Cuộc đua vượt qua Tesla, hình thành mạng lưới di chuyển từ con số không. Cuộc cách mạng thứ 4- ZeroCarbon

Chiều tối rời Berlin, sáng hôm sau tỉnh dậy Rome đã ở ngay trước mắt. Chuyến tàu tốc hành xuyên Châu Âu kết nối các thành phố quan trọng từ năm 1957 đến năm 1995, sẽ hoạt động trở lại. Tháng 12 năm 2020, Các hãng đường sắt của bốn nước châu Âu đã thống nhất tạo ra mạng lưới các chuyến tàu đêm kết nối 13 thành phố. Những tuyến dự kiến được khai thông trở lại vào tháng 12 như Vienna – Paris đang bắt đầu được tiến hành một cách tuần tự.

Bối cảnh của sự kiện này bắt nguồn từ phong trào “hãy biết xấu hổ khi đi máy bay” với mục đích khuyến khích từ bỏ việc di chuyển bằng máy bay để giám phát thải carbon ra môi trường. Lượng phát thải của ngành vận tải xếp thứ 2 chỉ sau ngành phát điện và cung cấp nhiệt, chiếm 20% tổng lượng phát thải khí carbon trên toàn thế giới, trong đó lượng phát thải của máy bay tính bình quân trên 1km di chuyển của 1 người gấp 5 lần của tàu hỏa. Người phụ trách lĩnh vực môi trường của hiệp hội vận tải hàng không quốc tế Michael Gill cho biết về mặt kĩ thuật máy bay vẫn chưa có khả năng vận hành theo hình thức như ô tô chạy điện (EV).

Vậy không lẽ chúng ta phải từ bỏ việc đi máy bay? Airbus, tập đoàn hàng không khổng lồ của châu Âu không ngồi yên mà đã bắt đầu hành động để bảo vệ một trong những lựa chọn di chuyển của con người. Hãng đưa ra tuyên bố sẽ hiện thực hóa việc chế tạo máy bay có mức phát thải bằng không vào năm 2035. Mô hình máy bay không phát thải “ZeroE”, dự kiến sẽ hoạt động bằng năng lượng từ việc đốt cháy nhiên liệu Hydro hóa lỏng bằng tuốc bin gas. Nếu dự án này thành hiện thực, nó sẽ trở thành cuộc cách mạng lớn nhất trong ngành hàng không kể từ khi chiếc máy bay phản lực thương mại đầu tiên cất cánh cách đây 70 năm.

Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, thu nhập và lượng phát thải carbon có mối liên hệ chặt chẽ. Thời điểm 2015, những người có mức thu nhập cao nhất chiếm 1% dân số thế giới, còn được biết đến với tên gọi tầng lớp siêu giàu, có lượng phát thải đạt ngưỡng 15% lượng phát thải trên toàn thế giới. Nếu mở rộng ra đến mức 10% những người có mức thu nhập cao nhất, thì lượng phát thải chiếm tới 48% trên toàn bộ. Trong khi đó, 50% dân số thế giới với mức thu nhập thấp có lượng phát thải không quá 7%. Tầng lớp giàu có đặc biệt có ảnh hưởng lớn đến vận tải trên không lẫn trên bộ.

Xe ô tô phương tiện hỗ trợ cuộc sống thường nhật cũng sẽ thay đổi. Ngoại ô Munich, thành phố phía Nam nước Đức, xuất hiện một công ty khởi nghiệp được mệnh danh là “Tesla trên không”. Đó là công ty Lilium Aviation được thành lập vào năm 2015, chuyên phát triển một loại phương tiện được gọi là ô tô bay cất cánh thẳng đứng, chạy bằng năng lượng điện (eVTOL). Công ty đặt ra mục tiêu thương mại hóa vào năm 2025, và quảng bá cho sản phẩm dưới dạng một phương tiện hoàn toàn không phát thải khí nhà kính khi di chuyển. Công ty đã nhận được hơn một tỉ đô la Mỹ từ các tổ chức đầu tư và trở thành một startup kỳ lân.

Việc phát triển ô tô bay cũng đang được xúc tiến tại Nhật Bản. Công ty SkyDrive có trụ sở tại Shinjuku Tokyo, đặt mục tiêu hiện thực hóa vào năm 2023, đã công bố thử nghiệm phương tiện bay có người lái vào tháng 8 năm 2020. Chiếc “ô tô bay” được điều khiển bởi một phi công này đã cho thấy khả năng xoay tròn, và giữ được sự ổn định ở độ cao 2m so với mặt đất.

Đối với ô tô bay, hình thức đòi hỏi nhấc bổng toàn bộ phương tiện khỏi mặt đất, chìa khóa then chốt, còn quan trọng hơn cả đối với ô tô chạy điện (EV), là khả năng giảm thiểu kích cỡ và nâng cao tính năng của pin. Sky Drive hướng đến việc phát triển phương tiện có khả năng chở được hai người vào năm 2023, nhưng hiện tại ô tô bay của hãng mới chỉ chở được một người và bay trong vòng 10 phút. CEO Fukuzawa cho biết “để một phương tiện nhẹ có thể bay trong vài giờ, một cuộc cách mạng về công nghệ pin là điều bắt buộc”.

Khác với thời đại sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương thức di chuyển thời đại giảm phát thải carbon được sinh ra từ những ý tưởng và phát minh không có tính liên tục. Do đó cuộc cách mạng kĩ thuật nếu chậm trễ sẽ tạo ra những nút thắt rất nguy hiểm.

Tại thị trường xe hơi Trung Quốc một sự “đảo ngược” đã trở thành chủ đề bàn luận gần đây. Công ty SAIC-GM-Wuling Automobile, hình thành từ liên doanh của công ty công nghiệp ô tô Thượng Hải, Liuzhou Wuling Automobile và tập đoàn General Motor của Mỹ, đã cho ra mắt dòng xe điện cỡ nhỏ Hongguang Mini EV. Sản lượng xe bán được của dòng xe này vào tháng 9 vừa qua đã vượt qua cả dòng xe chủ lực Model 3 của Tesla. Quãng đường di chuyển tối đa cho một lần sạc có thể đạt được là 120km, hướng đến phân khúc di chuyển trong phạm vi hẹp nhưng giá thành rất rẻ, chỉ ở mức 28800 nhân dân tệ (Khoảng 46 vạn yên, chưa tới 100 triệu VND). Giá thành hấp dẫn đã làm cho dòng xe trở nên nổi tiếng và thu hút sự chú ý của dư luận, dẫn đến doanh số bán hàng bùng nổ tại các đô thị địa phương.

Giảm phát thải carbon trở thành cơ hội trời cho, tạo ra một thời đại mới đầy cạnh tranh, mà ngay cả những công ty hàng đầu như Tesla cũng không được phép lơ là. Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của tập đoàn Nihon Densan (tên tiếng Anh; Nidec Corporation) đưa ra lời tiên đoán “vào năm 2030, nếu một nửa lượng xe lưu hành trên thị trường là xe điện (EV), giá thành xe điện khi đó sẽ chỉ còn bằng 1/5 so với hiện tại”. So với xe chạy bằng xăng dầu, vốn cần đến khoảng 30,000 linh kiện lắp ráp, số lượng linh kiện cần cho xe điện, vốn không cần mang trong mình động cơ đốt trong, sẽ giảm đi tới 40%. Chướng ngại để tham gia thị trường sản xuất xe hơi từ đó mà giảm đi, dẫn tới việc trong tương lai sẽ có thêm những công ty mới không liên quan đến ngành này cũng tham gia vào cuộc chơi.

Nhà sản xuất ô tô đa quốc gia của Nhật Bản Toyota, bắt đầu từ việc xây dựng một thành phố. Toyota đã khởi công xây dựng thành phố thực nghiệm nơi mà chỉ có các phương tiện không phát thải carbon (ZEV) hoạt động, trên khu công trường cũ rộng lớn với diện tích ước chừng 700,000 m². Chủ tịch tập đoàn Toyota, Toyoda Akio nhấn mạnh có khoảng 3000 đối tác muốn được cùng tham gia dự án, hướng đến việc hoàn tất trong vòng 5 năm. Cũng có khả năng một loại ô tô bay do tập đoàn tự phát triển sẽ được ra mắt.

Ngành công nghiệp sản xuất xe hơi với sự dẫn dắt của Henry Ford, nhà sáng lập tập đoàn Ford Motor của Mỹ, đã xác lập được quy trình sản xuất ô tô với số lượng lớn vào đầu thế kỉ 20. Chi phí sản xuất giảm đi đáng kể, cung cấp cho người tiêu dùng sự tự do trong việc di chuyển, góp phần lớn vào động lực phát triển của nền kinh tế. Hiện tại, ngành này đang tạo ra công ăn việc làm cả trực tiếp lẫn gián tiếp cho hơn 50 triệu lao động trên toàn thế giới.

Từ nay bức tranh của ngành công nghiệp không phát thải carbon sẽ ngày một đổi khác. Đã đến lúc những doanh nghiệp Nhật Bản, những người luôn tiên phong trong lĩnh vực sản xuất ô tô từ trước đến nay, có những nét vẽ mới của riêng mình cho bức tranh của tương lai.

Nguồn: https://www.nikkei.com/article/DGXZQODZ00004_Q0A221C2000000/


Discover more from Những nẻo đường Phù Tang

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply