cao và tương đối giàu có sinh sống, còn những người dân lao động bình dân thì sống ở “Ura nagaya”.

Một căn phòng trong Nagaya được sử dụng bởi người dân thường có diện tích khoảng 6 chiếu (đơn vị diện tích của Nhật), bao gồm phòng ở, tiền sảnh và nhà bếp. Một gia đình từ một đến ba người có thể sinh sống ở đây. Diện tích nếu không tính tiền sảnh và nhà bếp thì còn lại 4 chiếu rưỡi, là không gian ăn ngủ và sinh hoạt, đôi khi còn được sử dụng làm nơi làm việc. Do đó công cụ và y phục đều rất giản dị. Tiền sảnh và nhà bếp được tận dụng một cách hiệu quả để xếp đặt các vật dụng nấu nướng và nhóm lửa trong một không gian có hạn. Cách sinh hoạt ở Nagaya lúc bấy giờ không chừng còn chưa nhiều kiến thức bổ ích, hơn cả nghệ thuật sắp đặt và tái sử dụng thời hiện đại.

Các gian nhà được phân cách bởi một bức tường mỏng, nên những cuộc hội thoại và âm thanh đều có thể nghe thấy rõ ràng. Ngày nay chuyện như vậy có thể gây ra những mâu thuẫn hay tranh cãi, nhưng thời bấy giờ những gia đình sống trong cùng một khu nhà Nagaya đều rất hòa thuận quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau.

Chuyện về toilet và phòng tắm ở Nagaya

Đến đây như các bạn đã thấy, bên trong Nagaya không có toilet và phòng tắm. Vậy con người thời đó sử dụng toilet và phòng tắm như thế nào?

Toilet công cộng ở Edo là nơi sinh ra tiền bạc.

Đương thời, những người sống ở Nagaya đều dùng Toilet công cộng. Tất nhiên là đó không phải là loại bồn cầu xả nước như ngày nay mà là loại hố xí hay còn gọi là hố đi vệ sinh, không phân biệt nam nữ. Toilet được làm rất đơn giản và sơ sài, bồn cầu là một cái hố được đào sâu, lót bên trong bởi tấm ván gỗ, xung quanh bồn cầu được quây lại bởi các tấm gỗ.

Như các bạn đã thấy bức trong các bức tranh thời bấy giờ, cửa của toilet rất thấp, đến nỗi người bên trong có ngồi khom lưng xuống, thì đầu vẫn bị người bên ngoài nhìn thấy rõ. Cứ nghĩ đến việc Toilet công cộng của Tokyo hiện tại nếu cũng được làm theo hình thức này… hẳn chúng ta đều cảm nhận được sự khác biệt rõ ràng giữa quá khứ và hiện tại.

Chất thải từ toilet được sử dụng một cách hiệu quả để làm phân bón giúp cho việc trồng trọt, tạo ra thực phẩm nuôi sống một triệu người dân thành thị của Edo. Những người làm nghề buôn bán phân kí hợp đồng với các chủ nhà, người sở hữu Nagaya, trả tiền cho họ để thu gom chất thải. Giá cả tình bình quân trên mỗi Nagaya, nếu tính theo giá của thời điểm hiện tại thì khoảng từ 10 đến 20 vạn yên một năm.

Phòng tắm công cộng không phân biệt nam nữ là chuyện đương nhiên

Thời Edo hỏa hoạn xảy ra thường xuyên, ngay cả những thương nhân tầm cỡ, dù được cho phép những cũng không làm bồn tắm trong nhà. Tất nhiên người dân bình thường ở Nagaya lại càng không thể có bồn tắm riêng, họ đều sử dụng nhà tắm công cộng (được gọi là Sento).

Sento được gọi là Furo (風呂Phong Lữ) ở Kansai, các nhà tắm được đặt tên như “Daiwa yu”, “Sakura yu”. (Yu là chữ Hán 湯 được sử dụng trong Sento 銭湯), trong khi đó ở Kanto, Sento được gọi là Yuuya (湯屋 Thang Ốc), tên nhà tắm được đặt gắn liền với tên khu phố như Hinokicho no yu, Horiecho no yu. Sento, là địa điểm không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân Edo, cao điểm có những lúc tồn tại đến 600 nhà tắm công cộng.

Thời Edo, việc không phân biệt nam nữ ở Sento là điều bình thường. Có những thời kì việc tắm chung như vậy bị cấm, nhưng đa phần mọi người thời bấy giờ đều xem đó là chuyện thường tình nên không xảy ra rắc rối giữa nam và nữ.

Những cuộc đàm luận bên giếng nước được sinh ra từ lối sống ở Nagaya

Cụm từ “cuộc đàm luận bên giếng nước” ngày nay chỉ việc những bà nội trợ tập trung lại một chỗ, bàn luận hay đàm tiếu về những tin đồn của người khác, hoặc nói về việc nhiều người tập trung lại nói chuyện trong một thời gian dài. Các bạn có biết rằng cụm từ này bắt nguồn từ cuộc sống sinh hoạt của người dân ở Nagaya.

Nagaya không có nước sinh hoạt, nên người dân phải dựa vào nguồn nước từ các giếng nước công cộng. Thời Edo trung kì, trong thành phố cứ mỗi chu vi 20-30m lại có một giếng nước. Nước không thể thiếu đối với cuộc sống cả xưa và nay, việc đảm bảo nguồn nước là công việc của những người phụ nữ quán xuyến việc gia đình. Bên giếng nước, nơi cuộc sống thường nhật diễn ra, luôn có những câu chuyện sôi nổi giữa những người phụ nữ đến đó để rửa rau, giặt giũ hay đứng xếp hàng để chờ tới lượt của mình. Giếng nước thời đó là nơi tuyệt vời để phụ nữ gặp gỡ tiếp xúc và trao đổi thông tin.

Khung cảnh đó chính là nơi bắt nguồn cho cụm từ “cuộc đàm luận bên giếng nước”.

Phong cách sống ở Nagaya thời Edo có ảnh hưởng đến hiện tại?

Như các bạn đã thấy, người dân Edo thời xưa đã sống trong một không gian bị giới hạn. Nagaya trở nên phổ biến bởi khả năng biến không gian đó thành nơi có thể sinh hoạt được. Cuộc sống ở không gian hẹp dẫn đến những vật dụng sở hữu cũng bị giới hạn, nhưng cũng chính cuộc sống ấy đã khiến cho con người nảy ra những ý tưởng mới, sáng tạo, giúp khoảng cách giữa người với người thu hẹp lại, sự hình thành của cộng đồng và sự tương trợ giữa hàng xóm láng giềng cũng từ đó mà diễn ra một cách tự nhiên.

Tới đây hẳn các bạn sẽ đồng ý với chúng tôi rằng “Small House” phiên bản hiện đại của Nagaya, mà chúng tôi đã từng giới thiệu trước đây có vai trò làm phong phú đời sống sinh hoạt thường nhật.

Kì tiếp theo chúng tôi sẽ giới thiệu về phong cách sống mang tính Nagaya ở nước ngoài. Các bạn hãy cùng chờ đón tất cả bốn bài viết về chủ đề này nhé.

Nguồn: https://yadokari.net/nagaya-yadokari-3/20667/


Discover more from Những nẻo đường Phù Tang

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply