Phong tục ném đậu ở xứ tuyết vào ngày Setsubun – Tiết Phân, tại sao lại dùng lạc mà không phải đậu nành ?

Ngày 25 tháng 1 năm 2020

Setsubun (tiết phân) năm nay vào ngày mồng 3 tháng 2. Vào ngày này chúng ta vừa ném những hạt đậu vừa nói “may mắn hãy tới đây”. Hạt được sử dụng phổ biến nhất là đậu nành, nhưng các bạn có biết rằng có những địa phương lại dùng củ lạc còn nguyên vỏ để thay thế. Có rất nhiều những địa phương có phong tục như vậy ở vùng Hokkaido, Tohoku và Shinetsu .

Với một người sinh ra và lớn lên ở Chiba như tôi, khi chuyển đến Shinshu (một tên gọi khác chỉ những khu vực thuộc tỉnh Nagano), tôi đã rất ngạc nhiên khi lần đầu tiên biết đến phong tục dùng lạc vào ngày tiết phân. Khi nghe một người bạn nói “ngày mai là ngày tiết phân nên tớ mới đi siêu thị mua ít lạc về”, tôi còn tưởng là cậu ta định dùng làm đồ nhắm cho buổi tiệc, ai ngờ lại được bảo rằng mua về để cùng chơi với bọn trẻ trong nhà.

Hỏi kĩ ra mới biết hóa ra lạc mua về để dùng cho phong tục ném đậu vào ngày này. Đây cũng là một trong rất nhiều những cú sốc văn hóa ẩm thực mà tôi phải đón nhận kể từ ngày chuyển đến đây.

Hơi lạc đề một chút nhưng trong lĩnh vực học thuật về giáo dục giao tiếp đa văn hóa, tôi được biết rằng con người sẽ trải qua bốn giai đoạn khi tiếp xúc với một nền văn hóa khác. Đầu tiên là giai đoạn “trăng mật” khi vẫn còn vui thích với tất cả những cái mới, tiếp đó là giai đoạn “shock” khi có cảm giác không thoải mái và tâm lí đối địch với văn hóa khác biệt, sau đó là giai đoạn hồi phục khi chấp nhận sự thay đổi văn hóa do dần quen với môi trường xung quanh, và cuối cùng là giai đoạn ổn định khi không còn cảm thấy khó chịu hay lo lắng mà hoàn toàn thích ứng với văn hóa mới.

Trạng thái hồi phục mang tính tâm lý theo đường cong như thế này còn được gọi là “lý thuyết về shock văn hóa theo mô hình chữ U”.

Đặc biệt liên quan đến ẩm thực, con người thường có xu hướng tin rằng văn hóa ẩm thực nơi mình trưởng thành mới là tuyệt vời nhất, trong khi đó lại mang tâm lý đối địch với văn hóa ẩm thực của những vùng khác , dẫn đến giai đoạn “shock” như đã nói ở trên thường kéo dài. Khi nghe nói người Shinshu lấy cá thu đóng hộp làm súp Miso, tôi đã nghĩ “ôi, kinh quá”, đến nỗi nhất thời không dám cho vào miệng. Vào dịp Obon hay Ohigan (ngày lễ đặc biệt của đạo Phật tại Nhật), tôi cũng thấy rất kì quặc khi biết ở đây manju tẩm bột komoro rồi đem rán lên (hay còn được gọi là tempura manju), được lấy làm đồ cúng. Chuyển đến đây đã được 8 năm rồi mà tôi vẫn chưa ăn một lần nào cả.

Ấy vậy mà khi biết đến phong tục ném củ lạc còn nguyên vỏ vào ngày tiết phân ở Shinshu, dù ngạc nhiên trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, tôi lại cảm thấy thích nét văn hóa này và cho rằng làm như vậy thật là hợp lí. Hiện tượng này được gọi là sự hồi phục từ cú sốc văn hóa theo mô hình chữ V.

Hẳn các bạn sẽ nghĩ việc dùng củ lạc cho phong tục ném đậu thì có gì hay. Lời giải thích cho câu hỏi này nằm ở câu chuyện bất mãn của tôi đối với phong tục này trong quá khứ.

Cách ném đậu hơi khác nhau tùy vào gia đình hay vùng miền. Trong trường hợp của gia đình tôi, sau khi ném đậu ở cả bên trong và bên ngoài nhà, tôi phải nhặt số hạt đậu ở trong nhà bằng với số tuổi của mình, rồi bị ép ăn bằng hết. Dù đã dọn dẹp sạch sẽ trước đó cả rồi nhưng những hạt đậu rơi trên nền nhà trông như thế vẫn còn bám ít bụi bẩn, nên tôi chẳng thích ăn chúng chút nào. Bố mẹ tôi dạy rằng ăn những hạt đậu trong ngày này tượng trưng cho lời cầu chúc sức khỏe, không bệnh tật. Nhưng rõ ràng là chúng bám đầy vi khuẩn, nên ngược lại có thể còn khiến tôi sinh bệnh.

Thêm vào đó, ngày nhỏ thành thật mà nói thì tôi cũng không thích đậu nành cho lắm. Đó mới thực sự là bất mãn lớn nhất. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể nhặt những hạt đậu mà mình đã ném ra ở bên ngoài nhà rồi ăn được. Dù không thích ăn chúng nhưng tôi cảm thấy để như vậy thật là lãng phí.

Chỉ bằng việc thay hạt đâu tương bằng củ lạc còn để vỏ, thứ nhất chúng ta có thể ăn chúng sau khi ném đi một cách hợp vệ sinh sau khi bóc vỏ đi, thứ hai chúng có thể nhặt được những củ lạc bị ném ra bên ngoài nhà một cách dễ dàng, và thứ ba hơn hết thảy, lạc ngon tuyệt vời!!! (điều này cũng còn tùy vào khẩu vị của từng người). Hết thảy đều là chuyện tốt cả.

Phong tục ném lạc trong ngày tiết phân liệu có phải chỉ có ở vùng Shinshu? Sau khi tìm hiểu thông tin qua những người bạn xuất thân từ các tỉnh khác, tôi đã biết được một câu chuyện vô cùng thú vị. Những địa phương có phong tục ném lạc hầu như trùng khớp với “những khu vực ăn Osechi vào đêm giao thừa” được giới thiệu trong một bài viết vào năm ngoái “Bạn thưởng thức Osechi vào lúc nào? Hokkaido, hay Shinetsu thì vào đêm giao thừa”.

Osechi là những món ăn truyền thống thường được ăn vào ngày mồng một tháng một đầu năm mới. Nhưng tại một số vùng ở Hokkaido, Shinetsu hay Tohoku, nhiều gia đình bắt đầu thưởng thức Osechi vào tối ngày giao thừa. Những vùng này còn có một điểm chung là coi ngày giao thừa mới là sự kiện chính, quan trong hơn so với ngày đầu năm mới, đến mức những món ăn hấp dẫn và bắt mắt nhất đều được bày ra vào ngày này.

Những người dân ở Hokkaido cho rằng nguyên nhân là do nơi đây bị bao phủ bởi tuyết trắng, không thể ra ngoài được, nên không có thú vui nào khác ngoài ẩm thực. Thay vì chờ đến thời khắc chuyển giao năm mới, mọi người sẽ cùng nhau thưởng thức Osechi vào tối ngày giao thừa. Sự thực đúng là những khu vực này có lượng tuyết rơi rất dày.

Xem ra việc sử dụng lạc vào ngày tiết phân có vẻ có quan hệ đến “Tuyết”. Tương truyền lạc được sử dụng với mục đích như thế này bắt nguồn từ Hokkaido vào thời điểm trước sau năm 1960. Lí do là chúng ta có thể dễ dàng nhặt những củ lạc được ném ra ở bên ngoài nhà, bị lẫn trong tuyết.

Hokkaido còn được biết đến với món “cơm đậu đỏ” được chế biến bằng cách trộn lẫn gạo với Amanattō. Tất cả mọi sự hợp lí và những thay đổi mang tính cách mạng này, phải chăng bắt nguồn từ nét đặc trưng của người dân Hokkaido được bồi đắp trong suốt chiều dài lịch sử khai khẩn vùng đất này. Cứ như vậy dần dần phong tục ném lạc vào ngày tiết phân của Hokkaido được phổ biến rộng rãi sang các xứ sở tuyết trắng khác như Tohoku và Shinetsu.

Nhân tiện, các bạn có biết rằng có cả những tỉnh vốn không phải là vương quốc tuyết như Miyazaki hay Kagoshima cũng có phong tục ném lạc. Nguyên nhân được cho là do các tỉnh này là các địa phương chuyên trồng lạc. Nhắc đến mới nhớ, quê tôi tỉnh Chiba, cũng có rất nhiều vùng trồng lạc. Nhưng lạc lại không được sử dụng vào ngày tiết phân. Không rõ đây có phải là do tính bảo thủ trong tính cách của người dân địa phương không nữa…

Sau khi nói một hồi thì, vốn dĩ tại sao vào ngày tiết phân chúng ta lại có phong tục ném đậu? Tiết phân có ý nghĩa là “phân chia giữa các mùa”, trước đây được dùng để chỉ ngày trước các ngày lập xuân, lập hạ, lập thu và lập đông. Trong số đó, chỉ có ngày trước ngày lập xuân hay trùng với dịp tết cổ truyền (theo âm lịch), mới dần được coi trọng.

Ban đầu, người ta tổ chức nghi lễ trong cung điện vào ngày này với mục đích đánh đuổi “quỷ dữ”, đại diện cho những điều xấu xa như tai họa và bệnh tật, vốn được cho là dễ phát sinh vào thời điểm chuyển mùa. Đậu trong tiếng Nhật được đọc là “mame”, có cùng cách đọc với từ mame ghép bởi hai chữ Hán “mắt” “quỷ”, trong đó “ma” tượng trưng cho ma quỷ, còn “me” ngoài cách hiểu là mắt còn được hiểu là metsuru có nghĩa là tiêu diệt, mame có nghĩa là diệt quỷ bằng cách ném những hạt đậu vào mắt để đuổi chúng đi. Nghi lễ này sau đó được phổ biến rộng rãi trong dân chúng.

Lạc được biết đến với các tên gọi khác nhau trong tiếng Nhật như “lạc hoa sinh”, “nam kinh đậu” hay “peanut”. Vậy lạc được coi là một họ “quả cứng” (nut trong tiếng Anh, quả kiên, quả cứng theo wikipedia tiếng Việt), hay là một loại thuộc họ đậu ? Câu trả lời là họ đậu. Lạc mà một loại cây thân thảo thuộc họ đậu.

Hạt đậu được sử dụng trong ngày tiết phân là bởi niềm tin vào khả năng tiêu diệt ma quỷ (ma wo metsuru, ghép lại là mame, như đã nói ở trên). Còn quả cứng (nut) trong tiếng Nhật đọc là konomi, hoàn toàn không thể kì vọng vào khả năng diệt quỷ được. Trong khi đó lạc vốn có nguồn gốc từ họ đậu, nên được sử dụng trong nghi lễ ném đậu vào ngày tiết phân cũng là điều dễ hiểu.

Cách nghĩ của người dân Hokkaido rất hợp lí, nên tôi cũng tự hỏi liệu có phải họ đã suy nghĩ kĩ về ý nghĩa rồi mới lựa chọn lạc cho phong tục ném đậu như vậy không. Tôi nghĩ sẽ nhận được sự đồng tình với cách nghĩ này nên đem chuyện này nói với một người bạn quê ở Hokkaido, thì lại nhận được câu trả lời hài hước là “có lẽ cũng không ai nghĩ ngợi đến mức thế đâu, có gia đình còn ném cả chocolate thay cho đậu mà”.

Phải rồi, tiện đây nói về mong ước có được sức khỏe và tránh được bệnh tật bằng cách ăn đủ số hạt đậu đã ném ra bằng với số tuổi của mình. Trong trường hợp chúng ta dùng củ lạc còn nguyên vỏ, mỗi củ lạc sẽ được tính là một tuổi, hay mỗi củ được tính là hai tuổi nếu ta bóc vỏ một củ lạc mà trong đó có hai hạt lạc? Một người bạn của tôi đến từ Shinshu trả lời rằng “chắc một củ được tính là một tuổi thôi”. Nếu vậy thì càng lớn chúng ta lại càng phải ăn nhiều củ lạc hơn. Nhưng đối với một người khoái món lạc như tôi thì chuyện đó cũng không thành vấn đề 🙂

(Người viết- 柏木珠希)

 Nguồn: https://style.nikkei.com/article/DGXMZO54642120R20C20A1000000


Discover more from Những nẻo đường Phù Tang

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply